Dòng tiền chảy mạnh

Dòng tiền chảy mạnh với tâm điểm là nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) và thép đã giúp VN Index đảo chiều hồi phục thành công trong phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 26-2. Mặc dù nhóm blue chip gia tăng sức ép lên thị trường chứng khoán (TTCK)  nhưng với dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp nhiều mã đảo chiều hồi phục. VN Index thu hẹp biên độ giảm và có thời điểm áp sát mốc tham chiếu.

Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp nhiều mã đảo chiều hồi phục. Ảnh: NG.NAM
Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp nhiều mã đảo chiều hồi phục. Ảnh: NG.NAM

Hoạt động bắt đáy tiếp tục diễn ra trong ngày 25-2 và nhà đầu tư (NĐT) vẫn chưa hết hy vọng vào trạng thái tích lũy để vượt đỉnh của TT. Tuy nhiên, do biên độ của giá cũng khá nhỏ, nên dòng tiền bắt đáy do dự, kéo thanh khoản xuống thấp. Cuối phiên 24-2, sàn HoSE thanh khoản dừng lại mức khoảng 17.500 tỷ đồng tổng giá trị hai sàn. Trong đó gần 16.530 tỷ đồng là giao dịch khớp lệnh. Phiên ngày 25-2 là cơ hội mua rất tốt, nhưng NĐT cũng đã không dám giải ngân nhiều. Thanh khoản giảm đáng kể trong phiên này và hệ thống giao dịch bình thường cho thấy tâm lý thận trọng lên rất cao. Thậm chí, phiên này nhiều CP còn có nhịp giảm sâu hơn nối tiếp phiên kề trước, tức là giá thấp hơn nữa, nhưng lực cầu vẫn yếu. Tổng giá trị giao dịch hai sàn trong phiên 25-2 chỉ đạt 15.260 tỷ đồng, tương đương giảm 13%. Mức khớp lệnh chỉ đạt gần 14.440 tỷ đồng, giảm hơn 12%. Đây là mức khớp lệnh thấp nhất hai tuần giao dịch gần nhất. Sau khi thanh khoản quay trở lại ngưỡng hơn 16.000 tỷ đồng ở gần đỉnh 1.200 điểm của VN Index thì dòng tiền lại suy yếu.

Nhìn riêng phiên 25-2 trong mối tương quan với phiên giảm mạnh ngày 24-2, diễn biến phục hồi với thanh khoản thấp khiến khả năng lấy lại đà đi lên vẫn rất bấp bênh. TT hiện đang trong giai đoạn tranh đấu giữa quan điểm sẽ vượt đỉnh hay sẽ phải điều chỉnh giảm để lấy đà. Nếu số đông NĐT tự tin rằng TT sẽ vượt đỉnh thì rõ ràng phiên giảm là cơ hội để mua. Khi đó thanh khoản giảm đồng nghĩa với việc không có nhiều người mua. Mặt khác, sau một phiên lao dốc mạnh, TT rất hay phục hồi trở lại mang tính kỹ thuật. Tín hiệu của diễn biến hồi kỹ thuật ngắn hạn thường là thanh khoản nhỏ, khi NĐT đã phải bán cắt lỗ phiên trước sẽ không muốn quay lại mua ngay lập tức.

Cuối cùng, mức phục hồi ở giá CP thường không bằng mức giảm của phiên trước đó sẽ khiến NĐT còn do dự chưa bán lo ngại. Vì TT mới giảm mạnh một ngày nên chưa biết liệu đó là khởi đầu của nhịp điều chỉnh, hay chỉ là rung lắc thông thường. Đến khi giá giảm sâu hơn mới dẫn tới đợt cắt lỗ mới.

Tỏa sáng trong phiên 25-2 là nhóm CP dầu khí (DK). Đây là những mã duy nhất có yếu tố hỗ trợ từ giá dầu thế giới đang tăng liên tục. GAS tăng 1,25%, PLX tăng 1,92% là những mã đáng chú ý nhất vì vừa đạt mức tăng tốt, vừa có quy mô vốn hóa khá lớn. Khá nhiều CPDK khác cũng tăng mạnh hơn mặt bằng chung phiên này, tiêu biểu là PVD tăng 2,4%, PVS tăng 3,21%, PVC tăng 1,15%... Chỉ số VNEngergy Index của sàn HoSE ghi nhận mức tăng tới 1,77% trong khi VN Index tăng 0,29%.

Giá dầu thế giới lúc này là yếu tố nâng đỡ duy nhất cho nhóm CPDK. Kể từ đầu tháng 2 tới nay, giá dầu thế giới (dầu WTI) đã tăng gần 23% và đang quay lại vùng đỉnh đầu năm 2020. Giá dầu tăng chủ yếu dựa trên kỳ vọng dịch bệnh sẽ bớt căng thẳng, giao thương đi lại sẽ bình thường làm tăng cầu với nhiên liệu. Việc giá dầu quay lại thời điểm trước dịch Covid-19 phản ánh kỳ vọng này. Tuy vậy, CPDK không thật sự là trụ cột của TTCK Việt Nam. GAS là mã duy nhất có vốn hóa khá lớn (thuộc Top 10 của VN Index) thì vẫn chưa vượt qua được đỉnh cao trong tháng 1-2021. PLX chỉ là CP vốn hóa tầm trung, các mã khác càng nhỏ hơn.

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, cuộc đua bán tháo trên TT quốc tế đã phần nào ảnh hưởng tới TT trong nước. Ngay khi mở cửa phiên sáng 26-2, sắc đỏ chìm ngập bảng điện tử khiến VN Index đi xuống và để mất gần 15 điểm, lùi về vùng giá 1.150 điểm. Tuy nhiên, lực cầu nhập cuộc khá tích cực đã giúp TT ngày càng bớt tiêu cực hơn khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục. Chỉ số VN Index dần thu hẹp biên độ và tiến gần hơn với mốc tham chiếu khi có đến hơn trăm mã lớn bé đã đảo chiều hồi phục. Điểm nhấn trong phiên này chính là nhóm CP ngành thép.

Mặc dù lực cầu bắt đáy nhập cuộc khá sôi động nhưng áp lực bán vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt do tâm lý NĐT vẫn lo ngại về nhịp điều chỉnh sâu của TT, khiến VN Index khó lòng tìm về mốc tham chiếu. Do đó, TT biến động giằng co dưới mốc tham chiếu trong hơn nửa cuối phiên sáng nhưng thanh khoản tăng mạnh.

Dòng tiền chảy mạnh với tâm điểm là nhóm CPNH và thép đã giúp VN Index đảo chiều hồi phục thành công trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Mặc dù nhóm blue chip gia tăng sức ép lên TT nhưng với dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp nhiều mã lớn bé đảo chiều hồi phục, giúp VN Index thu hẹp biên độ giảm và có thời điểm áp sát mốc tham chiếu trong phiên giao dịch ngày 26-2.

Vào phiên giao dịch chiều 26-2, trạng thái TT cũng không khác nhiều so những phiên gần đây sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, sau hơn một giờ mở cửa duy trì giao dịch ổn định, TT lại xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh. Dù TT phân hóa khá mạnh nhưng với đà hồi phục của dòng CPNH cùng sự khởi sắc của nhóm CP ngành thép đã giúp VN Index tìm lại sắc xanh. 

Chốt phiên, trên sàn HoSE, VN Index tăng 3,04 điểm, lên 1.168,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 554,46 triệu đơn vị, giá trị 14.870,11 tỷ đồng, tăng 8,36% về khối lượng và 11,38% về giá trị so phiên giao dịch ngày 25-2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26,31 triệu đơn vị, giá trị 1.089,73 tỷ đồng.