Chuyển hướng dòng vốn “nóng”

Thị trường chứng khoán (TTCK) dường như đang lặp lại quy luật thường thấy, là khi blue chip khó tăng thêm, dòng vốn “nóng” sẽ chuyển sang đầu cơ các mã nhỏ. Khả năng kéo giá ở các mã này là khá dễ và có thể gây được sự chú ý vì đa số nhà đầu tư (NĐT) cá nhân rất thích đầu cơ các mã nhỏ. Đà tăng của TT đã bước sang phiên thứ 4 liên tiếp dưới sự dẫn dắt về điểm số của cổ phiếu (CP) lớn VHM. Mức tăng không có gì đặc biệt, nhưng một số mã đầu cơ bắt đầu nóng.

Nhà đầu tư cá nhân đang có xu hướng thích đầu cơ các mã nhỏ, vì khả năng kéo giá ở các mã này là khá dễ. Ảnh: HẢI ANH
Nhà đầu tư cá nhân đang có xu hướng thích đầu cơ các mã nhỏ, vì khả năng kéo giá ở các mã này là khá dễ. Ảnh: HẢI ANH

Trái với kỳ vọng, phiên đầu tuần ngày 19-8, TT giao dịch khá yếu, bất chấp sự sôi động của CK toàn cầu. Trừ TT Indonesia, CK trong nước phiên này có mức tăng yếu nhất châu Á... TT vẫn có ít phút đầu phiên phản ứng theo thế giới. VN Index đã có thời điểm tăng gần 6 điểm nhưng rồi lại để mất gần hết. Trong phiên, nhiều lúc chỉ số còn giảm xuống dưới tham chiếu. Mãi đến gần phút cuối vài trụ phục hồi khá hơn mới kéo được VN Index tăng 1,03 điểm. Đây là mức tăng kém nhất trong số các TT châu Á mở cửa cùng giờ.

Cuối tuần trước, CK Việt Nam đã có những phiên đi ngược thế giới. Bất ngờ là phiên này khi CK thế giới cho thấy nhiều tín hiệu khả quan, thì VN Index lại quá kém. VN Index tăng hầu như không đáng kể, nguyên nhân là do CP phân hóa trên toàn TT, đặc biệt là trong nhóm blue chip. VN30 Index thậm chí đóng cửa còn giảm nhẹ 0,66 điểm. Có thể thấy sự phân hóa rõ nhất ngay trong nhóm ngân hàng, các CP giữ cho TT bùng nổ cuối tuần trước. Các CP lớn khác cũng tăng quá yếu và không đủ tạo nên sự khác biệt ở chỉ số: VNM chỉ tăng 0,64%, VHM tăng 0,84%.

VN Index tăng quá nhẹ nhưng diễn biến TT cũng không xấu, tùy thuộc NĐT có nắm giữ được CP tăng giá hay không. Nhóm vốn hóa trung bình có nhiều mã khá mạnh và giao dịch lớn đều tăng từ 2% trở lên với thanh khoản khá cao. Hiện tượng “đãi cát tìm vàng” với CP giai đoạn này đang được các NĐT quan tâm nhiều hơn là chỉ số. Tuy nhiên, ngoài nhóm blue chip, lượng tiền tham gia cuộc “đãi cát” không có nhiều. Những CP tăng tốt thực tế cũng chỉ thu hút vài tỷ đến khoảng chục tỷ đồng tham gia mỗi ngày. Đây khó có thể coi là cuộc chơi của các NĐT lớn.

Điểm đáng chú ý trong phiên lình xình này là thanh khoản. Nếu tính cả thỏa thuận, TT phiên này giao dịch cũng khá cao, đạt hơn 4.580 tỷ đồng. NĐT nước ngoài xuất hiện giao dịch mua hơn 1.000 tỷ đồng, động thái khác biệt trong chuỗi ngày bán ròng gần đây. Mặt khác, nếu bóc tách các giao dịch thì yếu tố thanh khoản cũng không có nhiều dấu hiệu hào hứng. Đầu tiên là giao dịch của khối nước ngoài tập trung chủ yếu vào VIC, với thỏa thuận 8 triệu CP trị giá 936 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch thỏa thuận phiên này tới 1.867 tỷ đồng.

Do thỏa thuận lớn nên giá trị khớp lệnh không cao và đây là điều cần quan tâm. Mức khớp lệnh đã sụt giảm 34,1% so phiên cuối tuần trước, chỉ đạt hơn 2.700 tỷ đồng. NĐT nước ngoài đạt trạng thái mua ròng phiên này nhưng chủ yếu do VIC làm thay đổi. Tuy vậy, đây cũng là điểm tốt trong phiên vì nếu thống kê tổng thể, dòng vốn nước ngoài đã quay trở lại TT. Chỉ có điều sang phiên giao dịch kế tiếp, nếu không còn thỏa thuận nào nữa, có khả năng TT lại phải chứng kiến khối nước ngoài bán ròng trở lại.

Đà tăng đã bước sang phiên thứ 4 liên tiếp dưới sự dẫn dắt về điểm số của CP vốn hóa lớn nhất nhì TT là VHM. Mức tăng không có gì đặc biệt, nhưng một số mã đầu cơ thể hiện sức nóng. VN Index tăng khoảng 3,6 điểm phiên này là khá nhẹ và đã là phiên thứ 3 không vượt qua được ngưỡng 985 điểm. Tuy nhiên, thực trạng này cũng không còn quan trọng nữa vì NĐT vẫn đang hào hứng với các CP đầu cơ, các mã vốn hóa nhỏ đang tăng rất thuận lợi.

TT dường như đang lặp lại quy luật thường thấy, là khi blue chip khó tăng thêm, dòng vốn “nóng” sẽ chuyển sang đầu cơ các mã nhỏ. Khả năng kéo giá ở các mã này là khá dễ và có thể gây được sự chú ý vì đa số NĐT cá nhân thích đầu cơ các mã nhỏ. Phiên này CP vốn hóa nhỏ và vừa tăng rất nhiều và rất mạnh. Các mã đầu cơ này ít được chú ý vì trước đó dòng tiền chủ yếu tập trung vào các mã blue chip. Nền tảng của nhịp tăng chung bao giờ cũng bắt đầu bằng blue chip, sau đó dòng tiền chốt lời dần, TT lình xình đi ngang thì mới đến lượt dòng tiền đầu cơ vào các mã nhỏ hơn. Tuy khả năng thanh khoản hạn chế của các mã nhỏ không thể giúp NĐT chơi lớn, nhưng bù lại là tốc độ tăng giá nhanh.

Điểm chung của các CP đầu cơ dạng này là giá tăng ban đầu sẽ rất lặng lẽ, không có thanh khoản hoặc thanh khoản rất nhỏ. Chỉ đến khi giá tăng cao cả chục phần trăm mới bắt đầu có thanh khoản lớn và được nhiều người đầu cơ theo. Phiên này nhiều mã bắt đầu bùng nổ thanh khoản và phong trào đầu cơ các mã nhỏ bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn. Trái ngược với sóng nổi lên ở nhóm CP đầu cơ, blue chip phiên này giao dịch rất lặng lẽ và nếu không có vai trò chi phối của một số mã lớn, VN Index thậm chí khó mà tăng được. Xét về nhóm ngành thì không có nhóm nào dẫn dắt. Các mã ngân hàng, dầu khí... chỉ tăng lẻ tẻ và khá yếu. VN Index đóng cửa phiên này ở mức 984,67 điểm và lại thêm một lần nữa không vượt được ngưỡng 985 điểm. Gần cuối phiên chỉ số này đã chạm tới 985 nhưng lại tụt xuống. Diễn biến này đã lặp lại sang phiên thứ 3. Đây có thể là mốc kháng cự mạnh trong ngắn hạn, nhưng điều này không có nhiều ảnh hưởng vì các nhà đầu cơ vẫn đang hoạt động mạnh ở những CP cụ thể.