Áp lực chốt lời

Thị trường (TT) đã có phiên điều chỉnh rõ ràng trong ngày cuối tuần qua, ngày 15-5, sau nhiều phiên “đi ngang”. Tuy lượng cổ phiếu (CP) giảm giá nhiều nhưng VN Index may mắn có VHM và VIC đỡ điểm số khá tốt. Mức biến động của phiên này đã mạnh hơn so các phiên trước và CP không còn duy trì được độ phân hóa tốt nữa.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước mở tài khoản tại sàn giao dịch. Ảnh: NAM HẢI
Nhà đầu tư cá nhân trong nước mở tài khoản tại sàn giao dịch. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 14-5, phiên đi ngang thứ hai liên tiếp, tuy chỉ số không mất điểm nhiều, nhưng CP bắt đầu sụt giảm đáng kể. Các đợt “nhồi lên nhồi xuống” trong phiên đều gặp phải áp lực bán lớn kiềm chế. Phần lớn các nhóm CP quan trọng như: ngân hàng (NH), dầu khí, nhóm CP họ Vingroup đều yếu phiên này. Riêng các CP chứng khoán (CK) được chú ý hơn cả. Nhóm này tăng khá muộn và hiệu ứng của thanh khoản cao trên TT đang lôi kéo nhà đầu tư (NĐT) quay lại các mã CPCK. Kết quả kinh doanh tệ hại của nhóm CPCK trong quý I-2020 không còn khiến NĐT lo lắng nữa, vì cơ hội đầu tư trong tháng 4 vừa qua khá tốt.

Tổng giá trị giao dịch trên hai sàn kể từ đầu tháng 4 đến phiên này đạt bình quân 5.261 tỷ đồng/phiên. Đặc biệt trong chín phiên đầu tháng 5 này, giá trị giao dịch bình quân tới 6.193 tỷ đồng. Mức thanh khoản cao đồng nghĩa với lợi ích thuộc về các công ty có thị phần lớn. Nói chung khi dòng tiền xoay vòng giữa các nhóm ngành thì các CPCK trước sau cũng thu hút được chú ý vì triển vọng tăng giá của các nhóm khác đều đã đến giai đoạn chậm lại do đi quá nhanh. Ngoài các mã CPCK, CP tăng giá không rõ ràng theo nhóm ngành. Tổng thể sàn HoSE cứ 1 mã giảm chỉ có 0,78 mã tăng, xác lập phiên có số mã giảm chiếm áp đảo đầu tiên sau bảy phiên có số lượng CP tăng giá nhiều hơn giảm giá.

So phiên kề trước, ngày 13-5, tuy VN Index giảm cùng một mức độ nhưng phiên trước số CP tăng giá còn nhiều gấp rưỡi số giảm. Phiên này, CP giảm giá đã nhiều hơn và nhóm vốn hóa vừa và nhỏ hạ nhiệt nhanh. Nhóm blue chip cũng không còn giữ được độ phân hóa cân bằng, mà giảm giá áp đảo.

Nếu chỉ nhìn vào VN Index thì TT đang đi ngang sang phiên thứ 3 sau chuỗi phiên tăng liên tiếp hơn chục điểm mỗi ngày. Tuy nhiên, CP đang suy yếu dưới áp lực chốt lời. Phiên này thanh khoản đã không còn dồi dào như trước, hai sàn khớp lệnh giảm hơn 20%, chỉ đạt 4.957 tỷ đồng. Riêng giao dịch thỏa thuận lại đột biến hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó có 2.335 tỷ đồng thỏa thuận MSN. Tổng giao dịch nhờ đó vọt lên mức 8.018 tỷ đồng, kỷ lục kể từ đầu năm 2020. Hiện tượng thanh khoản giảm cùng với giá CP giảm rộng hơn trước thể hiện một chút đuối sức từ phía mua. Nhu cầu chốt lời không phải đến phiên này mới xuất hiện mà đã kéo sang phiên thứ 5 với quy mô khớp lệnh rất cao. Nếu NĐT đã bán ra hạn chế mua lại, thanh khoản có khả năng còn tiếp tục giảm xuống nữa.

TT đã có phiên cuối tuần điều chỉnh rất rõ sau nhiều ngày đi ngang. CP giảm giá nhiều nhưng VN Index may mắn có VHM và VIC đỡ điểm số khá tốt. Mức biến động của phiên này đã mạnh hơn so các phiên trước và CP không còn duy trì được độ phân hóa tốt nữa.

Tất cả các nhóm CP đều diễn biến xấu, rất ít CP tránh được áp lực từ TT chung. Sàn HoSE cứ 1 CP giảm giá chỉ còn 0,41 CP tăng giá. Đây là tương quan kém nhất trong ba tuần trở lại đây. CP giảm giá lên tới hàng trăm mã với rất nhiều mã giảm sâu. Thống kê cho thấy chỉ riêng HoSE đã có 100 CP giảm quá 2%, khoảng 50 mã khác giảm từ 1% đến 2%, trong khi VN Index chỉ giảm 0,65%. Nếu chỉ nhìn vào chỉ số, TT điều chỉnh không đáng ngại nhưng danh mục CP của NĐT có nguy cơ thua lỗ lớn hơn nhiều.

Mức giảm 5,37 điểm của VN Index thật sự chưa phản ánh được giao dịch của các CP thành phần. Với biên độ giảm lớn hơn nhiều so chỉ số, đáng lẽ VN Index phải mất nhiều điểm hơn nếu như không có ba trong năm mã vốn hóa lớn nhất TT tăng hoặc không đổi (VIC, VHM và VCB).

Giao dịch thanh khoản lớn nhiều phiên mà TT không tăng thêm được thường là dấu hiệu tiêu cực cho xu hướng. Gần đây, TT xuất hiện lượng tiền mới tham gia rất lớn, số tài khoản mở mới lên tới hơn 69.000 chỉ trong tháng 3 và tháng 4. Trong số này NĐT cá nhân trong nước mở mới gần 68.500 tài khoản.

Do có tiền mới nên TT tăng với thanh khoản rất cao trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 này. Tuy vậy, có đến ba trong năm phiên của tuần qua VN Index hầu như chỉ đi ngang rồi giảm. Rất có thể NĐT đã sử dụng tối đa sức mua. Mức giao dịch bình quân trong tuần qua là 5.296 tỷ đồng khớp lệnh mỗi ngày, mức cao kỷ lục của năm nay và vượt qua cả mức kỷ lục giữa tháng 4 vừa qua. Do giá CP đã tăng thêm một nhịp nữa kể từ đầu tháng 5 và nhiều CP về sát giá đầu năm, nên sức hấp dẫn đã giảm đi. Và thanh khoản lớn như vậy phải có NĐT khác, mức tăng giá nhiều trong gần hai tháng qua liệu có hợp lý?

Phải chờ tới hết quý II-2020 mới có thể dự đoán lợi nhuận. Với thực trạng kinh tế đang khó khăn được xác nhận từ điều hành của Chính phủ, kỳ vọng của NĐT trên TTCK cũng giảm xuống. Nếu lượng tiền mới của NĐT mới đã không thể kéo TT tăng thêm thì khả năng tốt nhất là CP phải ổn định được mặt bằng giá mới. Việc nhiều blue chip phiên này bị xả hàng và giá giảm hơn 2% thể hiện tâm lý thu tiền mặt về chờ đợi. Nếu như giá CP đã khó tăng thêm thì tốt nhất là giữ tiền mặt, vì nếu cơ hội tốt sẽ mua lại được giá thấp hơn, còn không thì chờ đợi giá điều chỉnh bình ổn trước khi tham gia sóng tăng mới.