Liên tục đảo chiều

Thị trường chứng khoán (TTCK) mở cửa phiên đầu tiên của tháng 12 “lệch ray” so những dự đoán của giới phân tích. Áp lực bán mạnh và diễn ra trên diện rộng khiến TT chìm trong sắc đỏ. Tận dụng sự hoảng sợ này, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã dần bình tĩnh trở lại và tung tiền gom hàng kéo VN Index trôi dần về gần 1.000 điểm, thu hẹp đáng kể đà giảm. Khi rào cản tâm lý được cởi bỏ, VN Index không chỉ đảo chiều thành công, mà cứ thế tiến vững lên mức cao nhất ngày.

Nhiều nhà đầu tư đã tận dụng thông tin bên ngoài thị trường tung tiền gom hàng. Ảnh: NAM HẢIi
Nhiều nhà đầu tư đã tận dụng thông tin bên ngoài thị trường tung tiền gom hàng. Ảnh: NAM HẢIi

Diễn biến xả hàng bất ngờ xuất hiện ngay phiên đầu tuần, ngày 30-11, đã ngắt đứt mạch tăng chín phiên liên tục của VN Index. Lực xả dồn vào nhóm blue chip và kéo theo hiện tượng giảm giá lan rộng. Như một hệ quả tất yếu, VN Index vượt 1.000 điểm bằng cổ phiếu (CP) lớn thì lúc này chính các mã CP lớn lại tạo sức ép ngược. Hầu hết nhóm CP vốn hóa lớn nhất TT đã quay đầu giảm phiên này.

Dẫn đầu nhóm giảm phiên này chính là VCB, CP tăng tốt nhất hai tuần qua và là mã quan trọng đẩy VN Index lên. VCB trong 10 phiên liền trước đã tăng 10,1% và giá quay lại đúng đỉnh giữa tháng 1-2020. Đây là mức giá trước khi xuất hiện dịch Covid-19. Ngưỡng kháng cự mạnh này cộng với giá tăng quá tốt trong ngắn hạn đã khuyến khích nhà đầu tư chốt lời mạnh. VCB quay đầu giảm 1,59%.

Mức giảm này thật ra đã bớt đi một chút khi cuối phiên VCB vẫn được kéo giá mạnh lên. Ngay trước khi bước vào đợt ATC, VCB còn giảm tới 3,17%. Nhờ có diễn biến này mà VCB giảm sức ép lên VN Index. Chỉ số này trước khi bước vào đợt ATC cũng giảm xuống mức 1.002,61 điểm.

Ngoài VCB, ba CP lớn là VIC, VNM, BID cũng giảm: VIC giảm 1,24%, VNM giảm 1,46%, BID giảm 1,77%. Cả ba mã này cũng giống VCB, đều bị cản lại tại ngưỡng đỉnh ngắn hạn và NĐT xả hàng nhiều tại đây. Rổ VN30 đóng cửa chỉ có chín CP tăng, trong khi 19 mã khác giảm. VN30 Index giảm 0,54% và có tới 14 CP giảm hơn 1%. Mức giảm có phần nhẹ vì VN30 vẫn dựa được vào một số mã vốn hóa khá lớn khác như HDB tăng 2,56%, MBB tăng 1,75%, STB tăng 1,03%, TCB tăng 1,69%, REE tăng 2,1%, VRE tăng 1,62%.

Điều đáng tiếc là các CP nâng đỡ được chỉ số VN30 Index lại quá nhỏ để có thể nâng đỡ VN Index. Vì thế chỉ số chính đóng cửa giảm tới 0,71% so tham chiếu.

Với thực trạng số lượng CP blue chip giảm áp đảo số tăng, hiện tượng phân hóa trong nhóm này đã không còn nữa mà chuyển sang tình trạng giảm hàng loạt. Vẫn có lực đầu cơ ở nhóm blue chip trung bình nhưng sớm muộn tác động chung cũng sẽ ảnh hưởng tới. Chẳng hạn, TCB phiên này đóng cửa còn tăng 1,69%, khá mạnh nhưng khi giá tiến sát đến đỉnh cao tháng 10 vừa qua thì lực xả cũng xuất hiện. TCB ban đầu tăng tới 2,95%, tức là mất đáng kể sức mạnh về cuối phiên. STB thậm chí còn chớm vượt đỉnh tháng 10 vừa qua thì bị xả mạnh. Giá STB ban đầu tăng tới 3,45%...

Những CP được bắt đáy tuần trước như HPG cũng xuất hiện lực bán mạnh. HPG đóng cửa giảm 2,07% trong khi phiên cuối tuần trước vừa tăng rực rỡ 3,3%. MSN cũng không khác, thứ năm tuần trước có phiên tăng 1,7%, thứ sáu chững lại rồi phiên này quay đầu giảm 2,03%...

Phiên này, TT tuy không xác lập được kỷ lục giao dịch, nhưng quy mô cũng rất lớn: Tổng giá trị giao dịch hai sàn lên tới gần 12.500 tỷ đồng, trong đó thỏa thuận gần 2.300 tỷ đồng. Như vậy lại xuất hiện thêm một phiên khớp lệnh vượt 10.000 tỷ đồng nữa. Điểm khác biệt ở phiên khớp lệnh 10.000 tỷ này là CP lại giảm giá nhiều hơn. Sàn HoSE cứ một mã giảm giá chỉ có 0,75 mã tăng giá. Rõ ràng NĐT bán ra nhiều, mấy hôm trước chưa đủ khiến giá giảm, phiên này đã gây sức ép nhiều hơn. Những mã như HPG, CTG, VHM, STB, VPB giao dịch rất lớn và giá đều giảm.

Rõ ràng là không phải VN Index cứ vượt 1.000 điểm là TT tiến triển băng băng. Dù chỉ số lên rất tốt và vượt qua các ngưỡng kháng cự, nhưng do hiện tượng kéo trụ nên các CP phần lớn vẫn đang gặp khó khăn riêng. Chẳng hạn, VIC, VHM, VNM, VCB, SAB vẫn chưa thoát ra được mức giá từ đầu năm, thậm chí là đỉnh cao nhất trong tháng 10. VN Index lên xuống gắn chặt vào các CP vốn hóa lớn nói trên, nên việc chỉ số vượt 1.000 điểm không mang tính quyết định, mà là các CP lớn còn dư địa tăng tiếp hay không?

Thông tin bất ngờ về ca nhiễm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đêm 30-11 đã khiến giới đầu tư ồ ạt xả hàng ngay khi TTCK mở cửa phiên đầu tiên của tháng 12. TT bước vào phiên giao dịch sáng 1-12 “lệch ray” so những dự đoán của giới phân tích. Áp lực bán mạnh và diễn ra trên diện rộng khiến TT chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN Index giảm mạnh và “bốc hơi” hơn 20 điểm ngay khi mở cửa. Tận dụng sự hoảng sợ này, nhiều NĐT đã tung tiền gom hàng. VN Index trôi dần về gần 1.000 điểm nhờ nhiều blue chip thu hẹp đáng kể đà giảm. Chưa dừng lại ở đó, dòng tiền tiếp tục hào hứng trong phiên chiều, cuốn phăng những e ngại còn rơi rớt khiến VN Index có phần chùng lại ở cuối phiên sáng. 

Với sức cầu mạnh mẽ, hàng loạt mã blue chip quay đầu tăng điểm trong phiên chiều, đóng vai trò bệ đỡ tích cực cho VN Index. Khi rào cản tâm lý được cởi bỏ, lại thêm sự đồng thuận từ “dòng tiền mới”, VN Index không chỉ đảo chiều thành công, mà cứ thế vững vàng tiến lên mức cao nhất ngày. Đóng cửa, với 221 mã tăng và 199 mã giảm, VN Index tăng 5,79 điểm, lên 1.008,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 583,31 triệu đơn vị, giá trị 11.679,6 tỷ đồng, tăng 9,5% về khối lượng và 3,5% về giá trị so phiên giao dịch ngày 30-11.