Nhịp tăng giảm biên độ lớn

Tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước chứng kiến nhiều phiên tăng giảm với biên độ khá lớn. Sau phiên giảm mạnh ngày 17-12, TT đã nhanh chóng tăng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 18-12, lấy lại hết những gì đã mất. TT không còn quá xa lạ với những phiên khớp lệnh 10.000 tỷ đồng bởi hoạt động mua bán của nhà đầu tư (NĐT) ngày càng sôi động hơn.

Tuần qua, thị trường đã chứng kiến những phiên tăng giảm thất thường. Ảnh: NAM ANH
Tuần qua, thị trường đã chứng kiến những phiên tăng giảm thất thường. Ảnh: NAM ANH

TTCK đang có đà tăng giá mạnh mẽ và hưng phấn, bất ngờ ngày 17-12 xuất hiện thông tin Việt Nam bị đưa vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ của Mỹ. Giữa thời điểm tâm lý đang căng thẳng không rõ đâu là đỉnh của TT, tin này như thể châm ngòi cho đợt bán tháo mạnh. Cuối phiên, sàn HoSE có vấn đề về lệnh vì giao dịch rất nhỏ. Theo bảng điện của sàn này, tổng khối lượng khớp lệnh của đợt ATC chỉ là 4.043.040 cổ phiếu (CP), tương đương 91 tỷ đồng. Nhóm VN30 giao dịch 1.429.840 CP, tương đương 46,4 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản rất vô lý trong một đợt giao dịch, nhất là khi TT đang có diễn biến xấu đi.

Do giao dịch quá nhỏ trong đợt đóng cửa nên VN Index gần như không thay đổi gì so điểm số cuối cùng trong đợt khớp lệnh liên tục. Điều này có thể phát đi thông điệp nhầm lẫn rằng TT vững vàng trước đợt bán tháo đầu phiên này. Tuy nhiên, cần khẳng định là cung - cầu của đợt ATC không phản ánh đúng ý chí của các bên giao dịch. Ngay cả khi chấp nhận kết quả đợt đóng cửa phiên này thì VN Index vẫn giảm tới 15,22 điểm, tương đương giảm 1,43% so tham chiếu. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ phiên giao dịch ngày 16-11 vừa qua. 

Nhóm CP vốn hóa nhỏ tăng ngược dòng khá nhiều phiên này. Thậm chí hàng loạt CP vẫn được đầu cơ lên kịch trần như: KBC, ELC, TGG, TDG, SJF, VPG... Các CP này có được khối lượng dư mua giá trần khá lớn nên không rõ mức thanh khoản nhỏ giọt trong đợt ATC là thật sự do người bán không bán ra, hay bị kẹt lệnh. Ngay cả khi giao dịch đáng ngờ trong đợt ATC thì phiên này hai sàn vẫn lập kỷ lục cao nhất lịch sử về giá trị khớp lệnh với 14.873,4 tỷ đồng. Hầu như toàn bộ giá trị này được thực hiện trong phiên. Trong đó, sàn HoSE cũng lập kỷ lục giao dịch mới với 13.688 tỷ đồng.

Thực tế, phiên này TT đã phải chứng kiến đợt bán tháo rất lớn. Thông tin Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ là thông tin xấu rất bất ngờ. Nhiều NĐT coi đó là lý do để bán ra. Tuy nhiên hiệu ứng mạnh tạo thanh khoản kỷ lục không phải chỉ là do thông tin này.

TT đã có giai đoạn tăng trưởng rất nhanh và mạnh nên luôn thường trực nhu cầu chốt lời. Phiên này, TT bị bán liên tục và lực cầu bắt đáy không thể nâng đỡ. Ngay sau khi mở cửa ít phút, VN Index đã giảm hơn 1% và mức giảm sâu nhất tới 1,46%. Ban đầu, lực cầu bắt đáy xuất hiện đã giúp TT đứng vững trong nửa đầu phiên sáng. Đến khoảng 11 giờ thì lực bán dâng cao và TT giảm rất sâu. Buổi chiều lại xuất hiện một đợt bắt đáy nữa kéo VN Index phục hồi nhưng cuối phiên lại giảm tiếp. Nếu TT bình thường, rất có thể đợt ATC sẽ chứng kiến một lực bán rất mạnh nữa. Với giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục, NĐT đã rút tiền ra với tốc độ lớn chưa từng thấy. Từ đầu tuần qua tới phiên giao dịch ngày 17-12 giá trị riêng khớp lệnh đã là 51.579 tỷ đồng và nếu tính cả thỏa thuận thì lên tới 57.929 tỷ đồng. Mặc dù TT đang tăng trưởng rất tốt nhưng việc NĐT vẫn bán ra với quy mô lớn như vậy có nghĩa không phải ai cũng kỳ vọng TT lên cao hơn.

Bước vào phiên giao dịch cuối tuần qua, sáng 18-12, dù NĐT khá thận trọng sau phiên giảm sâu đột ngột khiến dòng tiền có chút dè dặt hơn, nhưng diễn biến tích cực ở nhóm CP blue chip khi hầu hết đều có được sắc xanh, đã hỗ trợ giúp TT hồi phục thành công. Chỉ số VN Index quay lại thử thách mốc 1.060 điểm nhưng đã nhanh chóng thu hẹp biên độ sau khi chạm ngưỡng kháng cự này do lực cầu chưa đủ mạnh.

Nhóm VN30 chỉ còn hai mã là MSN và SAB giao dịch dưới mốc tham chiếu, còn lại hầu hết đều ở mức giá xanh với mức tăng khá hạn chế. Trong đó, dòng CP ngân hàng vẫn có nhiều điểm sáng và là tâm điểm thu hút dòng tiền. 

Dòng tiền vẫn chảy rất mạnh khiến phiên giảm điểm ngày 17-12 dường như chỉ là một tai nạn. Sự hưng phấn của các NĐT, đặc biệt là các NĐT mới khiến TT có thêm dòng tiền kéo giá nhiều CP tăng vụt. Khi điều này đang diễn ra, thì với đặc tính của CK Việt Nam, mọi phân tích kỹ thuật với điểm bán điểm mua, hay phân tích cơ bản, thường sẽ bị vô hiệu hóa. Nếu NĐT phân tích tâm lý tốt, hay nói khác đi là lượng hóa được dòng tiền và nắm được tâm lý đám đông thì sẽ chiến thắng.

Thực tế, lực cầu khá mạnh với tâm điểm hướng vào nhóm CP blue chip đã dẫn dắt VN Index vượt qua mốc 1.060 điểm trong phiên sáng và tiếp tục nới rộng đà tăng ở phiên chiều cuối tuần qua. Diễn biến khởi sắc ở nhóm CP blue chip đã giúp VN Index lấy lại những gì đã mất trong phiên trước đó. Chốt phiên, VN Index  lên 1.067,46 điểm khi có tới 301 mã tăng và 129 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 623,64 triệu đơn vị, giá trị 13.237,95 tỷ đồng, giảm 6,63% về khối lượng và 8,9% về giá trị so phiên giao dịch ngày 17-12.

Trong tuần qua, TT đã chứng kiến những phiên tăng giảm thất thường. Tưởng chừng TT sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh, thì rất nhanh chóng, VN Index đã lại bật tăng trở lại trong phiên kề ngay sau đó. Và dường như thông tin Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ chỉ là cái cớ rất hợp lý cho nhiều NĐT “đảo hàng” và tính toán này xem ra bước đầu đã thành công.