Lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 7-5, liên tục thông tin về những ca lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng được công bố cùng lệnh phong tỏa một số tỉnh, thành phố và bệnh viện đã phần nào tác động đến tâm lý chung của thị trường (TT). Đà giảm vẫn duy trì khi TT gần cuối phiên giao dịch. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp TT thu hẹp biên độ giảm, đồng thời thanh khoản tăng vọt.

Lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp thị trường thu hẹp biên độ giảm. Ảnh: NAM ANH
Lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp thị trường thu hẹp biên độ giảm. Ảnh: NAM ANH

Trước đó, cổ phiếu (CP) đã đồng loạt đảo chiều giảm trong phiên giao dịch ngày 6-5, dù phiên kề trước vừa mới hưng phấn cao trào. Thậm chí, ngay cả nhóm CP ngân hàng (NH) hầu hết cũng không chống lại được xu hướng. Nhóm CPNH đang gây sốc những ngày qua khi dòng tiền đổ vào quá lớn, giao dịch liên tục xuất hiện các phiên nghìn tỷ đồng. Điều này tạo sức hấp dẫn lớn vì nhà đầu tư (NĐT) không có lợi nhuận ở các mã khác, đã chấp nhận bán đi để nhảy vào CPNH. 

Đơn cử, TCB phiên này giao dịch rất xuất sắc sau khi trải qua một nhịp rung lắc. TCB sụt giảm 1,96% so tham chiếu trước khi phục hồi dần nhờ dòng tiền vào mạnh. Chốt phiên TCB tăng 2,5% so tham chiếu, tương đương mức đảo chiều trong phiên tới 4,55%, nhưng vẫn ước đạt 1.235 tỷ đồng. CP này đang bứt tốc cực nhanh một cách gấp rút khi mới T+5 giá đã tăng gần 18%.

Hay VPB tăng không mạnh như TCB, chỉ chốt trên tham chiếu 1,98% nhưng lại có đà đi lên rất bền. CP này đã tăng liên tục chín phiên, với biên độ 26,1%. Thậm chí, nếu tính về xu hướng thì VPB là mã mạnh nhất nhóm CPNH, khi tăng liên tục từ đầu tháng 2-2021 tới nay mà chưa có nhịp điều chỉnh nào quá 5%. Trong hơn ba tháng qua, VPB đã tăng 106%...

Trên cả sàn HoSE cũng vậy, cứ một mã giảm chỉ có 0,44 mã tăng. Không có nhiều mã sàn, nhưng hàng đầu cơ rơi khá sâu như: AMD giảm 6,78%, PXT giảm 6,44%, HQC giảm 5,6%, HAI giảm 5%, MHC giảm 4,72%... TT điều chỉnh phiên này không có gì đặc biệt, nếu như không gắn liền hiện tượng “quay đầu” của CPNH. Đầu phiên, phần lớn CPNH còn tốt, giá tăng, kéo theo VN Index tăng. Số lớn CP khác cũng xanh.

Đến khi lần lượt VCB, BID, CTG, thậm chí có lúc cả TCB, VPB cùng giảm, NĐT liền bán đổ bán tháo. Số lượng mã giảm giá nhiều áp đảo số tăng trong bối cảnh VN Index giảm chưa tới sáu điểm cho thấy NĐT không mấy quan tâm chỉ số. Thật vậy, VN Index đang được các CPNH nâng đỡ rất nhiều. Vì thế khi CPNH còn hỗ trợ, chỉ số sẽ giảm rất ít. Thế nhưng nếu CPNH sụt giảm, đó sẽ là hồi còi cảnh báo rằng nhóm dẫn dắt cũng không còn mạnh nữa.

Phiên này, CPNH vẫn thu hút được dòng tiền tốt. Chẳng hạn VPB và TCB vẫn giao dịch vượt mốc nghìn tỷ đồng. CTG, STB, MBB là các mã CPNH khác thanh khoản khá lớn, nhưng vẫn là giảm so các phiên trước. CPNH ngoài hỗ trợ điểm số cũng hỗ trợ thanh khoản rất nhiều cho TT. Nếu như ngay cả nhóm hấp dẫn nhất cũng bắt đầu giảm thanh khoản thì tình trạng chung cũng sẽ xấu đi.

Phiên này, sàn HoSE giao dịch giảm hơn 5% về giá trị nhưng nhóm VN30 giảm khoảng 10%. Nếu không nhờ HPG, TCB, VPB vẫn giao dịch nhiều thì mức giảm còn lớn hơn nữa. Sàn HNX cũng giảm 15% giá trị giao dịch.

Khối NĐT nước ngoài lại có một ngày xả quá nhiều, với hơn 1.100 tỷ đồng riêng sàn HoSE. Đây là mức bán ròng cực lớn và phiên xả vượt 1.000 tỷ đồng ròng gần nhất là hôm 14-4 vừa qua. Hai phiên trước, riêng CP trên sàn HoSE cũng đã bị bán ròng 1.470 tỷ đồng. Phiên này, khối NĐT nước ngoài xả khổng lồ ở VPB với 312 tỷ đồng ròng, ở VNM với 287 tỷ đồng, ở HPG với 229 tỷ đồng và KBC là 101 tỷ đồng…

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần qua, ngày 7-5, TT không mấy tích cực khi sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo bảng điện tử khiến VN Index tiếp tục duy trì đà giảm điểm. Sang đợt khớp lệnh liên tục, sự hồi phục của một số mã blue chip đã giúp TT dần thu hẹp biên độ và VN Index thử thách lại ngưỡng 1.250 điểm. Tuy nhiên, ngay khi áp sát mốc tham chiếu, lực bán lại dâng cao đã khiến TT giật lùi. Và sau khoảng hơn một giờ giao dịch, trên bảng điện tử, số mã giảm gấp hơn ba lần số mã tăng nhưng biên độ giảm không quá sâu khi trên sàn HoSE chỉ có ba mã nằm sàn, đã giúp VN Index đứng khá vững trên mốc 1.240 điểm.

Nhóm CPNH vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền với giao dịch phân hóa nhẹ. Trong đó, VPB sau chín phiên tăng liên tiếp đã gặp lực cản và quay đầu giảm điểm nhưng vẫn song hành cùng STB khi dẫn đầu thanh khoản TT. Trong khi đó, TCB dù có chút rung lắc nhẹ nhưng hiện vẫn xác lập phiên tăng thứ 7 liên tiếp và xoay quanh vùng giá 47.500 đồng/CP… TT đang biến động đi ngang quanh vùng giá 1.245 điểm thì đột ngột đi xuống trong khoảng 20 phút cuối phiên khiến VN Index để mất thêm gần 10 điểm và lùi về mốc 1.235 điểm.

Liên tục thông tin về những ca lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng được công bố cùng những lệnh phong tỏa một số tỉnh, thành phố và bệnh viện đã phần nào tác động đến tâm lý chung của TT trong phiên cuối tuần qua. Đà giảm vẫn duy trì khi TT gần cuối phiên giao dịch. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp TT thu hẹp biên độ giảm, đồng thời thanh khoản tăng vọt.

Dòng tiền chảy mạnh đã giúp VN Index thu hẹp biên độ giảm và lấy lại mốc 1.240 điểm. Điểm nhấn TT thuộc về nhóm CP ngành thép khi các mã đua nhau tăng mạnh cả về giá cùng thanh khoản sôi động.

Đóng cửa sàn HoSE, VN Index giảm 8,76 điểm, xuống 1.1.241,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 783 triệu đơn vị, giá trị 22.420,12 tỷ đồng, tăng 7,19% về khối lượng và 10,37% về giá trị so phiên kề trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 37,83 triệu đơn vị, giá trị 1.348,45 tỷ đồng.