Hy vọng tháng 5

Các chỉ số tăng không đáng kể trong phiên giao dịch ngày 5-5 khi nhóm cổ phiếu (CP) blue chip tiếp tục giao dịch yếu. Nhà đầu tư (NĐT) vẫn chọn giải pháp đứng ngoài thị trường (TT). Điểm tích cực duy nhất trong phiên là khối nước ngoài đã giảm cường độ bán ròng. Nếu khối này đã kết thúc đợt bán cao điểm, TT có hy vọng trở lại trạng thái cung cầu bình thường trong tháng 5.

Nhà đầu tư hy vọng thị trường trở lại trạng thái cung cầu bình thường trong tháng 5. Ảnh: HẢI NAM
Nhà đầu tư hy vọng thị trường trở lại trạng thái cung cầu bình thường trong tháng 5. Ảnh: HẢI NAM

Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ ngày 4-5, đã không đem lại niềm vui cho NĐT, khi cuối tuần qua hàng loạt tin bất lợi xuất hiện. Cũng giống như hầu hết các TT chứng khoán (CK) khác, TTCK Việt Nam bắt đầu kết thúc những tin hỗ trợ tâm lý. Gần như toàn bộ thời gian giao dịch ngày 4-5, VN Index rơi xuống dưới tham chiếu và chỉ có duy nhất vài phút tăng lúc gần 10 giờ 30 phút. Chỉ số đại diện TT đã không có bất kỳ cơ hội nào phục hồi khi CP giảm giá quá nhiều, nhất là ở nhóm blue chip.

Vẫn có vài điểm sáng, đó là VHM tăng 2,04%, HDB tăng 4,36%, VRE tăng 1,52%, GAS tăng 0,63%, TCB tăng 1,6%. Trong số này, VHM đóng vai trò chính để giảm xóc cho chỉ số nhờ vốn hóa rất lớn. Chỉ riêng VHM đã cứu cho VN Index tới 1,3 điểm và thoát khỏi sức ép về cuối phiên. Chính xác là VHM đã được đẩy lên cao hơn lúc đóng cửa. Chỉ số VN30 Index chốt phiên giảm 0,84%, VN Index giảm 0,86% (tương đương 6,64 điểm). VN Index bắt đầu chịu ảnh hưởng ngược của một số blue chip lớn tăng muộn trong tháng 4 vừa qua. Điển hình là SAB, phiên này giảm 4,91% so tham chiếu.

TT diễn biến tiêu cực trong phiên này không chỉ trên phương diện chỉ số. Nhóm blue chip giảm chỉ là đại diện tiêu biểu, toàn TT phần lớn CP đều mất giá. Riêng sàn HoSE, cứ 1 CP giảm giá chỉ có 0,44 CP tăng giá và tính chung cả HNX thì tỷ lệ cũng chỉ là 1:0,5. Đặc biệt, hiện tượng bán mạnh đẩy giá POW xuống tận mức sàn, bốc hơi 6,92%. POW xuất hiện kết quả kinh doanh với lợi nhuận sau thuế giảm tới 45% so cùng kỳ đúng vào dịp nghỉ lễ. Chính vì vậy, trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5, NĐT đã tranh nhau thoát hàng vì kể cả khi bán ở giá sàn, bất kỳ NĐT nào có hàng về gần nhất vẫn có lãi.

Các CP vừa và nhỏ là hai nhóm thiệt hại nặng nhất trong xu thế giảm chung với sức ép từ blue chip. Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) lớn xuất hiện trong kỳ nghỉ đã đánh dấu sự kết thúc của mùa báo cáo tài chính quý I - 2020. Hầu hết các DN đều giảm lợi nhuận đáng kể so cùng kỳ do tác động của dịch Covid-19. Trong khi đó TT lại không có thêm được thông tin nào tích cực.

Sau đợt phục hồi bất ngờ trong tháng 4, NĐT đang tìm kiếm các thông tin hỗ trợ mới nhưng đây là thời điểm rất ít thông tin dạng này được công bố. Có chăng vẫn chỉ xuất hiện những thông tin liên quan dịch bệnh và mở cửa trở lại nền kinh tế, vốn là các thông tin tạo kỳ vọng dẫn dắt TT tăng trong tháng 4. NĐT đang rút bớt tiền về và giảm mua vào, điều này thể hiện rất rõ qua mức thanh khoản rơi xuống ngưỡng thấp nhất 16 phiên trở lại đây.

Sang phiên giao dịch ngày 5-5, VN Index kết thúc phiên với mức tăng chỉ 1,69 điểm, tương đương 0,22%. Như vậy, xu hướng vẫn đang là giảm dần dù tốc độ rất chậm, bình quân mỗi phiên giảm khoảng 3 điểm. Chỉ số giảm chậm là do đang có hiện tượng co kéo giữa các CP vốn hóa lớn. Thực tế, trong tổng giảm 30,8 điểm thì phiên ngày 21-4 đã giảm hơn 28 điểm. Các ngày còn lại VN Index lên xuống trồi sụt là chính.

Phiên này chỉ số được hỗ trợ rất đáng kể từ VNM tăng 2,98%, GAS tăng 2,66% và VIC tăng 0,98%. Nhóm CP quan trọng là ngân hàng không tăng rõ nét. Nhóm CP họ Vingroup cũng có VHM giảm 2% kết hợp SAB giảm 2,13%. Tình trạng giằng chéo lẫn nhau giữa các CP lớn là rất rõ nét và đang phát huy tác dụng tích cực. Hiện tượng này không phải là điều mới, nhưng khác với các thời điểm “kéo xả”, TT hiện tại không có chuyển biến rõ ràng về giá cũng như không có “game” cụ thể. Các mã đầu cơ không tăng nóng. Thậm chí, trên cả hai sàn số mã đầu cơ tăng hết biên độ mà có thanh khoản tốt cũng chỉ có 5 mã, dù tổng số đóng cửa mức trần tương đương phiên đầu tuần. Số còn lại giao dịch quá ít.

Thanh khoản phiên này lại xuống mức thấp mới, thể hiện hiện tượng co kéo giữa các CP lớn chủ yếu xuất phát từ mức giao dịch yếu. Ngay cả các mã tăng tốt như VIC, GAS hay VNM khối lượng giao dịch cũng chỉ bằng một nửa mức bình quân 20 phiên. Đặc biệt, thanh khoản chung khớp lệnh hai sàn phiên này đã xuống dưới ngưỡng 3.000 tỷ đồng, chỉ đạt 2.719 tỷ đồng, giảm 17% so ngày 4-5. Suốt từ đầu tháng 4 trở lại đây, phiên này là phiên đầu tiên TT khớp lệnh dưới mức 3.000 tỷ đồng.

Điểm tích cực duy nhất là khối NĐT nước ngoài đã giảm cường độ bán ròng khá nhiều. Sàn HoSE chỉ còn bị bán ròng gần 102 tỷ đồng và sàn HNX bị bán ròng hơn 10 tỷ đồng. Nếu so các phiên bị bán ròng liên tục 300 - 400 tỷ đồng trong tháng 4 thì đây là thay đổi rất đáng kể. NĐT nước ngoài giảm bán ròng là điều tốt nhất có thể trông đợi lúc này, vì có khả năng đợt bán rút vốn đã qua đỉnh điểm. Riêng trong tháng 4, khối này bán ròng CP trên hai sàn xấp xỉ 6.430 tỷ đồng và từ sau Tết đến nay bán hơn 18.400 tỷ đồng là con số rất lớn. Đợt bán này đã tạo áp lực lớn lên giá CP vì NĐT trong nước phải giải ngân một lượng tương ứng cũng chưa thể bù đắp được và kết quả là CP rớt giá. Nếu khối NĐT nước ngoài đã kết thúc đợt bán cao điểm, TT có hy vọng trở lại trạng thái cung cầu bình thường trong tháng 5.