Khi dòng tiền hoạt động tích cực hơn

Diễn biến trong phiên giao dịch chiều 23-4 sôi động hơn hẳn so phiên sáng khi dòng tiền hoạt động tích cực hơn, giúp VN Index đảo chiều tăng điểm, thanh khoản cũng được cải thiện. Đặc biệt, lực cầu bất ngờ gia tăng tại một vài mã blue chip đã kéo VN Index đảo chiều tăng thẳng đứng lên mốc 970 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền không quá mạnh, nên VN Index quay đầu hạ nhiệt khi chạm ngưỡng kháng cự này.

Nhà đầu tư vẫn thận trọng, giao dịch trên thị trường giằng co nhẹ quanh tham chiếu với thanh khoản thấp.
Nhà đầu tư vẫn thận trọng, giao dịch trên thị trường giằng co nhẹ quanh tham chiếu với thanh khoản thấp.

Trước đó, phiên giao dịch đầu tuần, ngày 22-4, diễn ra khá căng thẳng do sức ép tâm lý ở thời điểm nhạy cảm. VN Index giảm xuống dưới 965 điểm có thể khiến nhà đầu tư (NĐT) lo lắng mà tháo chạy ồ ạt. VN Index kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước ở mốc 966 điểm, nghĩa là hoàn toàn có thể bẻ gãy ngưỡng hỗ trợ 965 điểm vào phiên này để rơi vào mô hình giảm giá. Thật sự, trong phiên đầu tuần này, thị trường (TT) đã tạo ức chế rất lớn. Ngay trong buổi sáng , VN Index đã lao dốc khá mạnh và chỉ số rơi xuống tận 959 điểm. Toàn bộ blue chip sụt giảm mạnh. Rất may sau đó TT nhận được lực cầu bắt đáy khá mạnh. Sức mua này dồn vào blue chip và nhanh chóng đảo ngược tình thế.

Hai nhóm cổ phiếu (CP) ấn tượng nhất cuối phiên là CP dầu khí (DK) và CP họ Vingroup là: VIC, VHM. CPDK có lý do riêng. Cấm vận của Mỹ với Iran bùng nổ đã đẩy giá dầu tăng vọt. CPDK hưởng lợi lớn và tăng theo. GAS tăng 2,26% lên mức cao nhất trong vòng sáu tháng. VIC và VHM cũng là hai CP đảo chiều cực mạnh. Ngoài ra, SAB đóng cửa tăng 1,04%, MSN tăng 0,34%. Như vậy trong tám CP lớn nhất TT thì năm mã đã tăng giá. Ba mã giảm là VNM giảm 2,56%, VCB giảm 0,15% và BID giảm 1,87%.

Thành công lớn nhất của nhóm blue chip phiên này là giúp VN Index giữ được trên ngưỡng 965 điểm. Đóng cửa phiên chỉ số này đạt 965,86 điểm và phục hồi từ đáy 959 điểm. Chỉ số tăng ngoài chuyện giữ một mốc tâm lý, còn phản ánh lực cầu bắt đáy xuất hiện đã tạo hiệu ứng phục hồi. Khá nhiều CP đảo chiều thành công và tăng. Thay đổi lớn nhất ở phiên này chính là thanh khoản. Những phiên cuối tuần trước mối lo ngại lớn là NĐT rút khỏi TT do thất vọng với tình trạng èo uột ở thời điểm công bố kết quả kinh doanh. Phiên này, NĐT cũng cắt lỗ khá mạnh khi VN Index xuống dưới 965 điểm. Kết quả lại là dấu vết của dòng tiền vào bắt đáy. Tổng giá trị giao dịch phiên này xấp xỉ 4.390 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi phiên chốt tuần trước và tăng 21% so mức trung bình tuần trước. Giao dịch khớp lệnh vào khoảng 2.836 tỷ đồng, tăng 37%.

NĐT bắt đáy trở lại mặc dù VN Index để mất ngưỡng 965 điểm cũng không phải là điều bất thường. Điểm số của VN Index thực tế chịu tác động của nhiều yếu tố mà không nhất thiết phải trùng với diễn biến của CP. Khi TT sụt giảm đồng loạt dưới ảnh hưởng của nhóm CP họ Vingroup và nhóm ngân hàng, nhiều CP khác cũng lao dốc theo xuống mức rất thấp. Do đó, NĐT chọn CP mua chứ không chọn VN Index. Thực tế, thanh khoản phiên này cũng chưa phải là đạt quy mô lớn, chỉ là quay trở lại mức bình thường trước khi TT mất thanh khoản. Điều tích cực mới dừng lại ở chỗ sự quan tâm vẫn còn đối với TT.

Sang phiên giao dịch ngày 23-4, sau chuỗi 24 phiên tăng trần liên tiếp, với mức tăng gần 370%, VHG đã bị chốt lời ồ ạt. Ngoại trừ sự đột biến của VHG, diễn biến chung của TT phiên sáng 23-4 rất èo uột. Điều đặc biệt, CP này tăng mạnh bất chấp kết quả kinh doanh 2018 thu lỗ nặng và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán 2018 được công bố, số lỗ trên báo cáo kết quả kinh doanh công ty mẹ tăng gần 100 tỷ đồng so báo cáo tự lập. Trên báo cáo hợp nhất, số lỗ tăng thêm gần 21 tỷ đồng. Thực tế, từ ngay sau khi báo cáo tài chính tự lập của công ty được công bố, HoSE đã gửi công văn cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc với VHG.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Rồng Việt, mức tăng này nghe có vẻ vô cùng hấp dẫn, nhưng tổng giá trị giao dịch hằng ngày chỉ chừng hơn 1 tỷ đồng, như vậy người chơi có lẽ nhỏ lẻ và cũng không thể “ăn dày” tính theo giá trị tuyệt đối. Việc đầu tư vào các CP này có độ rủi ro và khuyến nghị, NĐT nào đã có hàng nên canh bán còn mua mới hoàn toàn không nên vì khả năng khi giá rớt lại thì khó mà bán kịp…

Về xu hướng chung của TT, VN Index sáng 23-4 giao dịch giằng co nhẹ quanh tham chiếu với thanh khoản thấp do NĐT vẫn giữ sự thận trọng là chủ yếu. Các mã CP lớn đang có sự phân hóa, nhưng biên độ dao động giá hẹp, khiến VN Index chỉ lình xình sát dưới tham chiếu trong suốt thời gian giao dịch của phiên sáng 23-4.

Diễn biến trong phiên giao dịch chiều 23-4 sôi động hơn hẳn so phiên sáng khi dòng tiền hoạt động tích cực hơn, giúp VN Index đảo chiều tăng điểm với thanh khoản cải thiện. Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu bất ngờ gia tăng tại một vài mã blue chip, nhất là VIC và GAS, cùng VRE, kéo VN Index đảo chiều tăng thẳng đứng lên mốc 970 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền không quá mạnh, nên VN Index quay đầu hạ nhiệt khi chạm ngưỡng kháng cự này.

Chốt phiên, VN Index tăng 2,14 điểm (+0,22%), lên 968 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 154,89 triệu đơn vị, giá trị 4.128,76 tỷ đồng, giảm 28,4% về khối lượng, nhưng tăng nhẹ 3% về giá trị so phiên đầu tuần. Cũng giống phiên đầu tuần, phiên này giao dịch thỏa thuận khá sôi động khi đóng góp tới 42,2 triệu đơn vị, giá trị 1.681,2 tỷ đồng.