Lan tỏa diễn biến tích cực

Sau chuỗi ngày tăng nóng cùng biến động giằng co ở mốc đỉnh 1.200 điểm, thị trường chứng khoán (TTCK) điều chỉnh là một điều hiển nhiên. Các chỉ số chung đã lấy lại đà tăng trước sự hồi phục của các CP nhóm blue chip. Tuy nhiên, cú sốc phiên giao dịch ngày 19-1 đã phần nào khiến nhà đầu tư (NĐT) thận trọng hơn. 

Thị trường vẫn đi lên khá từ từ do lực cầu thận trọng. Ảnh: NAM ANH
Thị trường vẫn đi lên khá từ từ do lực cầu thận trọng. Ảnh: NAM ANH

Phiên đáo hạn phái sinh diễn ra rất tích cực trong ngày 21-1 khi cổ phiếu (CP) tăng giá áp đảo. VN30 Index tăng tới 3,14% cho thấy sức mạnh đáng kể của nhóm blue chip. Mặc dù nhóm CP vốn hóa vừa và nhỏ có rất nhiều mã tăng kịch trần trong phiên này, nhưng chính nhóm blue chip mới là “xương sống” của phiên đảo chiều mạnh mẽ này. Chỉ số VN30 Index không chỉ tăng vượt trội so VN Index mà còn tăng không kém gì các chỉ số nhỏ hơn. Chỉ có ba mã giảm trong rổ VN30, 27 mã còn lại đều tăng, trong đó hai mã kịch trần và 11 mã tăng hơn 3%.

Nhóm CP tài chính vẫn là các mã giao dịch đáng chú ý, vì hai phiên trước giảm sâu nhất. Phiên này gần như tất cả đều tăng mạnh. Mặc dù vậy, cũng phải lưu ý rằng phiên tăng này chưa giúp gì nhiều cho các NĐT mua ở đỉnh, mà mới đem lại lợi nhuận cho các NĐT bắt đáy. Nói cách khác, các giao dịch T+3 hiện vẫn chưa có lãi và phải trông đợi vào phiên sau. Các NĐT có khả năng giao dịch T+2 mới thật sự an toàn trong phiên này. Ngoài nhóm tài chính, các blue chip lớn còn lại cũng tăng khá cao.

Mức tăng 29,53 điểm ở phiên này là nỗ lực đáng kể của VN Index trong việc phục hồi lại mức giảm hai ngày đầu tuần qua. Trong hai phiên đầu tuần qua, chỉ số này giảm 63,2 điểm và hai phiên vừa qua tăng trở lại 33,2 điểm. Mặc dù có ngày tăng rất tốt nhưng so đỉnh cao 1.200 điểm thì sức mạnh của VN Index vẫn chưa đáng kể. Cả nhóm blue chip VN30 dù tăng mạnh nhưng vẫn chưa CP nào chạm được đỉnh cao tuần kề trước. Vì vậy, nếu VN Index muốn quay lại đỉnh cũ, ít nhất các CP lớn này phải tăng nhiều hơn.

Một điểm cũng đáng chú ý trong phiên này là thanh khoản có dấu hiệu giảm. Hệ thống giao dịch trơn tru do dưới ngưỡng giới hạn. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 15% so phiên kề trước, chỉ đạt 14.040 tỷ đồng, thấp nhất 14 phiên. Mức suy giảm này chủ yếu đến từ nhóm VN30, khi rổ này giảm giao dịch tới 23% so phiên kề trước. Tổng mức khớp lệnh hai sàn cũng giảm 14,4%, chỉ đạt hơn 16.000 tỷ đồng.

Thanh khoản giảm là do NĐT hạn chế mua đuổi giá ở diễn biến phục hồi. Thực tế, việc đuổi giá đã làm giảm cơ hội lợi nhuận đi đáng kể, vì một lượng hàng bắt đáy lớn sắp về tài khoản. Các NĐT vừa bán tháo hoặc chốt lời đầu tuần qua đã hạn chế mua lại. Đặc biệt, blue chip đã không thu hút được dòng tiền như những phiên giảm sâu trước đó, dù về kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV-2020, nhóm blue chip là tích cực nhất.

Hiện tượng sụt giảm thanh khoản vẫn là tín hiệu đáng chú ý nhất lúc này, vì đây sẽ là thời điểm kiểm chứng dòng tiền mới có thật sự dồi dào hay không. TT đã trải qua giai đoạn tạo đỉnh quanh ngưỡng 1.200 điểm và có một tuần phân phối rất lớn. Các NĐT mới mua vào tại đỉnh hiện đang mắc kẹt, trong khi những người đã chốt lời sẽ cân nhắc cơ hội có mua lại hay không. Nếu NĐT chọn giải pháp chờ đợi thì thanh khoản sẽ khó tăng thêm.

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 22-1, mặc dù dòng tiền có phần thận trọng, nhưng các CP tăng khá đồng đều, giúp VN Index tiếp tục hồi phục. Đáng chú ý, ở nhóm CP đầu cơ, nhiều mã nổi sóng như: ROS, FLC... Bước vào phiên giao dịch sáng 22-1, TT vẫn đi lên khá từ từ do lực cầu thận trọng. Nhóm CP blue chip cũng thiếu trụ dẫn dắt nên VN Index chỉ tăng nhẹ khi mở cửa và nhanh chóng quay đầu điều chỉnh khi sang đợt khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, sự hợp lực của các CP nhóm VN30 khi hầu hết đều có được sắc xanh cùng sự khởi sắc của nhiều mã nóng, đã giúp VN Index hồi phục 13 điểm chỉ sau hơn 10 phút giao dịch và chỉ số này đứng ở vùng giá 1.170 điểm.

Mặc dù là phiên T+3 khi lượng CP bị bán tháo ngày 19-1 về tới tài khoản của NĐT và TT đã dần hồi phục trong hai phiên vừa qua, nhưng áp lực bán chốt lời không diễn ra mạnh. Giao dịch khá thận trọng và thăm dò khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Cùng với đó, chỉ số VN Index lình xình quanh vùng giá 1.170 điểm và có chút hạ nhiệt lùi về sát mốc tham chiếu khi tạm dừng phiên sáng.

Diễn biến phân hóa khiến TT duy trì trạng thái giao dịch lình xình quanh vùng giá tham chiếu. Đáng chú ý, mặc dù thanh khoản sụt giảm nhưng một số nhóm CP như xây dựng, bất động sản, cao-su công nghiệp... đã nổi sóng . Tuy nhiên, lực bán không mạnh cùng sự hỗ trợ của blue chip đã giúp TT hồi phục. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn phiên này tăng nhẹ 4% so phiên trước, đạt ngưỡng 16.652 tỷ đồng. Đây vẫn là con số khá thấp vì trung bình ba phiên đầu tuần giá trị khớp lệnh đạt tới 19.539 tỷ đồng/ngày.

Phiên này, VN Index tăng 2,57 điểm là quá ít, nên tính chung cả tuần qua TT để mất 27,42 điểm so tuần kề trước. Như vậy, chuỗi 11 tuần tăng liên tiếp đã dừng lại và VN Index xác lập đỉnh cao 1.200 điểm chưa bị phá vỡ. Về mặt kỹ thuật, TT vẫn chưa lập được đỉnh cao mới và ngưỡng kháng cự vẫn còn nguyên. Để nối tiếp xu hướng tăng trước đó, ít nhất VN Index phải vượt qua được đỉnh lịch sử, còn không vẫn đối diện nguy cơ điều chỉnh giảm.