Kỳ vọng ở dòng vốn nước ngoài

Diễn biến thị trường (TT) chứng khoán (CK) Việt Nam và khu vực đang khá tương đồng khi có sự hồi phục mạnh từ đầu tháng 4, với cùng kỳ vọng kinh tế hồi phục sớm sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra trong nỗi lo những biến số tiêu cực sẽ xuất hiện, do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm hơn tất cả các dự báo.

Giai đoạn vừa qua, khối nhà đầu tư trong nước đã đóng góp tích cực vào sự sôi động của thị trường chứng khoán. Ảnh: NAM HẢI
Giai đoạn vừa qua, khối nhà đầu tư trong nước đã đóng góp tích cực vào sự sôi động của thị trường chứng khoán. Ảnh: NAM HẢI

Xuất hiện các phiên bán mạnh, tương lai TTCK Việt Nam ra sao?

Trong một tuần trở lại đây, xen lẫn đà tăng, TTCK Việt Nam xuất hiện các phiên bán mạnh và giảm điểm. Giá nhiều cổ phiếu (CP) biến động liên tục với biên độ rộng và xuất hiện các phiên bán tháo, khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) đặt câu hỏi, tương lai TTCK sẽ ra sao?

Về mặt định giá, theo SSI Research, chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần bình quân (P/E) ngày 16-6-2020 của TTCK Việt Nam là 14,16 lần, khá tương đồng so một số nước trong khu vực như Philippines và thấp hơn không đáng kể so các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, dòng tiền giao dịch của khối nước ngoài lũy kế từ đầu năm vẫn là bán ròng, nhưng sang tháng 6, hiện tượng rút ròng có dấu hiệu chậm lại và xuất hiện mua tích lũy ở một số CP. Có thể thấy, TTCK Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung đang có độ tương quan lớn với triển vọng kinh tế toàn cầu và sự đồng pha các chỉ số của những TTCK phát triển.

TTCK đã hồi phục theo hình chữ V khi VN Index tiếp cận gần vùng 900-950 điểm, mức điểm số trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Kỳ vọng nền kinh tế nhanh chóng khôi phục cùng chính sách bơm tiền của các ngân hàng T.Ư toàn cầu chưa có tiền lệ, đã kích thích dòng tiền chảy vào CK.

Trái với sự sôi động trên các TTCK, nền kinh tế thực lại đối mặt với tốc độ hồi phục rất chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao, doanh nghiệp bán hàng giảm và đặc biệt khuynh hướng tiêu dùng có dấu hiệu co hẹp, do người dân cảm nhận được thu nhập của họ suy giảm, không chắn chắn, nên cố gắng hạn chế chi tiêu. Sau giai đoạn phớt lờ tin xấu, NĐT trên TTCK cũng dần nhìn lại và bắt đầu phản ứng với tin xấu.

Các phiên hồi phục sau khi bán tháo trong ngày 12-6, hay hôm 16-6 thì thanh khoản có dấu hiệu thấp hơn, điểm số tăng trở lại cũng thấp hơn so đỉnh trước đó. Ðiều này cho thấy, tâm lý NĐT đang thể hiện sự bi quan cao hơn lạc quan.

Một số chuyên gia cho rằng, cả hai yếu tố kỹ thuật và cơ bản trên TTCK đều cho thấy dấu hiệu giảm điểm có thể còn kéo dài. Thứ nhất, các chỉ báo kỹ thuật, đường xu hướng, dấu hiệu phân phối đỉnh đều phát đi tín hiệu rủi ro giảm điểm, đặc biệt tâm lý NĐT đã và đang nghiêng về trạng thái lo lắng hơn là hưng phấn giống giai đoạn đầu tháng 4-2020. Thứ hai, sau giai đoạn tách rời giữa TT tài chính và nền kinh tế, NĐT dần đối mặt với thực tế rằng, nền kinh tế cần nhiều thời gian để hồi phục. Chưa hết, làn sóng lây nhiễm thứ hai có nguy cơ quay lại, đặc biệt tại các quốc gia mở cửa sớm như Mỹ, châu Âu đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh. Tại Bắc Kinh, Trung Quốc mặc dù khống chế dịch thành công giai đoạn đầu, nhưng sau khi mở cửa có dấu hiệu dịch bùng phát trở lại trong một tuần trở lại đây.

Nếu dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng tới việc khôi phục giao thương toàn cầu. Theo đó, các quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp kỹ thuật hạn chế nhập khẩu. Nếu các chính sách bảo hộ quốc gia lên ngôi, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, hiệu quả giảm xuống so thương mại tự do và chuyên môn hóa. Đối với NĐT, tâm lý chung cho rằng khả năng hồi phục kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp thách thức và khó lường.

Tương lai TTCK Việt Nam ra sao là câu hỏi lớn lúc này. Khảo sát trên TTCK cho thấy, nhiều người nghiêng về dự báo TT sẽ kiểm định gần mốc 900 điểm và cảnh báo NĐT cần lường sớm xu hướng giảm điểm còn diễn ra.

Theo ông Lê Ðức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty CP CK Dầu khí, trong ngắn hạn TT đã phát đi tín hiệu điều chỉnh sau khi lên mốc 900 điểm, gần mức MA200 ngày. Các CP dẫn sóng như: HSG, HPG, DBC… cho thấy dấu hiệu chạm đỉnh ngắn hạn và quay đầu giảm điểm với biên độ lớn. Trong khi đó, các CP đầu tư như ITA, HQC cũng bắt đầu đảo chiều. Rủi ro đáng ngại nhất lúc này là làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đã xảy ra khiến sự phục hồi của các nền kinh tế chậm hơn dự kiến. Các phiên giao dịch ngày 11 và 15-6 vừa qua cho thấy dấu hiệu phân phối đỉnh ngắn hạn, rủi ro TT đang gia tăng. TT đã và sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm điểm, sự điều chỉnh này có thể kéo dài một hay hai tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, nền kinh tế và TT về dài hạn vẫn có những câu chuyện cho NĐT kỳ vọng.

Thứ nhất, Việt Nam là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký như với khu vực ASEAN, EU… Bên cạnh đó, việc khống chế dịch tốt cũng là cơ hội để Việt Nam nhanh chóng hồi phục kinh tế so nhiều quốc gia khác. Nền kinh tế Việt Nam có thể đã chạm đáy vào giai đoạn đầu năm và hồi phục vào giai đoạn cuối năm.

Thứ hai, TT sau giai đoạn sôi động chủ yếu do dòng tiền NĐT trong nước, thì nay đã bắt đầu hút được dòng tiền NĐT nước ngoài. Thay vì bán ròng trong tháng 3, 4 và tháng 5, khối NĐT nước ngoài có dấu hiệu quay trở lại mua ròng trên TTCK. Với triển vọng vĩ mô ổn định và kiểm soát tốt dịch bệnh, kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục bổ sung cho sức cầu trên TTCK Việt Nam.