Áp lực chốt lời gia tăng

Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 22-9 đã khiến VN Index về sát 902 điểm trước khi bật trở lại và giằng co nhẹ sau hơn một giờ giao dịch, trong khi các blue chip cũng chịu sức ép nhất định và phân hóa cao. Trong phiên chiều khi áp lực chốt lời gia tăng, lực đỡ từ nhóm blue chip thì không còn nhiều do phân hóa mạnh nên VN Index đã đảo chiều giảm điểm.

Nhiều nhà đầu tư đang có nhu cầu chốt lời. Ảnh: NG.ANH
Nhiều nhà đầu tư đang có nhu cầu chốt lời. Ảnh: NG.ANH

Bất chấp thị trường chứng khoán (TTCK) quốc tế đỏ rực trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 21-9, TTCK trong nước vẫn xuất hiện một phiên bùng nổ thành công, đưa VN Index lên 907,94 điểm. Trừ TTCK Nhật Bản và Philippines tăng không đáng kể, tất cả các TTCK châu Á khác đều rực đỏ. Thậm chí, TTCK tương lai của Mỹ còn đồng loạt giảm hơn 1%. 

Những tác động đó đã không cản được xu thế tăng của VN Index khi chỉ số này được một vài mã lớn đẩy lên kịch liệt. VIC và VNM là hai trụ cực mạnh trong khi phần lớn các mã lớn khác yếu. VIC đóng cửa tăng 2,13% trong khi VNM tăng 2,93%. Đặc biệt là VNM xác lập phiên tăng mạnh kỷ lục kể từ đầu tháng 6. Cổ phiếu (CP) này đã chính thức vượt mọi đỉnh cao kể từ đầu năm 2020 và đang tiến tới đỉnh cao cuối tháng 10-2019. VNM nhận được lực mua rất tốt từ khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài khi lượng mua vào chiếm hơn 36% tổng lượng giao dịch.

Mặc dù không có sự hợp sức của những mã lớn còn lại nhưng VN Index vẫn làm được điều mà nhiều NĐT chờ đợi: Tăng vượt đỉnh cao nhất hồi tháng 6 và tháng 9. Tuy nhiên, giao dịch lại khá thận trọng đối với CP khi sàn HoSE cứ mỗi mã giảm chỉ có 1,2 mã tăng dù mức tăng của VN Index tương đương với phiên cuối tuần trước. 

Giá trị khớp lệnh hai sàn phiên này đạt kỷ lục hơn 7.000 tỷ đồng là một con số rất ấn tượng. Khi VN Index được đẩy vọt qua đỉnh cũ khoảng 905 điểm, dường như NĐT đã chấp nhận mua vào mạnh mẽ hơn. Dòng tiền chạy vào nhóm blue chip một cách nổi bật khi rổ VN30 đạt giá trị khớp lệnh 2.990 tỷ đồng, cao nhất 11 phiên. VNM nổi lên là CP thu hút dòng tiền khi trở thành mã dẫn đầu TT về giá trị giao dịch, đạt 336,7 tỷ đồng. Phiên này là phiên thanh khoản cao nhất của VNM kể từ đáy ngày 27-7 vừa qua. HPG, STB, MWG và MBB cũng là những CP giao dịch rất nhiều, giá trị khớp đều vượt 200 tỷ đồng. NĐT nước ngoài cũng quay lại mua ròng là một tín hiệu mới. Sàn HoSE được mua ròng nhẹ khoảng 99 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 được mua ròng hơn 118 tỷ đồng. 

Với việc đóng cửa trên ngưỡng 905 điểm, VN Index chính thức có một phiên bùng nổ thành công. Điều này sẽ tạo tín hiệu mới cho TT có thể bước vào một sóng tăng mới. Thanh khoản phiên này cũng phát tín hiệu bổ sung cho thấy NĐT có chung quan điểm. Giao dịch của khối NĐT nước ngoài mua vào phiên này giảm đáng kể so phiên cuối tuần trước, nhưng thanh khoản lại tăng cao. Đó là do NĐT trong nước thay đổi suy nghĩ và tăng mua.

TT cũng tăng ngược dòng thế giới gây bất ngờ, nhưng dòng tiền có tính quyết định nhiều hơn. VIC và VNM tăng quá mạnh do được mua vào mạnh từ NĐT trong nước. Những CP tăng mạnh như MWG, VRE, SSI, HDB, TCB cũng có thanh khoản rất cao với tỷ trọng của NĐT trong nước áp đảo.

Bước vào phiên giao dịch sáng 22-9, áp lực bán ngay từ sớm đã khiến VN Index về sát 902 điểm trước khi bật trở lại và giằng co nhẹ sau hơn một giờ giao dịch, tuy vậy, giao dịch vẫn chỉ ở dưới tham chiếu khi số mã giảm đang lấn át trên bảng điện tử, trong khi các blue chip cũng chịu sức ép nhất định và phân hóa cao. Điểm sáng hiếm hoi tại STB, khi vẫn đang tăng tốt, nhích gần 5% với thanh khoản cao nhất HoSE và vượt trội phần còn lại sau hơn một giờ giao dịch với gần 18 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, tân binh TTA hạ nhiệt nhanh, khi mở cửa vọt lên mức giá trần, nhưng đã chỉ còn tăng nhẹ sau đó. TDG bị chốt lời và giảm mạnh, có thời điểm chạm mức giá sàn, sau khi liên tiếp năm phiên gần nhất tăng, trong đó có tới bốn phiên tăng kịch trần.

Sau khi gặp khó ngay khi mở cửa, lực nâng của một số blue chip đã kéo VN Index trở lại lên trên tham chiếu, tuy nhiên, dòng tiền không thật sự mạnh, trong khi áp lực bán luôn hiện hữu nên chỉ số chỉ có được sắc xanh nhạt. Các CP tăng giảm đều chỉ với biên độ hẹp dưới 1%, tuy vậy, điểm sáng lớn nhất là STB, khi vọt lên mức giá trần +6,8% lên 12.550 đồng, khớp lệnh cao nhất nhóm và dẫn đầu HoSE với hơn 35,88 triệu đơn vị, và còn dư mua giá trần hơn 2,3 triệu đơn vị.

Sức ép gia tăng tại vùng giá 910 điểm khiến VN Index bị đẩy trở lại và đóng cửa trong sắc đỏ sau hai phiên tăng điểm liên tiếp. Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền vào TT vẫn mạnh mẽ. Thực tế, cho dù vẫn tăng điểm tích cực, nhưng áp lực tại vùng giá cao 910 điểm đã đẩy lùi VN Index trong cuối phiên giao dịch ngày 21-9. Sức ép này tiếp tục xuất hiện ngay khi TTCK mở cửa phiên sáng 22-9. VN Index chỉ không giảm điểm nhờ sức cầu tốt được duy trì trên TT.

Tuy nhiên, “sự may mắn” này đã mất đi trong phiên chiều khi áp lực chốt lời gia tăng, nhất là tại nhóm CP vừa và nhỏ là nhóm đã tăng tốt những phiên gần đây, trong khi lực đỡ từ nhóm blue chip cũng không còn nhiều do phân hóa mạnh nên VN Index đã đảo chiều giảm điểm. Đóng cửa, với 150 mã tăng và 246 mã giảm, VN Index giảm 1,75 điểm, về mốc 908,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 401,41 triệu đơn vị, giá trị gần 6.745,9 tỷ đồng, giảm gần 1% về khối lượng và 13% về giá trị so phiên đầu tuần. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,65 triệu đơn vị, giá trị 594 tỷ đồng.