Dòng tiền đầu cơ và những kỷ lục

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 15-1, thị trường (TT) đã chính thức lập kỷ lục mới với 11 tuần tăng liên tiếp của chỉ số VN Index. Phiên cuối tuần qua còn có kỷ lục nữa, là giá trị khớp lệnh hai sàn vượt 19.000 tỷ đồng. Phiên tăng 6,8 điểm này vẫn chưa đủ giúp VN Index vượt đỉnh 1.200 điểm. Tuy nhiên, VN30 Index lại xuất sắc tăng 1,13% lên 1.182,2 điểm. Tính về giá đóng cửa, VN30 Index ngày 15-1 đã lập kỷ lục mới.

Ngày 15-1, VN30 Index đã lập kỷ lục mới về giá đóng cửa. Ảnh: NAM ANH
Ngày 15-1, VN30 Index đã lập kỷ lục mới về giá đóng cửa. Ảnh: NAM ANH

Đợt xả hàng giảm cuối phiên giao dịch ngày 13-1 dừng lại khi hệ thống giao dịch bị nghẽn nên nhà đầu tư (NĐT) đã mua mạnh trong phiên giao dịch ngày 14-1. Tuy nhiên, chỉ có các mã vừa và nhỏ, hàng đầu cơ là tăng tốt, nhóm blue chip vẫn tiếp tục bị chốt lời nhiều. VIC, VHM, VNM, VCB là bốn cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn nhất TT và có khả năng chi phối chỉ số VN Index. Phiên này cả bốn mã đều không tăng được, trong đó nhiều mã giảm sâu. Đây là bất lợi lớn cho chỉ số vì ngưỡng 1.200 điểm vẫn đang tỏ ra là mốc kháng cự mạnh cho tới thời điểm này. Muốn đột phá thành công, vai trò của các CP lớn mang tính quyết định.

Các CP trụ quay đầu giảm là có lý do nhất định khi giá tăng lên ngưỡng rất cao và NĐT bắt đầu bán ra nhiều. Cả VNM, VHM hay VCB đều cùng VN Index tiến vào ngưỡng kháng cự mạnh rồi quay đầu. Hiện tại, không có CP lớn nào khác khả dĩ thay thế những mã này. Vì vậy, cơ hội để VN Index vượt mốc 1.200 điểm vẫn còn khó khăn. Mặc dù vậy TT không phải là tiêu cực phiên này. Nhóm giảm giá gần như tương đương nhóm tăng giá tức là CP phân hóa đáng kể. Đặc biệt nhiều nhóm CP đang nhanh chóng quay lại đà tăng cực kỳ ấn tượng. Tiêu biểu là các mã CP chứng khoán (CK), dường như vừa trải qua một nhịp tích lũy, phiên này đồng loạt tăng trở lại.

NĐT đặt cược vào nhóm CPCK ở mức độ chưa từng thấy: Thanh khoản hầu hết các mã tăng rất cao. Thậm chí như SSI còn lập kỷ lục chưa từng có với giá trị khớp lệnh phiên này lên tới 784 tỷ đồng, cao hơn cả các mã CP ngân hàng (NH). SHS giao dịch khoảng 210,6 tỷ đồng, HCM giao dịch 364,6 tỷ đồng, VND giao dịch 349,4 tỷ đồng... Bên cạnh các CPCK đang thăng hoa, đà tăng giá mạnh mẽ xuất hiện chủ đạo ở nhóm vốn hóa nhỏ.

TT điều chỉnh giảm thì các mã này giảm khá nhẹ, trong khi mỗi phiên TT nhấp nhổm phục hồi, các mã đầu cơ nhỏ lập tức tăng nóng. Phiên 14-1 số lượng CP kịch trần trên cả hai sàn vọt lên 63 mã dù VN Index phục hồi không đáng kể. Hàng loạt CP đầu cơ nhỏ đang trong xu hướng tăng giá nhanh. Như vậy, không nhất thiết VN Index không vượt được đỉnh 1.200 là TT mất cơ hội. Dòng tiền đầu cơ vẫn đang khiến nhiều mã nổi sóng, ít nhất khi cơ hội để VN Index thử thách đỉnh lịch sử vài lần nữa. Dĩ nhiên nếu TT đạt đỉnh thật sự và rơi vào xu hướng giảm, CP đầu cơ rất khó để tiếp tục ngược dòng, nhưng cho đến lúc này, sự nguy hiểm vẫn còn ở khá xa.

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 15-1, TT đã chính thức lập kỷ lục mới với 11 tuần tăng liên tiếp của chỉ số VN Index. Phiên cuối tuần qua còn có kỷ lục nữa, là giá trị khớp lệnh hai sàn vượt 19.000 tỷ đồng. Phiên tăng 6,8 điểm này vẫn chưa đủ giúp VN Index vượt đỉnh 1.200 điểm. Chỉ số này chịu tác động khá lớn từ SAB giảm 2,2%, GAS giảm 0,54%, VCB giảm 0,67%. Tuy nhiên, VN30 Index lại xuất sắc tăng 1,13% lên 1.182,2 điểm. Mức đóng cửa kỷ lục của chỉ số này là 1.177,68 điểm hôm 9-4-2018. Như vậy, tính về giá đóng cửa, VN30 Index ngày 15-1 đã lập kỷ lục mới.

Nguyên nhân là hai chỉ số này có khác biệt nhỏ về mức độ ảnh hưởng của các CP vốn hóa lớn. SAB và GAS lại là các CP không lớn trong VN30 Index. Mức ảnh hưởng của hai mã này còn kém xa TCB, MBB hay FPT, VJC. Do đó, việc cả hai mã giảm phiên này hầu như không ảnh hưởng nhìn thấy được. Ngược lại, khá nhiều CP vốn hóa trung bình đối với VN Index lại là mã lớn đối với VN30 Index và phiên này tăng cực mạnh. Việc VN30 Index vượt đỉnh trước VN Index cho thấy cơ cấu CP blue chip trung bình đang mạnh hơn nhóm vốn hóa lớn nhất. Những CP quán quân về thanh khoản phiên này vẫn phải thuộc về nhóm blue chip và nổi bật dĩ nhiên là CPNH. SHB dẫn đầu TT với 1.134 tỷ đồng giao dịch, STB thứ hai với 1.097 tỷ đồng.

Đà đi lên của VN Index trong 11 tuần gần đây, nhất là từ đầu năm 2021, có một đặc điểm dễ thấy là sự luân phiên của các nhóm CP lớn tăng giá. Nhóm CPNH là những mã duy nhất có khả năng tăng đồng loạt trong khi các CP siêu lớn thoái lui. Phiên này chỉ có VHM là nổi bật trong nhóm trụ với mức tăng 2,01%. Các mã như SAB, VNM, VIC, GAS điều chỉnh sau khi đạt đỉnh nhưng hoàn toàn có cơ hội quay đầu tăng kỹ thuật giống VHM. Trong khi đó, các CP vốn hóa trung bình còn lại tăng đủ để đẩy VN Index lên cao hơn, chỉ là chưa đủ để chỉ số vượt đỉnh bằng mức tăng khác biệt.

Khả năng các CP siêu lớn sẽ là nhân tố gây đột biến là rất lớn. VIC, VCB, VNM tăng giá mạnh có thể đem lại rất nhiều điểm cho VN Index và giúp chỉ số này vượt 1.200 điểm. Sự xoay vòng đúng lúc giữa các mã lớn có khả năng duy trì đà tăng liên tục ở chỉ số, dù chính các mã này vẫn chưa thể vượt đỉnh của chính mình.

Một điểm cũng khá bất ngờ phiên này là dòng tiền đang lan tỏa sang sàn HNX ngày càng rõ. Giá trị khớp lệnh sàn này trong phiên tăng hơn 48% so phiên kề trước, đạt gần 2.775 tỷ đồng. Hai tuần đầu năm 2021, thanh khoản trên HNX đã tăng đột biến, đúng vào lúc HoSE nâng lô giao dịch nhưng không giải quyết được hiện tượng nghẽn lệnh. Từ đầu năm 2021 đến nay chỉ số HNX Index đã tăng 11,8% trong khi VN Index tăng chưa tới 8,2%.