Hy vọng tích cực

Giao dịch phiên chốt tuần qua (ngày 11-10) không quá sôi động, thậm chí thanh khoản còn giảm, nhưng cổ phiếu (CP) lại tăng giá nhiều. Kết quả đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc thành công cũng là điều mà cả thế giới mong đợi. Diễn biến các thị trường (TT) đều thể hiện một hy vọng tích cực.

Phiên cuối tuần qua, VN Index chốt tại 991,84 điểm. Ảnh: NAM HẢI
Phiên cuối tuần qua, VN Index chốt tại 991,84 điểm. Ảnh: NAM HẢI

Ngày 10-10, một phiên giao dịch chậm và không rõ ràng đã kết thúc với mức giảm nhẹ 0,45 điểm của VN Index. Nhà đầu tư (NĐT) không nhiệt tình tham gia dẫn tới CP biến động trồi sụt nhẹ và thanh khoản tiếp tục suy giảm. Trong cả 30 CP lớn nhất TT thuộc nhóm VN30 phiên này, duy nhất VRE tăng được hơn 1%. CP này đóng cửa trên tham chiếu 1,2% và có phiên tăng mạnh thứ hai liên tục. Chỉ có điều VRE có vốn hóa chỉ ở mức trung bình nên không thể hỗ trợ VN Index nhiều. CP “khỏe” nhất sau VRE là GAS, tăng 0,8%. Các mã còn lại không có ảnh hưởng đáng kể, như VCB chỉ tăng 0,1%, VHM, VNM, SAB, TCB chỉ tham chiếu.

TT cũng không có nhóm CP dẫn dắt nữa. Nhóm CP ngân hàng (NH) đã quay đầu giảm ở nhiều mã. Trong nhóm CP dầu khí, GAS tăng 0,8% thì PLX giảm 1,56%. Nhóm CP họ Vingroup trừ VRE, còn lại VHM không tăng, VIC giảm nhẹ 0,1%. Trong số blue chip, cũng không có CP nào giảm quá mạnh để gây ảnh hưởng. TT ở thế giằng co trong phiên này và không bên nào thắng thế rõ rệt. Nhóm VN30 có số mã tăng giảm gần như nhau, toàn sàn HoSE cứ 1 mã giảm có 0,72 mã tăng nhưng số giảm chủ đạo là các mã rất nhỏ, chỉ số smallcap giảm mạnh nhất 0,48% so tham chiếu.

Blue chip yếu thể hiện sự chững lại của các NĐT trong quyết định giao dịch. Nhóm NĐT lớn thường chỉ giao dịch ở các mã có thanh khoản và quy mô vốn hóa lớn. Trong phiên, mức giá hầu như đi ngang, thanh khoản cũng không nhiều cho thấy số đông NĐT chọn giải pháp đứng ngoài. Nhìn vào thanh khoản của nhóm VN30 có thể nhận thấy điều này. Mức giao dịch chỉ khoảng 1.650 tỷ đồng, xuống thấp nhất trong bốn tuần. Diễn biến quá yếu của các blue chip đã khiến VN Index phát đi những tín hiệu yếu. Chỉ số một lần nữa thất bại trước ngưỡng 990 điểm. Đầu phiên, VN Index hầu như giao dịch trên ngưỡng 990 điểm và tăng nhẹ. Tuy nhiên, đến chiều tình hình xấu đi, blue chip càng về cuối càng yếu khiến chỉ số giảm xuống 987,38 điểm.

Về mặt kỹ thuật, diễn biến hai phiên liền với nhiều lần không vượt được ngưỡng kháng cự 990 điểm cho thấy TT đang gặp khó khăn và suy yếu dần. Tuy nhiên, về mặt thời điểm, đây là lúc TT ngóng đợi thông tin về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Nếu tin tốt, có vẻ mọi thứ sẽ tốt theo. Nếu tin xấu, mọi thứ sẽ đổ bể. Ảnh hưởng của thông tin đàm phán là rất lớn vì nếu đàm phán đổ vỡ, Mỹ sẽ tăng thuế lên hàng Trung Quốc. Do đó, nếu không đạt được thỏa thuận nào, căng thẳng thương mại sẽ tăng nhiệt. Các thông tin bên lề cuộc đàm phán cũng không rõ ràng, tốt xấu lẫn lộn. Vì vậy, sẽ là bình thường nếu NĐT thận trọng chờ đợi kết quả. Những vòng đàm phán trước nhiều kỳ vọng được đặt ra và đều thất vọng. Thanh khoản trên TT giảm nhanh chóng phản ánh quan điểm thận trọng này.

Giao dịch trong phiên cuối tuần qua không quá sôi động, thậm chí thanh khoản còn giảm, nhưng CP lại tăng giá nhiều. Kết quả đàm phán thương mại chỉ có vào ngày cuối tuần, khi TT đã đóng cửa. Sau bốn phiên bị chặn lại tại mốc 990 điểm, cuối cùng VN Index cũng vượt thành công trong phiên cuối tuần qua, dù phải chờ đến đợt giao dịch ATC. Chỉ số chốt tại 991,84 điểm, tăng 0,45% so tham chiếu, tương đương 4,46 điểm.

Đây cũng là mức tăng mạnh trong bối cảnh chỉ số hai ngày trước đó chỉ rập rình tăng giảm dưới 1 điểm. Vai trò của các CP vốn hóa lớn là quyết định khi sức mạnh của nhóm CPNH không được tốt. Nhóm CPDK phiên này tăng mạnh do giá dầu bật tăng hơn 2% sau tin tàu chở dầu của Iran bốc cháy. PLX tăng 2,81% cũng có đóng góp đáng kể.

Ngưỡng 990 điểm tỏ ra “rất khó chịu” khi liên tiếp cản bước VN Index trong tuần qua. Trong nhiều phiên giao dịch, nhiều lần chỉ số cố gắng đột phá nhưng sau đó đều rơi. Ngoài hiệu ứng đẩy một số CP lớn, TT giao dịch phiên này không mạnh trong phiên, mà chỉ mạnh về lúc đóng cửa. Đây là phiên hiếm hoi mà VN Index có số CP tăng giá nhiều hơn giảm giá. VN Index cuối cùng cũng đóng cửa trên ngưỡng 990 điểm mặc dù thanh khoản giảm nhẹ và chỉ loanh quanh ngưỡng 3.000 tỷ đồng.

Mỹ và Trung Quốc tiến hành đàm phán thương mại vòng thứ 12 vào hai ngày 11 và 12-10, theo giờ Việt Nam. Do đúng vào dịp cuối tuần nên TT không kịp phản ứng với thông tin kết quả đàm phán. TT Mỹ được coi là tín hiệu sớm cho khả năng thành công của vòng đàm phán này. Chỉ số S&P 500 tăng khá tốt và hợp đồng tương lai của chỉ số này cũng đã tăng trong phiên Việt Nam giao dịch ngày cuối tuần qua. Những thông tin bên lề cuộc đàm phán nhìn chung không xấu. Có thể diễn biến khả quan này đã hỗ trợ tâm lý TT trong nước.

Đàm phán thương mại thành công cũng là điều mà cả thế giới mong đợi. Chứng khoán quốc tế hai ngày cuối tuần qua đều tăng, giá dầu cũng tăng trong khi giá vàng giảm. Diễn biến các TT đều thể hiện một hy vọng tích cực.