Dấu ấn của cổ phiếu penny

Thị trường (TT) vẫn lặp lại kịch bản trong gần cả tuần qua khi phiên giao dịch chiều 9-4, diễn ra khá nhỏ giọt bởi trạng thái nghẽn lệnh xảy ra ngay từ khi mở cửa. Tâm điểm đáng chú ý trong phiên chính là nhóm cổ phiếu (CP) đầu tư nhỏ (penny) đua nhau tăng trần cùng giao dịch sôi động.

Nhiều nhà đầu tư hài lòng với lợi nhuận đã rút ra. Ảnh: NAM ANH
Nhiều nhà đầu tư hài lòng với lợi nhuận đã rút ra. Ảnh: NAM ANH

Trước đó, các CP lớn đã xuất hiện một đợt bán ra mạnh đẩy giá giảm sâu trong phiên giao dịch ngày 8-4. TT khựng lại rất nhanh và quay đầu giảm lần đầu tiên sau tám phiên tăng liên tiếp. CP lấy mất hơn hai điểm của VN Index phiên này là VIC, đồng thời cũng là mã vốn hóa lớn nhất trong chỉ số này. VIC nửa tháng trước là “công thần” đưa chỉ số lên cao và vượt đỉnh lịch sử, phiên này trở thành “tội đồ” chấm dứt chuỗi phiên huy hoàng.

Đây là diễn biến có thể nhìn thấy trước, vì sau 12 phiên tăng cực tốt, VIC đã lên tới đỉnh cao lịch sử đạt được hồi tháng 8-2019. Trong 12 phiên VIC cũng đã tăng giá 20%. Đối với một CP siêu lớn, thanh khoản hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày thì mức tăng đó là quá tốt đối với các nhà đầu tư (NĐT) lớn. Vì vậy khi giá tiến tới đỉnh cao lịch sử, NĐT có hai lựa chọn, một là nắm giữ để hy vọng giá sẽ lên cao nữa; hai là chốt lời, dù một phần, để phòng trường hợp thất bại.

Một số CP ngân hàng (NH) cũng bắt đầu bị hiệu ứng chốt lời đẩy giá giảm rõ hơn. CTG giảm 0,93%, đã tụt khỏi đỉnh cao lịch sử hai phiên trước. MBB giảm 1,89%, cũng xác lập đỉnh cao lịch sử ngày 7-4. TCB, VCB, BID cũng giảm. Trong số này đặc biệt là VCB giảm rất mạnh 1,86%. CP này thuộc loại kém trong nhóm CPNH vì mới tăng khoảng bốn phiên. Tuy nhiên, mức tăng cũng gần 7,6%, không phải là nhỏ với một CP blue chip thanh khoản cao. 

Phiên này, VN30 Index đóng cửa đã để mất 0,47% và chỉ có sáu mã còn tăng giá, trong khi 20 mã khác giảm. Với số giảm áp đảo thì không thể biện minh cho tình trạng ép giá riêng vài mã trụ. Số CP giảm nhiều tức là NĐT đã chốt lời với số đông. Cả sàn HoSE cũng có tình trạng chốt lời, khi cứ một CP giảm giá chỉ có 0,7 CP tăng giá. Những mã tăng đa phần là CP đầu cơ nhỏ như: TDG, DLG, DIG, ROS, ASM, DXG, FLC... Nhóm này vốn dĩ có tính đầu cơ cao nên dòng tiền hoạt động có thể đi ngược xu hướng.  Trong khi đó nếu tính tốp 10 CP thanh khoản cao nhất sàn HoSE phiên này thì có tới bảy mã giảm.

Đợt tăng liền tám phiên của VN Index đã là diễn biến khá bất ngờ, vì rất nhiều NĐT nghĩ rằng khi vượt qua mốc 1.200 điểm, TT có thể sẽ điều chỉnh để kiểm định lại. Tuy nhiên, phải bước sang phiên thứ 5, TT mới có một ngày giảm thật sự, cả ở điểm số lẫn số lượng CP. Nếu tạm thời bỏ qua diễn biến của VN Index thì nhịp tăng vượt đỉnh lịch sử kéo theo khá nhiều CP tăng giá mạnh, nghĩa là lợi nhuận ngắn hạn gia tăng. Thí dụ VIC ở trên, lợi nhuận chưa tới nửa tháng đã là 20%. CPNH là rõ nhất cho nhịp tăng sớm và mạnh này. Vì thế VN Index vượt đỉnh không có nghĩa là các CP cứ tăng mãi. Sẽ đến lúc NĐT hài lòng và bán đi, trong khi người mới thì ngại giá tăng cao chưa mua nhiều. Cung cầu chênh lệch dẫn đến giá giảm.

Tuy vậy, TT điều chỉnh giảm dù muộn, nhưng cũng không phải là bất ngờ. Các công ty chứng khoán đều thận trọng từ đầu tuần qua và dự báo có thể điều chỉnh. Hệ thống giao dịch tắc nghẽn thường xuyên cũng khiến NĐT phải dự tính đến việc không bán được. Do đó, ba phiên gần đây TT đều có các đợt chốt nhẹ ngay từ sáng khi hệ thống còn thông suốt. TT cũng không hề xuất hiện thông tin bất lợi nào mà vẫn có các con số lợi nhuận được công bố. Điều này có thể loại trừ yếu tố bên ngoài, mà TT đang điều chỉnh do cung cầu nội tại. Đó là diễn biến bình thường và lành mạnh. NĐT hài lòng với lợi nhuận rút đi để nhường chỗ cho các NĐT đến sau.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần qua, ngày 9-4, do nghẽn lệnh trong suốt cả phiên chiều 8-4 đã khiến lực bán tiếp tục dồn nén trong phiên này. Lực bán khá lớn khiến TT chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN Index rơi xuống dưới mốc 1.230 điểm ngay đầu phiên. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh đã nhanh chóng giúp TT bật ngược đi lên. Chỉ số VN Index dần thu hẹp biên độ giảm và vượt qua ngưỡng kháng cự trên. Trong khi nhóm CP blue chip giao dịch phân hóa với mức biến động tăng giảm trong biên độ hẹp, thì dòng tiền trên TT tiếp tục hướng đến nhóm CP penny. Hàng loạt các CP như: DLG, AMD, HAI, QCG, TGG, HCD, FTM… tăng kịch trần với giao dịch sôi động khi khớp lệnh một vài triệu đơn vị.

Trong đó, DLG tiếp tục biến động, lực cầu mạnh giúp DLG nhanh chóng “khoác áo tím”. Bên cạnh đó, CP “họ” FLC là ROS cũng tạo sóng mới. Trong đó, FLC mở cửa đã có được sắc xanh, còn ROS phi khá nhanh và được kéo lên mức giá trần với thanh khoản tăng vọt, vượt xa các mã khác trên TT khi khớp lệnh lên đến 41,6 triệu đơn vị.

Ngay khi bước vào phiên chiều 9-4, tình trạng nghẽn lệnh đã xảy ra và kéo dài trong suốt cả phiên với các lệnh mua bán khá nhỏ giọt lọt khe thành công. Cùng trạng thái tắc nghẽn của dòng tiền, chỉ số VN Index cũng biến động lình xình đi ngang trong biên độ hẹp quanh vùng giá 1.230 điểm trong bối cảnh TT phân hóa mạnh. Ở nhóm CP penny, ROS giữ nhiệt khi duy trì mức tăng 7% lên mức giá trần 5.660 đồng/CP cùng khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 53 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,52 triệu đơn vị.

Chốt phiên, sàn HoSE có 213 mã tăng và 206 mã giảm, VN Index giảm 3,23 điểm, xuống 1.231,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 732,82 triệu đơn vị, giá trị 18.208,37 tỷ đồng, tăng 10,28% về khối lượng và 25,38% về giá trị so phiên kề trước.