Dòng vốn đầu cơ hoạt động mạnh

Càng đến gần thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý III-2019, nhà đầu tư (NĐT) càng tỏ ra lưỡng lự và không có xu hướng rõ ràng. Mặc dù thanh khoản hằng ngày trên thị trường (TT) duy trì khá tốt trong tuần qua, nhưng dòng tiền đầu tư đang có dấu hiệu suy yếu, do dòng vốn đầu cơ có xu hướng tăng.

Cổ phiếu đầu cơ “nóng” nhất hiện tại vẫn là FLC, ba phiên gần đây đều giao dịch rất lớn. Ảnh: NAM ANH
Cổ phiếu đầu cơ “nóng” nhất hiện tại vẫn là FLC, ba phiên gần đây đều giao dịch rất lớn. Ảnh: NAM ANH

Là phiên đáo hạn đối với hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn tháng 10 (phiên đáo hạn phái sinh - ĐHPS), TT đã có những biến động thất thường trong ngày 17-10. Chỉ số VN Index trước khi bước vào đợt ATC còn tăng nhẹ, đóng cửa rơi gần 5 điểm. Thực tế, TT đã không tìm được điểm tựa nào trong phiên này, nhất là ở đợt đóng cửa, lực bán dâng cao tại rất nhiều blue chip. Mặc dù đây có thể là hiện tượng biến động phiên ĐHPS, nhưng có tới 24/30 cổ phiếu (CP) blue chip của nhóm VN30 giảm giá, nhiều mã giảm mạnh, nên rất khó nói đó chỉ đơn giản là thao túng nhằm phục vụ giao dịch phái sinh.

VN Index cuối đợt khớp lệnh liên tục tăng nhẹ 0,03 điểm, nhưng khi đóng cửa giảm 4,64 điểm. VN30 Index cuối đợt khớp lệnh liên tục giảm 0,62 điểm, chốt phiên giảm 5,54 điểm. Các chỉ số đều giảm cuối phiên và blue chip rơi sâu tại các trụ. Có quá nhiều CP giảm giá cũng đồng nghĩa áp lực bán phải xuất hiện đồng thời. Quy mô bán ra với CP trị giá rất lớn, sàn HoSE đóng cửa tới 625,8 tỷ đồng, nhóm VN30 đóng cửa giao dịch 554,2 tỷ đồng.

Thực tế, TT phiên này giảm chung chứ không chỉ là biến động riêng phiên ĐHPS. Sàn HoSE cứ 1 mã giảm chỉ có 0,69 mã tăng. Số CP ngoài nhóm VN30 cũng giảm nhiều, mà các mã này không liên quan gì đến TT phái sinh. Nhưng không phải đến phiên này blue chip mới suy yếu. Ngay ở nhóm CP ngân hàng (NH), kết quả kinh doanh quý III đã có nhưng giá vẫn chỉ loanh quanh không thể tiến xa. Nguyên nhân là giá đã tăng nhiều trước đó và phản ánh trước kỳ vọng. NĐT cứ nghĩ rằng kết quả kinh doanh tốt thì giá sẽ tăng, nhưng lại bỏ qua thực tế rằng giá CP dựa trên kỳ vọng là chính.

Các CP blue chip yếu khiến TT ở trạng thái đi ngang kéo dài và gây ức chế. Hiện tượng đầu cơ bùng lên ở một số mã cá biệt cũng không đủ tạo thành sóng rõ ràng với nhóm này. Thông thường nếu TT yếu, các nhà đầu cơ sẽ giao dịch mạnh với nhóm ít bị tác động bởi TT chung. Những phiên vừa qua không có hiện tượng tăng mạnh hàng loạt ở nhóm này mà chỉ xuất hiện nhịp tăng ở vài CP riêng lẻ như: FLC hay FTM. Trong các phiên, ngay cả khi VN Index giảm điểm thì vẫn luôn có CP tăng giá. Tuy nhiên, hoạt động đầu cơ thấy rõ ràng và tương đối ổn định thì chỉ xuất hiện rất ít. Dòng tiền đầu cơ vẫn chỉ luẩn quẩn vài mã. Điều đó cho thấy cơ hội kiếm lợi nhuận ngắn hạn là rất thấp.

Càng đến gần thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý III, NĐT càng tỏ ra lưỡng lự và không có xu hướng rõ ràng. Ngày 17-10, VN Index giảm mạnh có thể do là phiên ĐHPS, nhưng đến phiên chốt tuần qua, ngày 18-10, mức giảm vẫn tiếp tục và chỉ số một lần nữa xuống dưới 990 điểm. Dù chưa đến hạn, nhưng khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý III. Nhóm blue chip khởi động với CPNH, nhưng vẫn chưa có bất kỳ hiệu ứng tăng giá rõ rệt nào. Thậm chí, phiên này CPNH còn dẫn đầu cả nhóm blue chip giảm giá. Những CP nổi trội nhất của nhóm CPNH đang tỏ ra ngập ngừng tại đỉnh cao và khó tăng giá thêm. Kết quả kinh doanh tốt đã xuất hiện đúng thời điểm giá đã tăng cao, vì thế lực đẩy từ thông tin hỗ trợ không còn mạnh.

Khá nhiều doanh nghiệp (DN) đã tung ra kết quả kinh doanh quý III nhưng TT không thể giao dịch tích cực hơn, thậm chí chính CP của DN đó cũng không tăng giá mạnh. Rõ ràng là kể từ khi nhóm CPNH ra báo cáo kết quả kinh doanh quý III đến nay, thông tin này đã tạo ra các phản ứng không phù hợp. Không phải cứ DN lãi cao là CP tăng giá mà nhiều khi CP còn giảm. Từ đầu tuần tới, kết quả kinh doanh quý III còn được công bố nhiều hơn nữa, nhưng những thông tin này có tác động tích cực lên TT hay không vẫn là câu hỏi lớn.

Trên TT luôn tồn tại hai quan điểm đầu tư khác nhau: Đầu tư dài hạn dựa trên yếu tố cơ bản của DN và đầu cơ ngắn hạn dựa trên xu hướng biến động giá. Mặc dù thanh khoản hằng ngày duy trì khá tốt trong tuần qua, nhưng dòng tiền đầu tư đang có dấu hiệu suy yếu, do dòng vốn đầu cơ có xu hướng tăng lên.

CP đầu cơ “nóng” nhất hiện tại vẫn là FLC, ba phiên gần đây đều giao dịch rất lớn. Tổng giá trị giao dịch của FLC trong 5 phiên tuần qua lên tới 310,9 tỷ đồng và riêng ba phiên cuối tuần qua đạt 296 tỷ đồng. Một số CP khác cũng giao dịch nóng như: FIT, HAX hay KMR, SZC nhưng thanh khoản kém hơn FLC rất nhiều.

Đặc biệt, giao dịch của CP ROS đạt mức “khủng” với 2.886 tỷ đồng trong 5 phiên của tuần qua. Tổng hợp hai mã có liên quan là ROS và FLC, mức giao dịch trong tuần chiếm 19,2% toàn TT. Hai CP này có tính đầu cơ rất cao, đặc biệt là ROS liên tục được tạo thanh khoản ở cấp độ khó tưởng tượng. Nhờ đó mức giao dịch chung của TT duy trì được khá tốt. Tuy nhiên, dòng vốn đầu cơ vào ROS hay FLC không hẳn có thể lan tỏa sang các CP. Vì thế, khi hai mã này càng giao dịch nhiều, tỷ trọng vốn bình thường trên TT càng thấp. Bằng chứng rõ nhất là mức giao dịch ở nhóm CP blue chip thuộc VN30 đang giảm dần nếu không nhờ ROS giao dịch lớn.