Băn khoăn giải pháp chống nghẽn lệnh

Chuyện về các giải pháp giúp khắc phục hiện tượng nghẽn lệnh giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến từ các nhà đầu tư (NĐT) thị trường chứng khoán (TTCK). Đặc biệt, mới đây, lập luận của lãnh đạo HoSE là “nâng lô sẽ nâng tầm thanh khoản và bảo vệ NĐT nhỏ lẻ” được cho là rất khó thuyết phục.

Giải pháp khắc phục hiện tượng nghẽn lệnh giao dịch nhận được nhiều ý kiến từ các nhà đầu tư.
Giải pháp khắc phục hiện tượng nghẽn lệnh giao dịch nhận được nhiều ý kiến từ các nhà đầu tư.

Đầu tuần qua, khi trả lời phỏng vấn báo chí về các giải pháp giúp giải quyết nghẽn lệnh giao dịch tại sàn HoSE, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE đã lập luận: “Theo tính toán của HoSE, việc tăng lô lên 1.000 đơn vị cổ phiếu (CP) có thể giảm 40 - 50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 CP  có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản TT. Bên cạnh đó, các NĐT nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Từ đó, sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, để gia tăng lượng NĐT chuyên nghiệp trên TT theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa dài hạn đối với sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam!”.

Từ đầu năm 2021, khi HoSE tuyên bố nâng lô lên 100 CP, nhiều NĐT đã nghĩ nâng lô là một biện pháp kỹ thuật nhằm giảm tải hệ thống, qua đó có thể gia tăng giá trị khớp lệnh trên HoSE. Đây là vấn đề kỹ thuật, chứ không phải là biện pháp dài hạn nhằm nâng cao thanh khoản cho TT và nâng giá trị giao dịch, đồng thời cải thiện chất lượng NĐT, thông qua việc gia tăng hoạt động của các NĐT tổ chức, các quỹ đầu tư, sau khi những chủ thể này được NĐT nhỏ lẻ mua chứng chỉ quỹ. 

Tuy nhiên, nếu đúng như vậy, việc nâng lô đáng ra đã phải làm từ rất lâu rồi. Theo nhiều NĐT, nếu cứ nghẽn là đưa ra lý giải đơn giản rằng, hệ thống HoSE dù tốt nhưng quá cũ, không còn phù hợp tầm nhìn của lãnh đạo HoSE, thậm chí ở cấp cao hơn, còn dịch Covid-19 khiến việc mua và chạy hệ thống mới bị hoãn giãn, nên HoSE phải áp dụng các biện pháp “đặc thù”, thì sẽ dễ được thông cảm hơn.

Giới phân tích thì cho rằng, có hai yếu tố cũng cần được nhắc đến. Thứ nhất, việc nâng lô giao dịch CP tối thiểu lên 1.000 CP cho tất cả CP sàn HoSE liệu có khiến NĐT nhỏ lẻ “buông” những mã có thị giá lớn và rất nhiều trong số đó đang là CP vốn hóa lớn?

Thực tế, với thị giá nhiều CP hiện đang hơn 100.000 đồng/CP, việc nâng lô khiến cho việc đặt lệnh tối thiểu lên hơn 100 triệu đồng/lệnh. Nếu NĐT chỉ có hơn 100 triệu đồng tiền vốn mua một CP, trước đây họ đặt 10 lệnh, giờ đặt một lệnh cũng chả sao, nhưng nếu NĐT nhỏ lẻ đó muốn mua hai hay ba CP, thì dĩ nhiên họ sẽ phải “buông” những mã trên. Nguy hiểm hơn, không loại trừ khả năng họ sẽ chuyển qua mua CP “trà đá”, CP “rác”… với thị giá chỉ chừng 1.000 đồng đến 5.000 đồng/CP. Với thị giá này, một lô CP cũng chỉ chừng sáu triệu đồng và như thế NĐT nói trên có thể đa dạng hóa danh mục của mình, tuân thủ nguyên tắc không bỏ hết trứng vào một giỏ, khi mua hai hay ba mã, chỉ có điều, toàn loại CP “trà đá” và “rác”.

Thứ hai, liên quan đến quỹ đầu tư. Dù xuất hiện ở Việt Nam hơn chục năm nay, thậm chí nhiều quỹ quy mô hàng tỷ USD, nhưng phần lớn là quỹ đóng, hay quỹ mở thành viên. Việc huy động vốn từ NĐT nhỏ lẻ vẫn khá èo uột và mất thời gian, công sức, trong đó có một nguyên nhân lớn là hiệu quả đầu tư quỹ không hề lớn so đầu tư cá nhân. 

Minh chứng là trong năm 2020, dù nhiều quỹ đầu tư đã đạt tỷ lệ sinh lời trên danh mục cao hơn mức tăng của VN Index, nhưng cao lắm cũng chỉ vài chục %, trong khi nhiều NĐT cá nhân tuyên bố lãi gấp 2, gấp 3. Như vậy, dù nâng lô CP, nhưng nếu còn đầu tư được thì NĐT cá nhân chưa chắc sẽ chuyển qua “nhờ quỹ” phát lệnh giùm…

Không chỉ vậy, cũng chưa rõ NĐT sẽ được bảo vệ như thế nào nếu họ đầu tư gián tiếp thông qua quỹ? Phải chăng, họ sẽ không lo mua CP “trà đá”, “rác” nữa, vì các quỹ đâu có mua những mã này? Nhưng nếu như vậy, thì việc duy trì niêm yết những mã đó trên HoSE để làm gì? Liệu có công bằng hay không khi mà niêm yết thì cứ niêm yết, còn giao dịch thì… bị bó hẹp?

Việc giảm tải cho hệ thống giao dịch tại HoSE, cho đến nay ngoài nâng lô CP giao dịch tối thiểu, còn hai giải pháp là nâng bước giá và chuyển sàn tạm thời (qua HNX). Chuyển sàn, có lẽ là một giải pháp được thông cảm vào lúc này, nếu nhìn từ góc độ cả doanh nghiệp niêm yết, công ty CK lẫn NĐT. Thậm chí nếu chuyển sàn mà hệ thống của HNX và hệ thống các công ty CK không gặp trục trặc gì, thì HoSE cũng không nhất thiết phải nâng lô cho những CP ở lại sàn mình.

Tuy nhiên, HoSE không tiết lộ việc nghẽn lệnh là do NĐT tập trung đầu tư những loại CP gì? Đã từng có nghi ngờ, rằng nghẽn lệnh do liên quan đến nhóm VN30, vì nhóm này liên quan đến phái sinh và dùng robot chẻ nhỏ lệnh và tăng tần suất đẩy lệnh vào những thời điểm nhất định, nên có khả năng có liên can đến việc nghẽn lệnh, thì chả lẽ nhóm VN30 mới là nhóm nên chuyển sàn qua HNX?

Thực tế, nhiều mã thị giá cao nói trên nằm trong nhóm VN30. Với cam kết của HNX, rằng CP chuyển sàn sẽ giữ nguyên các điều kiện giao dịch như ở HoSE, thì việc chuyển sàn nhóm VN30 có khi chính là việc nên làm. NĐT nhỏ lẻ vẫn có thể mua các mã CP lớn và đa dạng danh mục đầu tư của mình với những mã này.

Vậy trên sàn HoSE sẽ còn lại loại CP nào?