Hy vọng kết thúc điều chỉnh

Diễn biến trên thị trường (TT) chứng khoán (CK) trong phiên giao dịch ngày 16-6 có nét giống với ngày 12-6 vừa qua nhưng thành công hơn khi VN Index lấy lại được 23,66 điểm sau khi để mất 31,05 điểm ngày 15-6. TTCK Mỹ đêm 15-6 cũng phục hồi khá tốt và đặc biệt trong phiên TT Việt Nam giao dịch, giá các hợp đồng tương lai chỉ số CK Mỹ đồng loạt tăng vọt hơn 2%.

Nhà đầu tư có thể không bán ra vì thấy giá tăng và kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa.
Nhà đầu tư có thể không bán ra vì thấy giá tăng và kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa.

Những tín hiệu nhen nhóm hy vọng trong phiên đảo chiều cuối tuần qua đã biến mất hoàn toàn. TTCK toàn cầu chìm trong sắc đỏ khiến TT trong nước rơi mạnh trong phiên chiều 15-6. Biến động mạnh trên TTCK thế giới có thể là một trong những yếu tố tác động đến tâm lý chung. TT tương lai CK Mỹ giảm mạnh hơn 3%, báo hiệu một phiên đầu tuần thê thảm nữa. CK trong nước ban đầu phản ứng nhẹ vì các TTCK châu Á như: Nhật Bản, Trung Quốc giảm cũng không nhiều. Tuy nhiên sang đến phiên chiều 15-6 thì đà bán tháo gia tăng chóng mặt. Từ mức giảm chưa đầy 5 điểm cuối buổi sáng, đóng cửa VN Index đã giảm đến 31,05 điểm, tương đương 3,6%.

Mức giảm trong phiên này đã phá kỷ lục hôm thứ năm tuần trước (giảm 30,22 điểm). Mức giảm này đã xác nhận phiên cuối tuần trước chỉ là phục hồi kỹ thuật thông thường vì kết phiên này, VN Index đã rơi xuống 832,47 điểm, thấp hơn cả mức thấp nhất ngày thứ sáu vừa qua (841,44 điểm).

Tất cả các nhóm cổ phiếu (CP) đều thiệt hại nặng. VN30 Index giảm 3,6%, VNMidcap giảm 3%, VNSmallcap giảm 1,86%. Nhóm CP đầu cơ thiệt hại ít nhất nhờ các mã nhỏ vẫn đang được đầu cơ giá lên. Nói chung các CP này biến động phụ thuộc năng lực “thổi” giá của các nhóm CP đầu cơ là chính, còn những yếu tố khác chỉ là phụ. Tuy vậy, toàn sàn HoSE có tới 293 CP giảm giá và 96 CP tăng giá. Những ai may mắn nắm được mã thuộc 96 CP này thì có thể còn vui. Ngược lại, phần rất lớn các nhà đầu tư (NĐT) chắc chắn thua lỗ, thậm chí là lỗ nặng vì có tới hơn 140 CP giảm hơn 3% phiên này.

Nhóm blue chip hoàn toàn sụp đổ trong phiên này và không mã nào đỡ được chỉ số. Chỉ nguyên nhóm vốn hóa lớn nhất giảm mạnh cũng đủ khiến VN Index “bốc hơi” cực mạnh. Phiên này cũng lập kỷ lục lịch sử về thanh khoản với tổng giá trị giao dịch hai sàn đạt tới 23.562 tỷ đồng. Tuy nhiên đó không phải là dòng tiền ào vào mua khi giá giảm. VHM thỏa thuận đã khiến giao dịch lớn như vậy. CP này được NĐT nước ngoài mua ròng thỏa thuận 201,3 triệu CP, trị giá 15.099 tỷ đồng. Giao dịch ở quy mô này thì chắc chắn là một thương vụ được sắp xếp từ trước, vì vậy phiên giao dịch tỷ USD phiên này không có nhiều ý nghĩa lắm về dòng tiền. Tổng giá trị thỏa thuận hai sàn khoảng 16.429 tỷ đồng, ngoài VHM có thêm MSN, VPB, NVL, EIB, DBD… Như vậy mức khớp lệnh chỉ đạt hơn 7.100 tỷ đồng, tức là còn giảm gần 7% so phiên cuối tuần trước. Nói cách khác thanh khoản khớp lệnh vẫn đang giảm đều chứ không có cải thiện.

NĐT nước ngoài phiên này cũng được ghi nhận mua ròng cực lớn. Tổng giá trị mua ở HoSE là 15.024 tỷ đồng và bán ra 741,9 tỷ đồng. Thế nhưng nếu trừ đi giao dịch cá biệt của VHM thì khối này lại đang rút vốn ròng cực mạnh vì riêng VHM đã được thỏa thuận ròng hơn 15.000 tỷ đồng…

Diễn biến trên TTCK trong phiên giao dịch ngày 16-6 có nét giống ngày 12-6 vừa qua nhưng thành công hơn khi VN Index lấy lại được 23,66 điểm sau khi để mất 31,05 điểm ngày 15-6. TTCK Mỹ đêm 15-6 cũng phục hồi khá tốt và đặc biệt trong phiên TT Việt Nam giao dịch, giá các hợp đồng tương lai, chỉ số CK Mỹ đồng loạt tăng vọt hơn 2%. Điều này cũng giống phiên 12-6, tạo tâm lý tích cực đối với NĐT trong nước.

Khác biệt của phiên này là sức mạnh của nhóm CP vốn hóa lớn rõ hơn nhiều. Đặc biệt các mã họ Vingroup tăng cực nóng: VHM, VRE tăng kịch trần, VIC tăng 4,94%. Chỉ số VN Index đóng cửa tăng 2,84%, VN30 Index tăng 2,58%. Đây là thành công lớn hơn so phiên đảo chiều ngày 12-6 vừa qua khi VN Index cuối cùng vẫn chưa qua được tham chiếu và VN30 Index tăng nhẹ. Phiên hồi mạnh mẽ này đến từ sự dẫn dắt của nhóm blue chip và nhóm này rất đồng thuận. Đây cũng là điểm khác phiên 12-6 khi blue chip chỉ được kéo lên ở vài CP lớn.

Mức tăng cực mạnh ở các chỉ số lẫn CP phiên này đã không đi cùng với thanh khoản. Tổng giá trị giao dịch đương nhiên thấp hơn phiên đầu tuần vì không có thỏa thuận nào lớn đột biến. Tuy nhiên, ngay cả giá trị khớp lệnh cũng đã sụt giảm xuống mức 4.811 tỷ đồng. Phiên đảo chiều 12-6 vừa qua mức khớp lệnh còn hơn 7.600 tỷ đồng. Giao dịch loanh quanh 4.000 tỷ đồng hiện là mức kém nhất 12 phiên. TT đang quen nhìn mức giao dịch 7.000 - 8.000 tỷ đồng nên sự sụt giảm này là nghiêm trọng. Một khía cạnh tích cực có thể đề cập ở phiên này là 10.000 tỷ đồng giao dịch hôm 11-6 về tài khoản nhưng thanh khoản thấp, cho thấy sức ép cắt lỗ là không mạnh.

Tuy vậy, việc NĐT không quay lại mua mạnh vẫn là điều cần chú ý, vì trong số 10.000 tỷ đồng rút khỏi TT hôm 11-6 nếu quay lại mua thì giá sẽ còn tăng cao hơn nữa. NĐT có thể không bán ra vì thấy giá tăng và kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa. Mức phục hồi mạnh ở chỉ số cùng mức tăng giá rất cao ở CP đang củng cố hy vọng TT đã kết thúc điều chỉnh. Cơ hội TT dừng giảm hiện phụ thuộc nhiều vào việc các NĐT mua tại đỉnh sẽ chịu đựng như thế nào. Thanh khoản tại tuần tạo đỉnh rất cao với tổng giá trị khớp lệnh 5 phiên tuần trước xấp xỉ 40.000 tỷ đồng chưa kể thỏa thuận. Nếu khối lượng CP khổng lồ vẫn được giữ lại thì TT sẽ bớt sức ép. Ngược lại, nếu NĐT tiếp tục bán ra trong khi các NĐT đã chốt lời lại chưa quay lại mua, TT rất khó để trụ lại.