Dòng tiền chuyển hướng

Việc HoSE tái phát “bệnh” nghẽn lệnh trong phiên giao dịch chiều 16-3 đã khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) chuyển hướng sang tìm kiếm cơ hội trên sàn HNX và UPCoM, giúp giao dịch của hai sàn này sôi động trong phiên chiều. Hai chỉ số HNX Index và UPCoM Index cũng dần hồi phục và bứt qua tham chiếu.

Các cổ phiếu nhỏ vẫn thu hút nhà đầu tư. Ảnh: NAM HẢI
Các cổ phiếu nhỏ vẫn thu hút nhà đầu tư. Ảnh: NAM HẢI

Trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 15-3, thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn duy trì tình trạng thiếu đồng thuận giữa các dòng tiền, khi ưu tiên đầu cơ ngắn hạn ở các mã nhỏ chiếm ưu thế. Chỉ số VN Smallcap tăng tới 1,32% trong khi các chỉ số còn lại không tăng quá 0,4%. Hạn chế nhận lệnh của hệ thống giao dịch làm tắc nghẽn dòng tiền lớn đang tạo nên hiệu ứng dịch chuyển dòng tiền ngày càng rõ hơn và chưa biết lúc nào sẽ thay đổi. Khi nhóm cổ phiếu (CP) blue chip bị xa lánh, thanh khoản ngày một kém thì TT không thể xuất hiện diễn biến tăng rõ ràng hơn. Thế nhưng dòng tiền vốn không bao giờ nghỉ, sẽ phải tìm kiếm cơ hội lợi nhuận ở đâu đó.

Các CP đầu cơ nhỏ vẫn có sức hút nhất định nhờ biên độ thường lớn, đã tăng là tăng mạnh. Mối quan tâm lúc này chủ yếu dựa vào cơ hội giao dịch cụ thể, hơn là xu hướng chính của TT dựa trên chỉ số VN Index. Ở góc độ này, không có nhóm CP nào hấp dẫn hơn nhóm đầu cơ. Rổ VN Smallcap sàn HoSE phiên này xác lập mức tăng mạnh nhất với 1,32%. Các mã đầu cơ cũng nổi tiếng với việc tăng trần trên nền thanh khoản thấp, trong phiên khá nhiều mã thu hút giao dịch lớn như: TSC, DAH, HAP, DLG, AMD, TGG, DRH... Ngoài số kịch trần, có hàng chục CP nhỏ khác tăng cỡ 4% trở lên. Thống kê nhanh với các CP thuộc nhóm Smallcap, chỉ trong một vòng T+3, tức là CP về sẵn sàng bán vào hôm sau, đã có 10 CP lãi hơn 10%. Cá biệt như HAP lãi 22%, SGR lãi 21,7%, TEG lãi 20,6%.

Chỉ tính từ đầu tháng 3 tới nay, chỉ số đại diện nhóm là VN Smallcap đã tăng gần 9,52% giá trị, trong khi VN30 Index tăng 1,47%, VN Index tăng 1,38%. Nếu như NĐT không coi trọng việc phải phân bổ vốn dựa trên các tiêu chí chặt chẽ thì việc đổ vốn vào các mã đầu cơ nhỏ là đương nhiên vì lợi nhuận tốt nhất. Dĩ nhiên đối với nhiều NĐT thận trọng thì cơ hội tăng giá nhanh không phải là ưu tiên hàng đầu. Điều quan trọng hơn là chất lượng doanh nghiệp hoặc các tiêu chí cơ bản, cộng với tiêu chí thanh khoản... 

Chỉ số đại diện sàn HoSE phiên này tăng hầu như không đáng kể và diễn biến cũng không có gì đặc sắc. Ngay đầu phiên chỉ số còn xuất hiện một nhịp sụt giảm nhẹ 0,23% dưới tham chiếu. TT không có trục trặc gì lớn, chỉ là các blue chip diễn biến quá yếu. Không có nhóm CP lớn nào nổi lên để dẫn dắt TT. 

Tình trạng lình xình của các blue chip đã khiến VN Index không có một cơ hội nào để bùng nổ. Về diễn biến thì đã bước sang tuần thứ 4 VN Index tiếp tục đi ngang gần đỉnh cao lịch sử 1.200 điểm. VN30 sau hai phiên đóng cửa cao hơn đỉnh lịch sử hồi đầu tháng 3 cũng đã chấp nhận thất bại. Thời gian tích lũy quá lâu bắt đầu làm nản lòng NĐT và điều này càng khiến dòng tiền dịch chuyển rõ hơn.

Một yếu tố nhạy cảm nữa là tuần này các quỹ ETF sẽ mua bán mạnh theo hướng bán ròng. Khối NĐT nước ngoài đã ghi nhận bán tăng vọt trong phiên với 1.323,9 tỷ đồng trên toàn sàn HoSE. Mức bán ròng khoảng 410 tỷ đồng. CP VN30 cũng bị bán ròng 377 tỷ đồng. MBB, CTG, HPG, BID, NVL, VRE, KDH, STB, SSI, VHM bị bán rất nhiều. Đây vẫn là sức ép ngắn hạn đối với nhóm blue chip, bên cạnh việc dòng tiền chưa quay lại.

Trong phiên giao dịch ngày 16-3, lực bán mạnh xuất hiện chỉ ít phút sau khi mở cửa đã khiến TT có lúc giảm sâu, VN Index thủng mốc 1.180 điểm khá nhanh, nhưng mỗi khi giá giảm, dòng tiền lại nhập cuộc tích cực giúp TT không giảm sâu và thanh khoản tăng. Diễn biến trong phiên sáng 16-3 tương tự như nhiều nhịp giảm sâu hoặc tăng mạnh gần đây, khi chỉ số lại nhanh chóng bật trở lại khá dễ dàng. Mặc dù vậy tại thời điểm hiện tại, do áp lực từ sắc đỏ lan rộng trên bảng điện tử và nhóm blue chip cũng vất vả tìm lại tham chiếu đã khiến VN Index chưa thể trồi lên sắc xanh sau hơn một giờ giao dịch.

Nhóm CP vừa và nhỏ có thanh khoản cao như: ROS, FLC, HQC, ITA, HHS... đã dần hạ nhiệt. Trong đó, ROS đang dẫn đầu thanh khoản toàn sàn và bỏ xa phần còn lại với hơn 33 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng đã đánh mất sắc tím.

Sau nửa đầu phiên cố gắng giữ mốc 1.180 điểm trong bối cảnh hàng loạt CP lớn nhỏ giao dịch dưới tham chiếu, lực bán đã bất ngờ gia tăng khiến VN Index lao dốc mạnh. Chỉ khi về đến gần 1.170 điểm, TT mới lại nhận được lực mua bắt đáy và dần hồi lên, nhưng tâm lý thận trọng và lực cầu dần cạn kiệt đã không thể đưa chỉ số về tham chiếu.

Bước vào phiên chiều 16-3, sức cầu tiếp tục được duy trì và kéo VN Index đi lên ngay sau nhịp giảm đầu phiên. Tuy nhiên, kể từ thời điểm 14 giờ, tình trạng lệnh nghẽn lệnh tái diễn nên giao dịch chỉ diễn ra nhỏ giọt. Điều này ảnh hưởng lớn tới đà phục hồi của VN Index.

Việc HoSE tái phát “bệnh” nghẽn lệnh đã khiến nhiều NĐT chuyển hướng sang sàn HNX và UPCoM, giúp giao dịch của hai sàn này sôi động trong phiên chiều. Hai chỉ số HNX Index và UPCoM Index cũng dần hồi phục và bứt qua tham chiếu.

Trên HoSE, đóng cửa, với 162 mã tăng và 297 mã giảm, VN Index đã giảm 4,66 điểm, xuống 1.179,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 683,85 triệu đơn vị, giá trị 15.313,76 tỷ đồng, tăng nhẹ so phiên đầu tuần.