Lực cầu bắt đáy nhập cuộc tốt

Dù vẫn nghẽn lệnh, nhưng khác với các phiên trước khi VN index chỉ đi ngang suốt phiên, trong phiên chiều cuối tuần qua (ngày 26-3), VN index đã bất ngờ được kéo tăng hơn 10 điểm, về sát mốc tham chiếu nhờ lực cầu bắt đáy nhập cuộc tốt.

VN index trở lại lên trên mốc 1.150 điểm. Ảnh: NAM HẢI
VN index trở lại lên trên mốc 1.150 điểm. Ảnh: NAM HẢI

Áp lực bán trên TT vẫn khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 25-3, đẩy cổ phiếu (CP) vào vùng giảm giá nhiều hơn là tăng. Tuy vậy vai trò của mã trụ quá ấn tượng, trong đó VIC giao dịch nổi bật sang phiên thứ hai liên tiếp.

Sau phiên kề trước, TT hồi lại rất thận trọng. Ngay đầu phiên sáng 25-3, VN index đã sụt giảm sâu hơn một nhịp nữa, rơi xuống 1.154,44 điểm, giảm 0,63% so tham chiếu trước khi hồi trở lại. Chỉ số nửa sau phiên sáng được kéo lên trên mức đóng cửa phiên 24-3, nhưng không rõ ràng. Đến chiều, tình trạng giằng co tăng không đáng kể kéo dài đến hết giờ.

VN index chung cuộc tăng nhẹ 1,29 điểm so tham chiếu. Có được kết cục tích cực này là nhờ VIC, CP vốn hóa lớn nhất TT. VIC đóng cửa tăng 2,32% so tham chiếu và cộng cho chỉ số tới 2,3 điểm, tức là còn nhiều hơn tổng mức tăng. VIC tăng trong phiên 24-3 còn gây nghi ngờ vì gần như chỉ được kéo lên vào cuối ngày với thanh khoản rất thấp. Sang phiên 25-3, CP này giao dịch mạnh, thanh khoản lớn nhất trong gần ba năm với 4,32 triệu CP, trị giá 478 tỷ đồng, được cho là do tác động tốt từ việc VinFast tung ra mẫu xe ô-tô điện.

Tuy vậy, VIC cũng không phải là CP cực mạnh khi nửa cuối phiên chiều có dấu hiệu xả lớn. Ngoài VIC, nhóm VN30 có 11 mã tăng giá. Không chỉ số lượng mã giảm nhiều hơn (17 mã), mà các blue chip quan trọng cũng rơi khá sâu. Các CP này tuy không tác động nhiều lên VN index nhưng lại có ảnh hưởng ở VN30 index khiến hai chỉ số này ngược chiều.

Tính chung, sàn HoSE phiên này cứ một mã giảm có 0,82 mã tăng, nghĩa là đà phục hồi không đồng đều. Sau phiên lao dốc gần 22 điểm ngày 24-3, TT quay đầu phục hồi là diễn biến thường thấy. Phiên này là một ngày giảm áp lực vì TT điều chỉnh cũng không phải do tác động từ yếu tố quá bất lợi nào. TT giảm đơn giản là do nhu cầu bán tăng cao ở một thời điểm. Do vậy, khi áp lực bán được thỏa mãn phần nào ngày 24-3, sang ngày 25-3 giá CP dễ hồi lại. Tuy vậy, mức tăng tỏ ra quá thấp so bình thường. Cùng với đó là thanh khoản có dấu hiệu giảm mạnh. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE chỉ đạt 13.531 tỷ đồng.

TT đã được nâng đỡ rất tốt về tâm lý nhờ VIC tăng giá trọn ngày. Nếu không có VIC cộng điểm số, VN index sẽ đỏ mạnh và ảnh hưởng tâm lý chung. VIC cũng có vai trò rất đáng kể trong việc đảo ngược số liệu mua bán của khối nước ngoài. Hết phiên sáng, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài còn ghi nhận bán ròng 512 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó VN30 bị bán ròng 451 tỷ đồng. Bất ngờ buổi chiều khối này mua vào hơn 7,6 triệu VIC, khiến mức giao dịch ròng dương trở lại 267,7 tỷ đồng ở sàn này. VN30 được mua ròng 303 tỷ đồng cả phiên hoàn toàn là nhờ VIC.

TT phục hồi là một tín hiệu lạc quan, ít nhất thể hiện rằng tâm lý đã có phần bình tĩnh trở lại. Thật ra, cũng không có thông tin cụ thể nào đẩy TT giảm sâu trong ngày 24-3, một lượng lớn CP đã được tung ra bán cũng đồng nghĩa từng đó khối lượng được “xả áp lực”. NĐT cần thời gian để đánh giá lại liệu TT có thật sự rủi ro đến mức phải bán tháo hay không.

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 26-3, thông tin Bộ Y tế cảnh báo đợt dịch thứ 4 và công bố hai ca nhiễm Covid-19 tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh là người nhập cảnh trái phép đã khiến TT vốn đang có sức cầu yếu có thêm lý do giảm điểm. Bởi vậy, TT mở cửa trong trạng thái thận trọng, lực cầu vẫn còn nhưng lệnh đặt mua chỉ ở mức giá thấp, giá trị giao dịch tăng chậm.

Trong thời gian đầu phiên, điểm may mắn là lực bán không quá quyết liệt khiến VN index được kéo tăng điểm trở lại sau hơn nửa giờ TT mở cửa. Các CP ngân hàng là động lực chính giúp TT cân bằng khi hầu hết đều có tín hiệu xanh. Phần còn lại của TT thì không được lạc quan như vậy khi số mã giảm điểm chiếm áp đảo so mã tăng điểm. Diễn biến giao dịch giằng co kéo dài đến khoảng 10 giờ 20 phút, sau đó TT lao dốc thẳng đứng do lệnh bán ra khá quyết liệt.

Sau khi mất gần 25 điểm, xuống dưới ngưỡng 1.140 điểm, VN index phục hồi trở lại nhờ lực cầu bắt đáy, nhưng tình trạng bảng điện tử bị lỗi và gãy trụ nhóm CP ngân hàng khiến chỉ số không thể bật mạnh lại được. Điểm nhấn đáng chú ý là HPG và FLC giữ được mức giá xanh trong hầu hết thời gian giao dịch sáng 26-3. Lực cầu bắt đáy nhập cuộc tốt sau đó đã kéo VN index trở lại lên trên mốc 1.150 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa. Giao dịch phiên sáng vẫn diễn ra sôi động như thường lệ với thanh khoản hơn 12.500 tỷ đồng.

Thông thường như các phiên trước, giao dịch của TT xem như được an bài sau phiên đóng cửa sáng bởi phiên chiều thường bị nghẽn lệnh, chỉ số chỉ biến động trong biên độ rất hẹp với giao dịch nhỏ giọt. Tuy nhiên, trong phiên chiều 26-3, điều này chỉ đúng một vế khi giao dịch nhỏ giọt do lệnh bị nghẽn, nhưng VN index lại được kéo lên rất mạnh khi lấp đầy số điểm đã mất trong phiên sáng (hơn 14 điểm) để về sát mốc tham chiếu nhờ lệnh mua giá cao ở một số mã lớn như: VIC, HPG, ACB... lọt qua khe cửa hẹp.

Thống kê chung chốt phiên cuối tuần qua, VN index giảm nhẹ 0,89 điểm, xuống 1.162,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 670,5 triệu đơn vị, giá trị 15.614,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% về khối lượng và 10,4% về giá trị so phiên kề trước.