Ngoạn mục cuộc hồi sinh từ đáy

Sau phiên cuối cùng của năm 2020 ngày hôm nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chính thức khép lại một năm đầy ấn tượng và cảm xúc. Đặc biệt là việc TTCK đã hồi sinh một cách ngoạn mục từ đáy, khiến dòng tiền mới ồ ạt đổ vào. Báo cáo quý IV và năm 2020 của Tổng cục Thống kê mới phát hành nêu rõ, TTCK đã huy động được hơn 383.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Đến ngày 28-12, VN Index đã cán mốc 1.090 điểm.
Đến ngày 28-12, VN Index đã cán mốc 1.090 điểm.

Cụ thể, tính đến ngày 17-12-2020, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của TTCK ước đạt 383.600 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ năm 2019; giá trị giao dịch bình quân trên TT cổ phiếu (CP) ước đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so bình quân năm 2019. Trên TT trái phiếu (TP), giá trị giao dịch bình quân ước đạt 10.247 tỷ đồng/phiên, tăng 11,3%; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trên TTCK phái sinh đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77%.

Đối với hoạt động của ngân hàng, bảo hiểm trong năm 2020, theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất điều hành tạo điều kiện cho nền kinh tế có điều kiện phục hồi nhanh trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển ổn định và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp; huy động vốn cho nền kinh tế của TTCK tăng khoảng 20% so năm trước. 

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV - 2020 ước tăng 4,48% so cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã tạo động lực cho nền kinh tế, nên GDP quý IV tăng trưởng khởi sắc so quý III - 2020. GDP năm 2020 tăng 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam từ cuối tháng 1-2020, sớm hơn thế giới tới gần một tháng. Phản ứng của các nhà đầu tư (NĐT) trên toàn cầu đã dẫn đến một đợt sụt giảm nhanh và mạnh chưa từng thấy trên các TTCK. VN Index chỉ trong hai tháng sau đó đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn chung của năm 2020, với việc liên tục triển khai các gói hỗ trợ kinh tế, miễn, hoãn giảm thuế hay việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp của NHNN đã tạo ra điều kiện hoạt động sôi động hơn cho TTCK. Minh chứng là có một sự chuyển dịch từ tài khoản tiết kiệm, vàng, ngoại tệ và dòng tiền nhàn rỗi sang kênh đầu tư CK.

Chính nhờ dòng tiền mới này mà giới phân tích không ít lần phải “sửa sai” khi tăng giá mục tiêu (target price) liên tục trong danh mục theo dõi, bởi TTCK liên tục phá đỉnh. Nhất là trong dịp cuối năm, kể từ khi VN Index tiến gần đến mốc kháng cự tâm lý 1.100 điểm thì nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu các NĐT. Trong đó phải kể đến những câu hỏi như: Liệu TTCK đã đạt đỉnh chưa? Dòng tiền 5 triệu tỷ đồng đang dần được rút ra từ các tài khoản tiết kiệm của các NĐT mới (F0) khi mà TT đang hưng phấn trong “men say” chiến thắng khi nào sẽ dừng lại?

Những câu hỏi này không phải là không có cơ sở khi chỉ số VN Index đã tăng trưởng không ngừng trong tháng 12-2020. Chỉ số này đã tái chiếm thành công mốc 1.000 điểm. Thậm chí, tính đến ngày 28-12, đã cán mốc 1.090 điểm.

Nhiều chuyên gia CK nhận định, chỉ số này thời gian tới sẽ còn hướng tới những đỉnh cao mới, thậm chí là 1.200 điểm. Vì thế, có lẽ đây chưa phải là lúc để quan ngại về xu hướng vận động của chỉ số. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, gần đây, các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, thanh khoản của hệ thống NH tăng, lãi suất giảm, đặc biệt chính sách của Chính phủ hướng vào cầu TT trong nước là trụ cột quan trọng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế đã góp phần củng cố niềm tin của NĐT CK cũ, thậm chí là thu hút NĐT F0 tìm đến với CK như một kênh đầu tư tiềm năng khi giá nhiều CP đã về vùng hấp dẫn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tính chung 11 tháng năm 2020, số tài khoản mở mới trên TTCK Việt Nam đạt hơn 330.000 tài khoản, cao hơn gần 88% so cùng kỳ năm trước. 

Từ đầu tháng 12-2020, TTCK Việt Nam chính thức trở thành TT có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các TT cận biên (Frontier Markets) theo hệ thống phân loại của MSCI. Có được điều này là do TT Kuwait được nâng hạng lên nhóm “mới nổi”. Theo lộ trình tăng tỷ trọng, TTCK Việt Nam cuối năm 2020 sẽ đạt 15,76%, lớn nhất trong nhóm các TT cận biên của MSCI. Đến hết năm 2021, tỷ trọng của TTCK Việt Nam ước đạt 28,76%.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã đạt mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế. Đến thời điểm này, dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 2,8%, là điểm sáng trong các nền kinh tế. Với hơn 20 khoản phí, lệ phí được cắt giảm, có loại đưa về 0%. Rõ nét nhất là các loại phí và lệ phí cho TTCK. Nhờ đó, TTCK đã tăng trưởng, kéo theo TT tài chính ổn định. Đến thời điểm hiện nay, huy động vốn có thời gian vay tăng, bình quân hơn 13 năm, lãi suất vay ở mức thấp 2,88%. TT tài chính cơ bản ổn định đã hậu thuẫn cho TTCK tăng trưởng mạnh và trở thành một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.