Dư địa tăng lớn, cơ hội nhiều hơn

Thị trường chứng khoán (TTCK) mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết dài ngày và ngay lập tức thu hút nhiều nhà đầu tư (NĐT) hào hứng tham gia. Trong đại dịch Covid-19, có những lúc CK chao đảo mạnh. Song, dù giá tăng cao so trước, nhưng theo nhiều NĐT, cổ phiếu (CP) vẫn đang là kênh đầu tư sinh lợi hàng đầu. Đặc biệt là khi tâm lý được củng cố và niềm tin mạnh mẽ hơn, rất có thể một chu kỳ mới của TTCK sẽ lại bắt đầu.

Nhà đầu tư vẫn có khả năng thu được lợi nhuận nếu bám trụ lại trên sàn. Ảnh: NG.NAM
Nhà đầu tư vẫn có khả năng thu được lợi nhuận nếu bám trụ lại trên sàn. Ảnh: NG.NAM

CK thế giới sụt giảm trong giai đoạn đầu năm 2020, nhưng sau đó liên tiếp tăng điểm, không ít TT thiết lập đỉnh cao lịch sử, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên toàn cầu. Diễn biến này khiến nhiều NĐT bất ngờ và tiếc nuối vì trước đó bán ra cắt lỗ, hoặc bỏ lỡ cơ hội tham gia hay quyết định chốt lời quá sớm. Thực tế, không thể biết được TTCK sẽ biến động trong một năm như thế nào. Xác định thời điểm vào - ra TT nhằm mua đáy - bán đỉnh trong ngắn hạn là điều gần như bất khả thi và những ai hay làm điều này thường không có kết quả đầu tư tốt so các NĐT nắm giữ CP trong dài hạn.

Dịch Covid-19 trong năm 2020 cũng như các “sự cố” khác trong thập niên 1980, 1990 khiến TTCK gây ra những mất mát lớn trong thời gian ngắn. Nhiều NĐT hoảng sợ và nhảy ra khỏi TT. Nhưng với tầm nhìn dài hạn, những sự cố đó là không đáng kể. Điều này làm khơi nguồn ý kiến cho rằng, các NĐT vẫn có khả năng thu được lợi nhuận nếu bám trụ lại trên sàn. Nhận định này chính xác, nhưng chỉ là một phần của bức tranh tổng thể: sự thay đổi giá trị theo thời gian của các nhóm tài sản khác nhau. Trong dài hạn, giá trị của tiền mặt và tài sản dưới tác động của lạm phát sẽ có sự chênh lệch rõ rệt: tiền mặt thường bị tác động mạnh mẽ hơn và mất giá nhiều hơn. Vì thế, nếu lạm phát là một trong những rủi ro mà bạn phải đối mặt, thì tốt nhất không nên nắm giữ tiền mặt.

Trên TTCK luôn có cơ hội đầu tư tốt, nhất là đối với các NĐT dài hạn. Vậy nhưng, nhiều NĐT không cân nhắc đến yếu tố thời gian. Yếu tố này có thể thay đổi nhanh chóng, tầm nhìn từ 5 đến 10 năm lập tức giảm xuống còn 24 giờ khi có sự cố xảy ra - thường là do NĐT không có một kế hoạch đầu tư, cũng như một tầm nhìn cụ thể. Thực tế, nếu như NĐT có thể đưa ra quyết định của mình dưới bối cảnh của một kế hoạch, hoặc mục tiêu rõ ràng, NĐT sẽ ít gặp sai lầm hơn.

Những tin tức về một đợt bùng phát Covid-19 trở lại và lan ra nhiều tỉnh, thành phố không cản được sắc xanh lan tỏa trên bảng điện tử và từ những phiên giao dịch khởi đầu năm mới, NĐT đã xới xáo, tìm kiếm các doanh nghiệp (DN) có triển vọng tốt trong năm 2021, những DN có tiềm năng tăng trưởng để “chọn mặt gửi tiền”. Những đánh giá tích cực từ nhiều tổ chức về nền tảng vững vàng về nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam khiến các NĐT trở nên bạo dạn hơn. 

Xét trên diễn biến TT, sự điều chỉnh của VN Index trong hai tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đã kéo chỉ số giảm 16%, một nhịp chỉnh được coi là hợp lý trong một xu hướng tăng. Bởi thế, nhiều NĐT cho rằng, thoát khỏi TT thời điểm sóng lớn nhất ngay sau dịp Tết sẽ khiến họ bỏ lỡ nhiều cơ hội, cũng như dễ dẫn đến việc tham gia trở lại sau này bị trễ nhịp. Cùng với đó, sự điều chỉnh đã làm nhiều CP phá vỡ nền giá tích lũy trước đó, thiết lập lại nền giá mới, với cơ hội nhiều hơn, dư địa tăng lớn hơn.

Những yếu tố được viện dẫn nhằm giải thích cho sự vận động đi xuống của chỉ số cũng đã được hóa giải phần nào khi hiệu ứng tâm lý tại vùng đỉnh 1.200 điểm đã qua, làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 dần được kiểm soát và các công ty CK hoàn tất quản trị rủi ro đối với hoạt động giao dịch ký quỹ dịp cuối năm. Diễn biến của dịch bệnh vẫn được cho là nhân tố tác động lớn nhất đến TTCK thời điểm này, nhưng tâm lý thận trọng của NĐT được nhìn nhận sẽ sớm qua, xác suất các tin tức dồn nén trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được nhìn nhận không mấy tác động tiêu cực lên TT.

Ngay cả trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn dự kiến, vùng 1.000 điểm của VN Index cũng được khuyến nghị là vùng mua an toàn, chứ không còn những khuyến nghị dạng TT sẽ lui về 900 điểm như dịp cuối năm 2020. Bởi thế, chỉ cần TT có các nhịp điều chỉnh, rất nhanh, rất sẵn sàng, NĐT sẽ mở các vị thế mua mới, với vùng mục tiêu kỳ vọng VN Index sẽ phá đỉnh 1.200 điểm ngay trong quý I - 2021.

Đang có rất nhiều NĐT tìm kiếm lời giải cho câu hỏi: Liệu đã có đủ cơ sở để tin vào đợt phục hồi mạnh mẽ lần này của VN Index và liệu đây có là thời điểm để giải ngân? 

Thực tế cho thấy, đợt sụt giảm vừa qua đã khiến chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá TT của CP và thu nhập trên một CP (P/E) toàn TT đã giảm đáng kể khi rơi từ 20 về 16,9, điều này đã kích thích dòng tiền quay trở lại, đặc biệt là dòng tiền từ NĐT nước ngoài, tạo lực cầu mạnh mẽ khi nhiều CP đã về vùng hấp dẫn. Đồng thời, đây cũng là thời điểm nhiều DN công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020. Theo thống kê gần nhất, nhóm tài chính - ngân hàng đã có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng đạt 58,8% (+17.713 tỷ đồng) so năm 2019 - một con số ấn tượng trong một năm nhiều biến động và đây cũng là một trong những nhóm có vốn hóa lớn trên TT, tác động chính vào chỉ số.

Nhiều nhà phân tích CK cho rằng, khi tâm lý được củng cố và niềm tin mạnh mẽ hơn, rất có thể một chu kỳ mới của  TTCK sẽ lại bắt đầu.