Kéo dài xu hướng giảm thanh khoản

Trái với những kỳ vọng trước đó, tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ lại là một tuần giảm trọn bốn phiên. Mức giảm không lớn nhưng mỗi ngày một chút đã khiến VN Index kết tuần qua giảm tới 9,98 điểm. Xu hướng giảm thanh khoản đã kéo dài sang tuần thứ 5, nhưng đến tuần qua thì rơi hẳn xuống một ngưỡng thấp mới.

Nhà đầu tư giảm giao dịch dẫn đến thanh khoản thấp. Ảnh: HẢI NAM
Nhà đầu tư giảm giao dịch dẫn đến thanh khoản thấp. Ảnh: HẢI NAM

Thị trường (TT) đang trong trạng thái rất dễ khiến nhà đầu tư (NĐT) chán nản. Trong phiên giao dịch ngày 5-9, TT tăng không đủ mà giảm cũng không mạnh, bất chấp TTCK quốc tế rất tốt. Dường như NĐT không có động lực giao dịch... TTCK thế giới có tín hiệu khởi sắc do tiến trình đàm phán giảm căng thăng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tiếp diễn. CK Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh. CK châu Á nói chung, trừ Hồng Công (Trung Quốc), cũng tăng mạnh.

Riêng TT Việt Nam lại giao dịch uể oải. Tình trạng dập dờn đi ngang còn gây chán nản hơn là tăng mạnh hay giảm mạnh, vì dao động lớn thì NĐT vẫn có thể kiếm lời. Nguyên nhân của tình trạng èo uột này vẫn không có gì khác ngoài thanh khoản. Lượng tiền sẵn sàng giao dịch quá nhỏ dẫn đến cổ phiếu (CP) không thể lên xuống mạnh. Phiên này tổng giá trị giao dịch hai sàn chỉ đạt 3.366 tỷ đồng, trong đó 925 tỷ đồng là thỏa thuận. Mức giao dịch khớp lệnh tụt xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng bốn tháng. Thanh khoản yếu khiến TT đi ngang với dao động nhỏ không khuyến khích NĐT giao dịch nhiều. NĐT giảm giao dịch dẫn đến thanh khoản thấp. Vòng quay luẩn quẩn kiểu “con gà - quả trứng” này rất khó chịu.

Cũng không thể đổ lỗi cho việc NĐT giảm giao dịch ở thời điểm này. Mặc dù phiên này thanh khoản là thấp nhất bốn tháng, nhưng tình trạng thanh khoản yếu đã kéo dài nhiều tuần. Cơ hội kiếm lợi nhuận rất nhỏ trừ phi NĐT sẵn lòng “đánh đu” ở các CP đầu cơ, nhưng không phải NĐT nào cũng đủ nhanh nhẹn để tự vệ. CP đa số mua về đến T+3 thì lời lãi không còn bao nhiêu. Trong tình cảnh đó, điều tốt nhất có thể làm là rút lui, nắm giữ tiền mặt. Giữ tiền cũng là một hình thức đầu tư vì cơ hội kiếm tiền tốt nhất là khi TT vào sóng rõ ràng. Trong khi đó, thống kê đã từng chỉ ra rằng phần lớn thời gian TT dao động không có xu hướng cụ thể. Nếu cứ cuốn vào các giao dịch đầu cơ nhảy nhót T+3, rủi ro là không nhỏ và khi thua lỗ sẽ không còn nhiều tiền để mua vào khi sóng thật sự đến. Có thể thấy TT đang ở trạng thái không lên xuống mạnh được do tổng thể dòng tiền vào rất kém, các CP giao dịch nhiều lại có biểu hiện bị xả.

Trái với kỳ vọng trước đó, tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ lại là một tuần giảm trọn bốn phiên. Mức giảm không lớn nhưng mỗi ngày một chút đã khiến VN Index kết tuần qua giảm tới 9,98 điểm. Phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 6-9, lại tiếp tục tạo kỷ lục thấp mới về giá trị khớp lệnh CP hai sàn. Xu hướng giảm thanh khoản đã kéo dài sang tuần thứ 5, nhưng đến tuần này thì rơi hẳn xuống một ngưỡng thấp mới.

Cả bốn phiên tuần qua, không ngày nào giá trị khớp lệnh đạt trên mức 3.000 tỷ đồng. Phiên cuối tuần là thấp nhất, chỉ đạt 2.242 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận kéo lại một chút nhờ VHM thỏa thuận 525 tỷ đồng, ROS thỏa thuận 395 tỷ đồng, AST thỏa thuận 274 tỷ đồng và EIB thỏa thuận 118 tỷ đồng. Câu chuyện thanh khoản đã tiếp tục lý giải tình trạng giao dịch ngày càng yếu. Thí dụ, từ nhóm VN 30. Trong tuần qua, mức giao dịch trung bình chỉ đạt 1.370 tỷ đồng/phiên, giảm 17% so mức trung bình tuần trước kỳ nghỉ. Đó đã là nhờ ROS những ngày qua thanh khoản rất lớn. Mức giao dịch thấp này khiến cả nhóm 30 mã thì chỉ có bảy mã là tăng giá tuần qua, còn lại 22 mã giảm giá. NĐT có thể không quan tâm nhiều đến thanh khoản, nhưng nếu giá giảm thì tình hình sẽ rất khác vì động chạm trực tiếp đến túi tiền. Khi blue chip giảm giá, hệ quả tất yếu sẽ là chỉ số giảm. VN Index phiên chốt tuần qua sụt giảm 2,7 điểm.

Yếu tố thanh khoản cũng thường bị bỏ qua trong trường hợp TT tăng. NĐT coi trọng diễn biến giá hơn là khối lượng giao dịch. TT sụt giảm thanh khoản đúng vào thời điểm CK thế giới tăng mạnh. Điều này tạo hiệu ứng ngược và khiến NĐT khó chịu. Thế nhưng diễn biến các TT không nhất thiết phải song hành với nhau, TTCK Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng chính từ cung - cầu trong nước. Nếu NĐT không muốn mua vào thì sẽ không có động lực tăng giá.

TT trong nước thực tế lại mắc kẹt với các kỳ vọng trái ngược nhau. Chẳng hạn diễn biến giá CP nhóm khu công nghiệp, cảng biển, logistics tăng mạnh khi căng thẳng thương mại lên cao. Ngược lại, nếu chiến tranh thương mại được hóa giải, có thể NĐT lại cho rằng kỳ vọng đang quá lố. Các CP dựa trên giá vàng, giá dầu cũng có diễn biến chịu ảnh hưởng bên ngoài khá nhiều. Các thông tin bên ngoài không có tác động trực tiếp đến TT trong nước mà chủ yếu là thông qua ảnh hưởng tâm lý. Trong khi đó thông tin trong nước lại không hẳn là tích cực. Có thể kể tới diễn biến tăng của lãi suất huy động, giá vàng tăng cao. Nhóm CP dẫn dắt như ngân hàng đang bị ảnh hưởng bởi các thông tin dạng này.

Còn khoảng hơn một tháng nữa mới tới đợt công bố kết quả kinh doanh quý III. Trong khi đó, hiện tại là thời điểm TT trống vắng thông tin hỗ trợ. NĐT cũng không nhìn thấy cơ hội nào để chỉ số tăng mạnh hơn trong ngắn hạn, nên giải pháp đứng ngoài và giữ tiền mặt đang chiếm ưu thế. Thanh khoản suy giảm nhanh phản ánh chiến lược giao dịch này.