Áp lực bán gia tăng

Do ảnh hưởng tâm lý từ việc giá dầu thô lao dốc, cộng hưởng áp lực chốt lời dâng cao tại nhiều nhóm cổ phiếu (CP) ngành đã khiến thị trường (TT) đã có phiên giao dịch đỏ lửa trong ngày 21-4, trả lại hết số điểm có được sau chuỗi sáu phiên tăng liên tiếp trước đó.

Sau phiên sáng 21-4 giảm sâu với áp lực bán diện rộng, VN Index giảm 28,13 điểm xuống 766,84 điểm.
Sau phiên sáng 21-4 giảm sâu với áp lực bán diện rộng, VN Index giảm 28,13 điểm xuống 766,84 điểm.

Ngày 20-4, TT vẫn chưa kết thúc được nhịp tăng kỷ lục hiện tại, dù đầu phiên VN Index đã “nhào” xuống dưới tham chiếu. Nhóm CP vốn hóa lớn vẫn quá mạnh giúp chỉ số giữ độ cao trọn phiên. Trong phiên này, nhóm CP bia đã gây sốc khi tăng chưa có điểm dừng, thậm chí càng ngày càng tăng khỏe. Hai mã lớn nhất ngành này niêm yết CP trên HoSE là SAB và BHN đều tăng cao, ảnh hưởng đáng kể tới chỉ số VN Index.

SAB tuy trong tám tháng vừa qua giảm rất mạnh nhưng vốn hóa vẫn lớn thứ 7 TT. Phiên này, SAB tăng kịch trần 6,95%, chính thức bước vào nhóm hiếm hoi blue chip phục hồi vượt 50% kể từ đáy. Tính chung trong 18 phiên gần nhất, SAB đã tăng 53,16% và riêng trong tháng 4 tăng 43,82%. Tương tự, BHN cũng đóng cửa ở giá kịch trần tăng 6,85% nhưng mức phục hồi từ đáy hiện mới đạt 40,9%. BHN cũng tạo đáy sau SAB và mới chỉ tăng tám phiên gần đây. Hầu hết các CP nhóm ngành này đều nhìn vào biến động giá của SAB. Mã WSB của Bia Sài Gòn - Miền Tây cũng tăng 3,69%, THB của Bia Thanh Hóa tăng 6,25%...

Động lực tăng giá của nhóm CP ngành này vẫn là điều khó hiểu đối với nhà đầu tư (NĐT) vì kể từ khi có Nghị định 100 đã ảnh hưởng mạnh đến thói quen uống bia, rượu của người dân khiến doanh số giảm mạnh. Hiện tại, việc giãn cách xã hội cũng khiến các hàng quán đóng cửa. Tuy nhiên, CP ngành bia lại đang có những phiên tăng mạnh mẽ khác thường, trong khi nhiều blue chip khác bắt đầu thoái trào. Diễn biến đi sau nhưng rất mạnh này khiến NĐT liên tưởng đến vai trò nâng đỡ chỉ số của SAB và BHN. So SAB, BHN vốn hóa khá nhỏ nhưng mức tăng giá 6,85% phiên này cũng có ảnh hưởng tốt, thậm chí còn mạnh hơn của POW tăng 3,98% dù vốn hóa của BHN chỉ bằng 61% POW.

Phiên này chứng kiến sự suy yếu của hai nhóm CP quan trọng là ngân hàng và Vingroup. VCB và VIC tăng không đáng kể, còn lại là giảm: TCB giảm 0,28%, STB giảm 1,85%, VPB giảm 2,1%, MBB giảm 2,06%, HDB giảm 0,7%, BID giảm 0,8%, CTG giảm 1,24%, VRE giảm 1,13%, VHM tham chiếu.

VN Index đóng cửa phiên này tăng 0,68% trong khi VN30 Index mất gần hết, chỉ tăng 0,18%. Điều này chứng thực tình trạng suy yếu của các trụ lớn. Ngay trong rổ VN30 cũng chỉ còn số ít mã tầm trung là tăng khá như HPG tăng 2,42%, MWG tăng 2,8%, POW tăng 3,98%, SBT tăng 3,03%.

Nhóm CP vừa và nhỏ ngoài VN30 vẫn là tâm điểm của sự sôi động khi dòng tiền đang dồn vào đây. HoSE có 39 mã kịch trần và khoảng 100 mã tăng hơn 3% thì tập trung nhiều vào hai nhóm này. Chỉ số VNMidcap đóng cửa tăng tới 0,97%, vượt xa tất cả các chỉ số vốn hóa khác.

Cũng có hiện tượng “soán ngôi” về thanh khoản. DBC phiên này lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử khi giao dịch 7,05 triệu CP trị giá 199,3 tỷ đồng, lớn nhất TT. Những CP ít tên tuổi như PVD, HVN cũng lọt vào nhóm giao dịch hơn 100 tỷ đồng giá trị phiên này. Những mã khác như DXG, DPM, PVT, ITA... thậm chí còn thanh khoản cao hơn cả các blue chip như: BID, SSI, VJC... Điều duy nhất không thay đổi phiên này là quan điểm rút vốn của khối NĐT nước ngoài. Blue chip VN30 tiếp tục bị bán ròng khoảng 181 tỷ đồng, còn toàn sàn HoSE bị bán ròng gần 342 tỷ đồng. Nhóm VIC, MSN, VNM, BID, CTG, POW, STB bị bán ròng cực mạnh.

Ảnh hưởng từ giá dầu thô giảm xuống mức kỷ lục, cùng áp lực chốt lời gia tăng trên diện rộng sau sáu phiên tăng liên tiếp của VN Index, phiên sáng 21-4, TT đã giảm khá mạnh ngay từ khi mở cửa. Vào đầu phiên giao dịch, nhóm CP dầu khí đã bị tác động mạnh, khiến hàng loạt mã trong nhóm bị xả không tiếc tay và giảm không phanh, từ cặp đôi lớn GAS, PLX đến nhóm CP quen thuộc như PVD, PVT, PVS, BSR, OIL. Trong đó, PVD, và PVT có thời điểm đã chạm mức giá sàn với khối lượng khớp lệnh tăng vọt. Ảnh hưởng tiêu cực chung đã khiến sắc đỏ lấn át trên bảng điện tử, với hơn 250 mã giảm trên HoSE, trong đó rổ VN30 có 28 mã giao dịch dưới tham chiếu sau hơn một giờ giao dịch. Trong khi đó, VN Index giật cục, khi rớt xuống gần 780 điểm ngay khi mở cửa, sau đó nảy trở lại 790 điểm chủ yếu nhờ CP lớn SAB làm trụ đỡ khi chạm mức giá trần, trước khi thêm một lần mất đà và quay trở lại gần ngưỡng 780 điểm.

Áp lực bán tại dòng chưa dứt thì đến lượt các blue chip nới rộng đà giảm, VN Index càng giao dịch càng đi xuống các mức giá thấp hơn và kết phiên đánh mất hơn 26 điểm.

Sau phiên sáng giảm sâu với áp lực bán diện rộng, TT bước vào phiên chiều 21-4 mà không có thông tin hỗ trợ nào, VN Index mất thêm 7 điểm, trước khi nảy trở lại vùng hơn 765 điểm và đi ngang cho đến khi đóng cửa. Mặc dù vậy, số mã giảm và giảm hết hết biên độ lại gia tăng mạnh trên bảng điện tử. Rổ blue chip VN30 trong phiên sáng còn ghi nhận SAB tăng điểm níu kéo cho TT, thậm chí còn có thời điểm tăng kịch trần, thì sang đến phiên chiều cũng đã chịu áp lực lớn và đảo chiều, đóng cửa -3,9% xuống 170.000 đồng. Trong nhóm có tới sáu mã đã giảm hết biên độ xuống mức giá sàn là: ROS, VPB, SBT, VRE, CTD và PLX.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21-4, sàn HoSE có 56 mã tăng và 312 mã giảm, VN Index giảm 28,13 điểm (-3,54%), xuống 766,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 397,4 triệu đơn vị, giá trị 6.123,7 tỷ đồng, tăng 18% cả về khối lượng và giá trị so phiên đầu tuần.