Minh bạch hoạt động cho vay tiêu dùng

Cho vay tiêu dùng (CVTD) là hoạt động tín dụng có mức tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây tại thị trường Việt Nam và đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng. Tuy nhiên, có hiện tượng “mập mờ” về lãi suất khiến không ít người đi vay để chi tiêu dùng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi phải trả lãi suất quá cao.

Công ty tài chính phải công bố rõ lãi suất cho vay tiêu dùng. Ảnh: NG.NAM.
Công ty tài chính phải công bố rõ lãi suất cho vay tiêu dùng. Ảnh: NG.NAM.

Mức tăng trưởng bình quân của tổng dư nợ CVTD tại Việt Nam trong bảy năm qua đạt xấp xỉ 20%/năm. Dư nợ CVTD hiện đạt khoảng hơn 6% GDP và dự kiến sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020. Việt Nam đang được xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới, với quy mô dân số khoảng 95 triệu người, nên tiềm năng của tín dụng CVTD cá nhân được đánh giá còn tăng trưởng cao trong tương lai. Vì thế, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN (TT43), quy định rõ ràng các hoạt động CVTD và tách bạch về quản lý đối với hoạt động này là phù hợp tính chất khác biệt của dịch vụ, đồng thời sẽ giúp thị trường CVTD ở Việt Nam phát triển minh bạch, lành mạnh và hiệu quả hơn; phù hợp thông lệ quốc tế, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Theo NHNN, TT43 về CVTD của công ty tài chính (CTTC), có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2017, đã đưa ra các quy định phù hợp đặc thù hoạt động CVTD của CTTC, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động CVTD phát triển bền vững. Thực tế, lãi suất CVTD của CTTC có phần cao hơn NH, vì đối tượng khách hàng này rất khó tiếp cận vốn NH, nhưng mức lãi suất áp dụng đối với loại hình tín dụng này được các CTTC áp dụng cũng không thể quá cao. Do vậy, TT43 yêu cầu các CTTC phải công bố rõ lãi suất CVTD, trong đó phải công bố mức lãi suất theo năm. Bởi nếu CTTC công bố lãi suất theo tháng, con số lãi suất sẽ thấp hơn nhiều, còn công bố lãi suất theo năm thì người vay sẽ so sánh được với lãi suất cho vay giữa CTTC và các NH. Đây là điều mà lâu nay người đi vay tiêu dùng ít hiểu biết về tài chính hay nhầm lẫn.

Xuất phát từ yêu cầu quản lý cần có cơ sở pháp lý cao hơn để định hướng hoạt động CVTD, bảo vệ người đi vay, quy định trong TT43 về lãi suất cho vay được tính theo tỷ lệ phần trăm/năm giúp người đi vay có thể so sánh lãi suất NH và hạn chế tình trạng các CTTC cho vay với lãi suất quá cao. Trước đó, Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 284/2000/QĐ-NHNN về việc cho phép thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận. Lãi suất cho vay phụ thuộc sự thỏa thuận giữa hai bên, được điều tiết bởi quy luật cạnh tranh và cung cầu thị trường.

Với các CTTC, do không được phép huy động tiền gửi ngắn hạn từ dân cư nên chi phí vốn cao hơn so các NH. Theo thống kê của NHNN, chi phí vốn của các CTTC thấp nhất là 11 - 12%/năm, chưa kể các chi phí thẩm định, quản lý khoản vay nhỏ lẻ. Đây là một trong những lý do khiến lãi suất cho vay của các CTTC ở mức cao.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, tuy lãi vay CVTD được các CTTC niêm yết công khai, nhưng một số CTTC có tình trạng “mập mờ” khiến người vay không thể nắm rõ và dễ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” sau khi vay vì thực tế phải trả lãi suất quá cao. Hiện NHNN vẫn cho phép áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận, nhưng yêu cầu các CTTC phải ban hành quy định về khung lãi suất CVTD áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm CVTD. Quy định này trong TT43 đã ràng buộc lãi suất cho vay của CTTC. Đây là cơ sở để NHNN nhìn nhận, đánh giá CTTC, với rủi ro đó thì lãi suất nào phù hợp và sẽ hạn chế bức xúc của người dân, họ dễ dàng so sánh lãi suất NH, qua đó hạn chế CTTC đưa mức lãi suất quá cao.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, với sự ra đời của TT43, hoạt động CVTD của các CTTC đã có một khung pháp lý riêng, không còn bị quản lý/đối xử như một NH thương mại như trước. Đây là một thay đổi lớn, tích cực trong quản lý của cơ quan chức năng, ghi nhận sự khác biệt trong hoạt động của các CTTC và NH thương mại. Ngoài ra, TT43 có những quy định mới liên quan quy đổi lãi suất theo năm, thời gian gọi điện nhắc nợ với khách hàng, đơn giản hóa về hồ sơ vay vốn… Những điều khoản này sẽ góp phần tăng cường việc minh bạch hoạt động CVTD của các CTTC, đơn giản hóa các thủ tục vay, cũng như hướng đến bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng, nhằm hạn chế những nguy cơ tranh chấp về sau.

Việc NHNN ban hành TT43 nhằm hướng dẫn Nghị định số 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của CTTC và công ty cho thuê tài chính, hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động CVTD của CTTC, bảo đảm hoạt động CVTD của CTTC phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân ngày một gia tăng. Khách hàng sẽ có đầy đủ thông tin về khoản vay của mình trước khi quyết định ký, nhưng khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng và có trách nhiệm thực hiện đúng các cam kết.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm, TT43 đang đặt ra một số thách thức cho các CTTC như: quy định về phương pháp tính lãi tiền vay quy đổi lãi suất theo năm, quy định cụ thể về việc tính lãi chậm trả hoặc lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn… sẽ buộc CTTC phải điều chỉnh hệ thống cho phù hợp và rõ ràng. Mặt khác, theo quy định mới, CTTC thực hiện CVTD chỉ được cho vay không quá 100 triệu đồng/khách hàng. Mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với CVTD để mua ô-tô và sử dụng ô-tô đó làm tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật.