Dòng tiền vẫn hoạt động tích cực

Thị trường chứng khoán (TTCK)  đang nhận được dòng tiền quá lớn, nên dù không có thông tin hỗ trợ đặc biệt nào thì vẫn cứ tăng mạnh. Ngay giữa đại dịch Covid-19, VN Index thậm chí chỉ còn thấp hơn đỉnh lịch sử 20 năm chưa tới 12%.

Thị trường đang hướng tới kỷ lục thanh khoản mới. Ảnh: NG.ANH
Thị trường đang hướng tới kỷ lục thanh khoản mới. Ảnh: NG.ANH

Sàn HoSE đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, ngày 14-12, với số lượng cổ phiếu (CP) tăng giá nhiều gấp ba lần số giảm cho thấy một phiên giao dịch rất mạnh mẽ và sôi động. Đà tăng của chỉ số hoàn toàn khác biệt với 18,13 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ phiên ngày 28-7-2020.

Giao dịch mạnh trở lại với nhóm blue chip và tâm điểm của nhóm này là các CP ngân hàng (NH), CK. CP ở cả hai nhóm này đều tăng giá nhanh kể từ đầu tháng 12. Phiên này xuất sắc nhất nhóm CPNH là VCB tăng 2,78%, BID tăng 1,53%, CTG tăng 1,87%, TCB tăng 2,14%, VPB tăng 1,41%, MBB tăng 1,63%. Trong đó, CTG và MBB chuyển động khá giống VN Index. Cả hai mã này đều đang tiến gần trở lại đỉnh cao lịch sử tương tự thời điểm đầu năm 2018 của VN Index. MBB hiện chỉ còn cách đỉnh lịch sử 9,6%, CTG còn thấp hơn khoảng 6%, trong khi đó VN Index thấp hơn đỉnh lịch sử 1.200 điểm chưa tới 12%.

Trong nhóm 10 CP sinh lời tốt nhất năm 2020 của VN30, CPNH cũng đóng góp nhiều đại diện. Cụ thể, cả nhóm VN30 tính đến phiên này có 10 CP tăng vượt 20% so giá cuối năm 2019. Điều đó nghĩa là kể cả nhà đầu tư (NĐT) không giao dịch gì trong cả năm, chấp nhận “chịu trận” với Covid-19 thì vẫn có lãi hơn 20%. Nhóm CPNH đóng góp 5 mã là: CTG, STB, VPB, HDB và MBB.

Tương tự, CPCK cũng rất đặc biệt, phần lớn sinh lời cực tốt bất chấp đại dịch. SSI lọt vào nhóm các CP blue chip tăng giá hàng đầu năm 2020 với khoảng 71,9% tính đến phiên này, thậm chí CP này còn tăng giá kịch trần. Các CPCK khác cũng rất khả quan: VCI tăng 4,36% và tăng so cuối năm 2019; HCM tăng 4,74%, tăng so cuối năm 2019; VND tăng 6,86%...

Mặc dù điểm số VN Index hiện đã vượt xa hồi cuối năm 2019 nhưng không phải CP nào cũng “xóa lỗ” Covid-19 thành công. Vì vậy các mã CPNH, CPCK đang thu hút dòng tiền. Mặt khác, những suy luận cơ bản thông thường cũng ủng hộ triển vọng của hai nhóm này. Nếu năm 2021 kinh tế phục hồi thì CP tài chính nói chung và CPNH nói riêng đều có dư địa tăng trưởng tốt. Kinh tế tăng trưởng thì TTCK tăng, thanh khoản lớn dẫn tới các công ty CK hưởng lợi.

So cuối năm 2019, VN Index đến phiên này đã tăng khoảng 10,7%. Đây chưa phải là mức tăng quá nhiều nhưng điểm đặc biệt ở chỗ chưa năm nào TT biến động lớn đến như vậy. Kỷ lục về mức tăng theo năm của VN Index gần nhất là năm 2017 với biên độ dương (+) 48%. Tuy nhiên, năm 2017 chỉ số lại tăng liên tục và hầu như không có diễn biến gì đặc biệt trong bối cảnh TT. Năm 2018, TT cũng chao đảo rất mạnh sau khi VN Index đạt đỉnh lịch sử vượt 1.200 điểm, nhưng mức điều chỉnh tối đa của năm đó cũng chỉ 26%.

Riêng năm 2020, TT biến động với biên độ chưa từng thấy: ba tháng đầu năm VN Index giảm gần 32% so cuối năm 2019 và chín tháng còn lại tăng hơn 61% so đáy trong năm.  Trong suốt lịch sử TT, mức biến động với biên độ như vậy chỉ thấy ở thời kỳ trước năm 2006, khi TT Việt Nam còn quá sơ khai và quá ít CP. TT cũng chắc chắn lập kỷ lục thanh khoản khi mức giao dịch của tháng 12 sẽ lớn nhất từ trước tới nay. Mới 11 phiên kể từ đầu tháng nhưng đã có tám phiên giá trị khớp lệnh cao hơn mức 10.000 tỷ đồng và tám phiên tổng giá trị giao dịch hai sàn cao hơn 11.000 tỷ đồng. Chưa có tháng nào trong lịch sử TT liên tiếp xuất hiện mức giao dịch lớn như vậy.

Bước sang phiên giao dịch sáng 15-12, áp lực bán xuất hiện ngay khi mở cửa khiến VN Index lùi về dưới 1.060 điểm, trước khi bật trở lại và giằng co nhẹ quanh tham chiếu sau hơn một giờ giao dịch. Dòng tiền mạnh và dịch chuyển dần sang nhiều mã CP nhỏ và vừa đã giúp TT đứng vững, trong bối cảnh blue chip phân hóa cao.

Bảng điện tử phân hóa khá mạnh, đặc biệt ở rổ VN30, trong đó đứng khá vững tại sắc xanh có VRE, NVL khi nhích hơn 3%, còn lại biến động nhẹ, tăng giảm trên dưới 1%. Nhóm CP hút mạnh dòng tiền gần đây là CP các công ty CK tiếp tục leo cao, tuy nhiên ngoài các mã nhỏ  (AGR, SBS, VIG) tăng kịch trần, phần còn lại (SSI, VND, HCM, SHS) đã chững lại và chỉ có sắc xanh nhạt. Phân hóa và giằng co tiếp tục là diễn biến chủ đạo của TT ở nửa sau của phiên. VN Index sau nhịp nảy mạnh lên hơn 1.067 điểm đã yếu đà, về dưới tham chiếu khi nhóm blue chip có thêm nhiều sắc đỏ.

Việc bán ra được thực hiện quyết liệt trong phiên giao dịch ngày 15-12, nhất là lực cung của khối NĐT nước ngoài ở các mã blue chip khiến VN Index điều chỉnh, nhưng giảm không quá mạnh nhờ dòng tiền vẫn hoạt động tích cực. Thực tế, sau hai phiên tăng “nóng” trước đó, áp lực chốt lời đã xuất hiện ngay khi mở cửa phiên này, ép VN Index lùi khá sâu qua tham chiếu. Tuy nhiên, vẫn là dòng tiền lớn được đẩy vào và lan tỏa, giúp TT cân bằng trở lại. Bên mua hoạt động tích cực giúp sức cầu được ổn định và hãm bớt đà giảm của VN Index khi chốt phiên.

VN Index điều chỉnh phiên này không quá bất ngờ khi chỉ số này trở lại vùng đỉnh gần hai năm rưỡi vừa qua là 1.060 điểm sau hai phiên tăng mạnh trước đó. Tuy vậy, thêm một điểm tích cực là mức thanh khoản “khủng” tiếp tục được duy trì khi tổng giá trị giao dịch toàn TT ở mức gần 16.000 tỷ đồng. Đóng cửa, sàn HoSE có 181 mã tăng và 226 mã giảm, VN Index giảm 8,82 điểm xuống 1.055,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 675,18 triệu đơn vị, giá trị 13.552,63 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng và 7% về giá trị so phiên đầu tuần.