“Hâm nóng” thị trường bằng nhiều kỷ lục

Thị trường chứng khoán (TTCK) lại xuất hiện diễn biến bất ngờ trong phiên cuối tuần qua, ngày 23-10, khi 20 phút cuối phiên tiếp tục bùng nổ. Các cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn tăng mạnh đã kéo VN Index vượt luôn ngưỡng 960 điểm. Đây là phiên của nhiều kỷ lục, blue chip đạt đỉnh giá lịch sử mới là HPG.

Sự bùng nổ của các cổ phiếu lớn trong hai phiên cuối tuần là yếu tố giúp VN Index vượt ngưỡng 960 điểm. Ảnh: HẢI NAM
Sự bùng nổ của các cổ phiếu lớn trong hai phiên cuối tuần là yếu tố giúp VN Index vượt ngưỡng 960 điểm. Ảnh: HẢI NAM

TT bất ngờ chuyển trạng thái từ lình xình suốt cả ngày 22-10 sang tăng cực mạnh trong thời gian chỉ vài chục phút cuối phiên. VN Index tăng hơn 10 điểm nhờ các mã blue chip lớn. CP quan trọng nhất phiên giao dịch này là VIC khi đột biến thành công. Bốn phiên trước VIC lình xình giảm nhẹ, thậm chí gần hết phiên sáng 22-10 vẫn chỉ đi ngang. Phải đến đầu phiên chiều giá mới có chuyển biến, thậm chí đột biến. VIC tăng giá cực nhanh và chạm ngưỡng 100.000 đồng/CP lúc đóng cửa. CP này tăng 2,88% đã kéo VN Index tới gần ba điểm. Ảnh hưởng của VIC rất tích cực vì kéo theo cả VHM tăng 1,44%.

VN30 Index đóng cửa phiên này tăng 1,35%, mạnh hơn tất cả các chỉ số khác. Thậm chí, chỉ số của nhóm Midcap chỉ tăng 0,39%, còn Smallcap tăng 0,28%. Khác biệt quá rõ này cho thấy nguồn gốc bùng nổ nằm ở nhóm blue chip. Mặc dù diễn biến tăng xảy ra rất nhanh và trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng lại tạo hiệu quả rất lớn về điểm số. 

Diễn biến quá nhanh về cuối phiên giao dịch ngày 22-10 đã tạo sự nghi ngờ trong tâm lý của nhiều nhà đầu tư (NĐT). Không xuất hiện bất kỳ thông tin nào đủ mạnh để tạo được thay đổi như vậy. Đây hoàn toàn là diễn biến cung cầu trên TT. Điều khác biệt chính là việc nhóm CP lớn tạo được hiệu ứng tích cực. VIC, VHM tăng mạnh nếu không lôi kéo được nhiều blue chip khác tăng theo thì cũng không thể đưa chỉ số lên cao như vậy được. Hiện tượng kéo trụ là điều NĐT rất dị ứng và gây ra sự nghi ngờ. Tuy nhiên, khi số lớn CP blue chip tăng thì tình hình lại khác. Nhóm ngân hàng là thí dụ, cả phiên giao dịch chậm và yếu nhưng lại đồng loạt tăng cao cuối ngày. VN30 Index tăng tới 1,35%, lên 918,3 điểm là đỉnh cao nhất của năm 2020 tính đến lúc này, cao hơn cả đỉnh đạt được trước thời điểm TT nghỉ Tết.

Tâm lý hưng phấn thật ra chỉ xuất hiện sau khi VN Index tăng liên tục trong khoảng 10 phút cuối phiên. Đến đợt ATC, sức mạnh này còn đẩy giá CP lên cao hơn nữa. Cả VIC lẫn VNM, VCB, GAS đều tăng thêm. Số lượng CP tăng giá ở sàn HoSE cũng lan tỏa mạnh mẽ với 251 CP, nhiều nhất trong vòng sáu phiên trở lại đây. Thanh khoản sụt giảm khoảng 11% đối với giá trị khớp lệnh hai sàn và giảm 15% đối với khối lượng giao dịch cũng thể hiện sự tập trung ở các mã thị giá cao. Có thể thấy dòng tiền vẫn đang tập trung vào các mã quen thuộc.

Hạn chế lớn nhất phiên này là diễn biến tăng giá quá nhanh ở ít phút cuối, thay vì đi lên từ từ. Điều này có thể khiến NĐT lo ngại vì không chắc nó có thật sự bền vững. Mặt khác, NĐT nước ngoài bán ra quá nhiều và liên tục. Phiên này, CP trên HoSE tiếp tục bị bán ròng tới gần 615 tỷ đồng. Mới bốn phiên trong tuần qua mà mức bán ròng của khối NĐT nước ngoài ở sàn HoSE nói riêng với CP đã lên tới hơn 2.200 tỷ đồng, là mức kỷ lục kể từ tuần cuối tháng 8-2020. Xấp xỉ 5.000 tỷ đồng là tổng giá trị bán ròng trong tháng 10. Điều này có nguy cơ làm suy yếu lượng tiền của NĐT trong nước.

Thêm một diễn biến bất ngờ khi phiên cuối tuần qua, chỉ trong 20 phút cuối TT lại tiếp tục bùng nổ mạnh hơn. Các CP vốn hóa lớn tăng mạnh đã kéo VN Index vượt luôn ngưỡng 960 điểm. Đây là phiên của nhiều kỷ lục, blue chip đạt đỉnh giá lịch sử mới là HPG, ở mốc 30.900 đồng, chính thức vượt qua đỉnh đầu tháng 3-2018. Mức tăng 4,39% trong phiên này cũng là mức tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ đầu tháng 8-2020 của HPG.

Vượt đỉnh lịch sử tức là tất cả các NĐT nắm giữ HPG từ trước đến nay đều có lãi. Vì vậy, thanh khoản phiên này rất lớn khi có nhiều người chốt lời. HPG đã giao dịch hơn 29,5 triệu CP, tương đương 898 tỷ đồng giá trị. Tuy tăng giá mạnh nhất trong rổ VN30 nhưng HPG không phải là CP có ảnh hưởng nhất. VIC tăng 3,9% mới là CP đẩy VN Index lên. VIC nâng đỡ chỉ số trong cả ngày khi duy trì được mức tăng rất tốt và ổn định. Hai ngày cuối tuần qua là hai ngày “huy hoàng” của VIC khi mức tăng giá tới gần 6,9%.

Chỉ số VN30 Index đóng cửa tăng tới 1,31% so tham chiếu, còn mạnh hơn cả VN Index. Dù vậy, mặt bằng giá của nhóm VN30 không đều, chỉ có nhóm vốn hóa lớn nhất là tăng mạnh. Thanh khoản của các blue chip cũng tiếp tục là yếu tố quyết định mức giao dịch chung của TT. Nhóm VN30 đã lập kỷ lục mới với hơn 5.000 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. HPG, TCB, VHM, VRE, VNM là những CP giao dịch cực mạnh, đều khớp lệnh vượt 300 tỷ đồng. Tất cả 10 CP thanh khoản nhất TT phiên này đều là các mã thuộc VN30.

Đóng cửa đạt 961,26 điểm, chỉ số VN Index đã chính thức vượt qua ngưỡng điểm số ngày 31-12-2019. Như vậy, phải mất gần 10 tháng chỉ số này mới vượt qua được ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên đây chỉ là biến động của chỉ số, còn khá nhiều CP hiện vẫn chưa tới điểm hòa vốn cho năm 2020.

Hiện tượng bùng nổ của các CP lớn nhất trong hai phiên cuối tuần cũng là yếu tố quyết định giúp VN Index tăng tốc vượt ngưỡng 960 điểm. Yếu tố hỗ trợ có thể là việc các mã như: VIC, VHM, VNM, HPG sẽ hưởng lợi khá nhiều khi TTCK Việt Nam được Morgan Stanley Capital International (MSCI) tăng tỷ trọng phân bổ vốn từ sau tháng 11 tới. Thanh khoản của nhóm này cũng gia tăng rất nhanh nhờ nhận được lực mua mạnh mẽ. Nếu các CP blue chip được các quỹ tăng tỷ trọng theo quy định thì đây là thời điểm tốt để đầu cơ trước.