Kết thúc xu hướng giảm ngắn hạn

Sau phiên đầu tuần bất ngờ giảm mạnh, một nhịp giảm thêm trong sáng 19-11 đã đẩy VN Index rơi xuống sát ngưỡng 1.000 điểm. Tuy nhiên, thị trường (TT) đã không xảy ra xáo trộn lớn. Các cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn đã giúp chỉ số quay đầu tăng mạnh lên 1.008 điểm. Về mặt kỹ thuật, quá trình điều chỉnh hai tuần nay vẫn được xem là để thử thách lại ngưỡng 1.000 điểm.

Nhà đầu tư bớt lo ngại khi VN Index không để thủng ngưỡng 1.000 điểm. Ảnh: NAM HẢI
Nhà đầu tư bớt lo ngại khi VN Index không để thủng ngưỡng 1.000 điểm. Ảnh: NAM HẢI

Trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 18-11, đà giảm không dừng, thậm chí còn tăng mạnh đã khiến VN Index để mất hơn 7 điểm, mức giảm sâu nhất trong một phiên giao dịch kể từ ngày 26-8-2019. Chỉ số kết thúc tại 1.002,91 điểm. Để giảm với cường độ lớn như vậy tất nhiên không thể thiếu vai trò của các CP blue chip. VN Index giảm 0,7% thì VN 30Index cũng giảm đến 0,69%. Những CP vốn hóa lớn từng đưa VN Index vượt 1.000 điểm giờ đã quay lại “báo hại” chỉ số này. Đó cũng là diễn biến tất yếu khi “lên thế nào, xuống thế đó”.

VCB là CP đầu tiên trở về vạch xuất phát. Khi VN Index vượt 1.000 điểm hôm 1-11, VCB từ 87.700 đồng/CP tăng lên, mức cao nhất đạt 92.700 đồng/CP. Phiên này, CP này có mức giảm kỷ lục 2,34%, sâu nhất kể từ giữa tháng 9-2019 và giá rơi trở lại 87.600 đồng/CP. Như vậy, VCB đã trả lại toàn bộ mức tăng cùng chỉ số. Tương tự, giá CP VIC đã quay về mức 118.100 đồng/CP, thấp hơn giá trước thời điểm VN Index bắt đầu bùng nổ. CP này bốc hơi 1,25%.

Ngoài hai CP lớn kể trên, VNM sụt giảm 1,79% cũng là nhân tố quan trọng kéo VN Index trở lại sát ngưỡng 1.000 điểm. CP này bị lệch pha so VN Index đáng kể. VNM tăng sớm và tạo đỉnh trước chỉ số. Khi chỉ số vượt 1.000 điểm, VNM đã ở bên kia sườn dốc. Trong khi VN Index lên đỉnh và điều chỉnh, VNM toàn giảm.

Phiên này, nhiều blue chip giảm mạnh nhưng cũng chưa đến mức trả lại hết mức tăng trong cùng thời điểm chỉ số vượt 1.000 điểm. Thí dụ, BID giảm 1,67% nhưng so thời điểm cùng chỉ số vượt đỉnh, giá BID vẫn còn tăng 5,21%. Tuy nhiên, với mức giảm phiên này, BID đã bước sang phiên giảm thứ ba liên tục. Diễn biến của chỉ số VN Index trong suốt cả phiên toàn giảm. Mất tới 7,12 điểm là diễn biến xấu nhất suốt từ cuối tháng 8 tới nay.

Nhóm CP đầu cơ cũng giảm mạnh, đặc biệt CP “siêu” đầu cơ FLC bị “thất sủng”, giá giảm tiếp 3,13% nữa và thanh khoản giảm gần 20% so 20 phiên gần nhất. FLC trong hai phiên gần nhất đã bốc hơi 9,84% giá trị. Có thể thấy hoạt động đầu cơ vẫn chỉ loanh quanh ở một số mã quen thuộc kể từ khi VN Index rời đỉnh cao 1.029 điểm.

Tính đến phiên này, nhịp điều chỉnh của VN Index đã trải qua bảy phiên gần như liên tục. Chốt ngày, chỉ số đã là 1.002,91 điểm, gần sát ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. TT tăng bốn phiên thì đã điều chỉnh bảy phiên và đâu lại vào đó. Diễn biến này mặc dù không quá xấu nếu nhìn từ chỉ số VN Index, nhưng thể hiện sự thiếu bền vững của nhịp tăng. Ảnh hưởng tăng của các CP lớn quá rõ và lúc này chính các mã đó đang gây áp lực ngược.

Tiếp đó, một nhịp giảm thêm trong sáng 19-11 đã đẩy VN Index rơi xuống sát ngưỡng 1.000 điểm. Tuy nhiên, TT đã không xảy ra xáo trộn lớn. Các CP vốn hóa lớn đã giúp chỉ số quay đầu tăng mạnh lên 1.008 điểm.

TT tiếp tục kiểm định lại ngưỡng 1.000 điểm lần nữa, mức giảm sâu nhất của VN Index trong phiên này là về 1.001,35 điểm. Về mặt kỹ thuật, quá trình điều chỉnh hai tuần nay vẫn được xem là để thử thách lại ngưỡng 1.000 điểm. Nếu đó thật sự đã trở thành ngưỡng hỗ trợ, TT sẽ quay đầu phục hồi xác nhận kiểm định thành công.

Thực tế, cuối phiên này, VN Index đã quay đầu tăng trở lại lên 1.008 điểm, đó là một diễn biến khá tích cực. Từ chỗ nhà đầu tư (NĐT) lo ngại thủng 1.000 điểm, hiện mốc này tỏ ra hỗ trợ tốt. Hai CP có đóng góp quan trọng trong diễn biến nói trên là VCB và VNM. Với vốn hóa lớn, hai mã này tăng giá rất mạnh: VCB tăng 3,88%, VNM tăng 2,98%. Đặc biệt với VNM, dấu hiệu xả đã chững lại từ khối NĐT nước ngoài sau gần tháng trời bán liên tục. Phiên này NĐT nước ngoài bán ra 357.530 CP thì cũng mua vào 315.750 CP. Tuy thanh khoản của VNM giảm nhưng cũng là dấu hiệu của áp lực giảm. Cần nhớ rằng, VNM đã điều chỉnh 17 phiên và mất hơn 10%. Vì vậy, nếu VNM dừng đà giảm cũng sẽ là tín hiệu tốt cho VN Index.

Nhóm CP ngân hàng chưa có sự thay đổi lớn sau khi có tin giảm lãi suất. Chỉ số VN Index phiên này tăng được 5,44 điểm, tương đương 0,54% và chỉ số VN30 của nhóm blue chip tăng 0,56%. Đà tăng giá của nhóm blue chip nổi trội về số lượng nhưng vẫn chưa có mức tăng giá đều. Không thể phủ nhận sức mạnh của các CP lớn là nguyên nhân giúp VN Index trụ vững trên 1.000 điểm và quay đầu phục hồi thành công trong phiên này.

Liên tiếp bốn phiên giảm trước đó, đây mới là phiên tăng đầu tiên, dù mức tăng vẫn còn thấp hơn mức giảm của phiên đầu tuần. Điểm tích cực nữa là phiên phục hồi diễn ra tại ngưỡng 1.000 điểm, có thể tăng tính thuyết phục hơn. TT tăng chỉ là các diễn biến khá chậm sau khi đón nhận thông tin nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay. Phản ứng của TT như vậy là tương đối yếu và chậm. Việc giảm lãi suất thường dẫn đến những bùng nổ đáng kể hơn.

Việc TT không để thủng ngưỡng 1.000 điểm có thể là bước đầu tiên dừng đà giảm và tiến tới kết thúc xu hướng giảm ngắn hạn. Tuy vậy, đối với TT, điều cần thiết vẫn là các yếu tố hỗ trợ đủ mạnh để có thể phục hồi xu hướng tăng. Ngoài thông tin giảm lãi suất, yếu tố hỗ trợ vẫn chưa có gì mới hơn. Có lẽ đó cũng là lý do khiến thanh khoản phiên này chưa thể cải thiện.