Nhiều mã nhỏ nổi sóng

VN Index tạm dừng lại chờ xu thế mới sau chuỗi tăng mạnh trong thời gian dịch. Khi thị trường (TT) trở nên khó đoán thì lại là cơ hội cho dòng tiền đầu cơ ở những mã thị giá vừa, nhỏ và siêu nhỏ đua nhau tăng trần trong phiên cuối tuần qua, ngày 24-4. Mặc dù TT đã hồi nhẹ trong hai phiên giao dịch vừa qua, nhưng tâm lý nhà đầu tư (NĐT) vẫn khá thận trọng trước diễn biến rung lắc của TT.

Tâm lý nhà đầu tư bình ổn trở lại giúp thị trường hồi phục. Ảnh: NAM ANH
Tâm lý nhà đầu tư bình ổn trở lại giúp thị trường hồi phục. Ảnh: NAM ANH

Phiên giao dịch ngày 23-4 trông đợi sự bùng nổ với thông tin nới lỏng quy định giãn cách xã hội (GCXH), sau gần một tháng trời thực hiện nghiêm túc. Điều bất ngờ là khi TT trong tình trạng GCXH thì tăng mạnh nhưng đến khi được nới lỏng lại tỏ ra thận trọng. Nếu nói NĐT kém hào hứng với việc nới lỏng thì chưa chính xác. Phiên này, TT tăng khá, nhưng đà tăng không bền vững, rõ ràng. Chỉ vài phút đầu TT tỏ ra hứng khởi, VN Index tăng vọt 2,17% lên 785,6 điểm nhưng toàn bộ thời gian còn lại giao dịch rất chậm và trượt dốc dần. Đến cuối phiên chỉ số chỉ còn tăng 4,99 điểm (tương đương 0,65%), nghĩa là để mất gần 11,7 điểm (tương đương 1,49%).

Cần nhấn mạnh rằng, TT khá sôi động đầu phiên và rất nhiều cổ phiếu (CP) tăng rất cao. Chẳng hạn VNM còn tăng 1,13% ngay đầu phiên, VCB tăng 2,45%, BID tăng 2,76%, VIC tăng 2,59%... Chỉ số VN30 Index đầu ngày tăng 2,18% xác nhận mức tăng ban đầu tốt ở các blue chip. Thậm chí nhóm này còn không có mã nào giảm hay tham chiếu. Thế nhưng đến cuối phiên, VN30 chỉ còn 16 mã tăng và 14 mã từ tham chiếu tới giảm.

Nhìn tổng thể sàn HoSE thì phiên này số CP tăng giá cũng không ít. Hiện tượng suy yếu trong hoạt động đầu cơ phản ánh rõ nhất về tâm lý thận trọng đang lan rộng. TT phiên này không chịu tác động gì lớn từ bên ngoài. Các TT quốc tế tăng rất tốt trong đêm 22-4, S&P 500 tăng 2,29%. Giá dầu sau cú sốc mấy ngày trước cũng đang tăng khoảng 9% (dầu WTI). Trong nước, chứng kiến màn đảo chiều khá ngoạn mục tới hơn 2,5% chỉ trong phiên 22-4. Cuối ngày lại xuất hiện thông tin sẽ nới lỏng GCXH. Nếu lật lại cách đây đúng 18 phiên thì khi xuất hiện tin GCXH hôm 30-3, VN Index sụt giảm đột biến 4,9%. Tuy nhiên, trong toàn bộ thời gian GCXH lại là lúc TT đi lên mạnh mẽ hiếm thấy.

Có NĐT đã nói vui rằng khi GCXH, mọi người ở nhà và TT chứng khoán bỗng nhiên trở nên hấp dẫn. Khi mọi người đi làm trở lại, quay về thời gian biểu cũ thì TT lại kém hấp dẫn. Đây chỉ là sự suy diễn mang tính giải trí vì dòng tiền trên TT không thể thay đổi lớn chỉ sau một đêm. Điểm mấu chốt của hiện tượng tăng giảm không chắc chắn hai phiên gần đây là thanh khoản suy yếu quá nhanh. Phiên này tổng giá trị giao dịch hai sàn đột ngột rơi xuống còn 3.815 tỷ đồng sau khi đã chứng kiến mức giảm mạnh trong phiên kề trước (4.519 tỷ đồng). Hai phiên này thanh khoản quá yếu nếu so hai phiên đầu tuần, trung bình 6.371 tỷ đồng/ngày.

Lượng tiền giao dịch hàng ngày là sức khỏe của TT chứng khoán. Vì thế, khi tiền ít TT diễn biến chậm chạp và trồi sụt là hợp lý. Mặc dù không thể biết liệu các NĐT có rút bớt tiền khỏi TT khi các hoạt động xã hội - đồng nghĩa với các kênh đầu tư khác - trở lại bình thường hay không, nhưng giao dịch trên TT giảm chắc chắn phải là do NĐT hạn chế tham gia. Thanh khoản chung giảm, NĐT nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng là sự kết hợp không tốt. Trước đây vài tuần, khối này xả rất nhiều nhưng NĐT trong nước sẵn sàng mua nên thanh khoản rất cao và giá tăng. Nếu lúc này NĐT trong nước rút lui thì khối này lại có thể gây sức ép trở lại. Sàn HoSE phiên này bị bán ròng 315 tỷ đồng.

Áp lực bán gia tăng khiến TT nhanh chóng quay đầu trong phiên sáng cuối tuần qua, ngày 24-4. Trong đó, HSG có dấu hiệu bị chốt lời khiến mã này không giữ được sắc tím, trong khi lượng khớp tăng vọt, dẫn đầu sàn HoSE. Sau chuỗi ngày dài tăng điểm và liên tiếp giành lại những ngưỡng kháng cự cao hơn khi TT chứng kiến tới 12/13 phiên tăng trong nửa đầu tháng 4, chỉ số VN Index đã gặp áp lực chốt lời và lao dốc mạnh trong phiên 21-4. Một trong những nguyên nhân tác động mạnh tới TT có thể là do việc giá dầu thô rơi xuống mức thấp kỷ lục trong hơn hai thập kỷ. Tuy nhiên, tâm lý NĐT nhanh chóng bình ổn trở lại giúp TT hồi phục nhẹ, bất chấp áp lực rút ròng mạnh từ NĐT nước ngoài vẫn chưa dứt.

Mặc dù vậy, TT mở cửa phiên cuối tuần qua vẫn duy trì sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của một số blue chip, đặc biệt là VNM sau thông tin Vinamilk dự chi hàng nghìn tỷ đồng để mua vào 17,5 triệu CP quỹ. Tuy nhiên, VN Index không thể đi quá xa khi lực bán vẫn luôn thường trực trong khi bên mua tỏ ra khá thận trọng. Chỉ sau hơn 20 phút giao dịch, TT đã đảo chiều giảm điểm trước áp lực bán dâng cao khiến sắc đỏ bao phủ trên diện rộng bảng điện tử, trong đó hầu hết blue chip cũng đã lui về dưới mốc tham chiếu. Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng gần một giờ giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu, sự bứt phá của VNM đã tiếp sức giúp TT hồi phục thành công.

Đóng cửa, sàn HoSE khá cân bằng với 177 mã tăng và 159 mã giảm, VN Index tăng 2,75 điểm, lên 776,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 262,27 triệu đơn vị, giá trị 3.932,91 tỷ đồng, tăng 27,44% về khối lượng và 19,45% về giá trị so phiên 23-4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,2 triệu đơn vị, giá trị 732,52 tỷ đồng. Ngoài trụ đỡ lớn VNM, TT còn nhận được sự hậu thuẫn từ một số blue chip khác như: HPG; MSN; PLX; VPB và REE. Tâm điểm đáng chú ý là dòng tiền đầu cơ chảy mạnh đã tiếp sức cho nhiều mã thị giá vừa và nhỏ nổi sóng.