Trường hợp điển hình

Trong câu chuyện phục hồi của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung, cổ phiếu (CP) hàng không (HK) sẽ là trường hợp điển hình (case study) để các nhà đầu tư (NĐT) quan tâm tìm kiếm cơ hội.

Phục hồi mạnh

Hiện nay, mức giá của hầu hết CP ngành HK đều đã tương đương mức giá đầu tháng 3-2020, nghĩa là mức giá khi các hoạt động chưa bị thu hẹp bởi các biện pháp giãn cách xã hội. Điển hình, đầu tháng 3-2020, HVN có giá khoảng 25.000 - 26.000 đồng/CP, sau đó đã điều chỉnh xuống khoảng 19.000 đồng/CP nhưng những ngày gần đây thậm chí đã lên đến gần 27.000 đồng/CP, nghĩa là tỷ suất phục hồi lên đến gần 50%; từ mức giá hơn 120.000 đồng/CP, VJC giảm xuống dưới 100.000 đồng/CP nhưng vào cuối tháng 4 cũng đã lên mốc 115.000 đồng/CP; ACV cũng từ 60.000 đồng/CP giảm xuống 40.000 đồng/CP rồi về lại 60.000 đồng/CP.

Điều dễ thấy là CPHK đã phục hồi theo hình chữ V, nghĩa là vào loại phục hồi mạnh nhất sau đợt sụt giảm ngắn hạn và kịch bản này cũng đã được dự báo. Trước mắt, đà phục hồi ngắn hạn này sẽ giúp NĐT có cơ sở hơn trong việc giải ngân vào CPHK trong cả ngắn lẫn dài hạn. Về ngắn hạn, nhu cầu đi tại gia tăng cũng như thông tin các hãng HK tăng chuyến trở lại được xem là lực đẩy quan trọng, đặc biệt sau dịp nghỉ lễ và kinh tế - xã hội khởi động trở lại sau mùa dịch. Nhưng cũng cần tỉnh táo để biết rằng, sự phục hồi của CPHK vừa có yếu tố thực tế lẫn kỳ vọng, thời gian qua được xem là kỳ vọng, nhưng sẽ còn phụ thuộc nhiều vào thực tế.

Đi tìm câu chuyện

Vượt khó, giải quyết bài toán chi phí và thúc đẩy doanh thu nội địa, có thể là những câu chuyện quan trọng của ngành HK và của từng công ty trong ngành trong thời gian tới. Sau giai đoạn tăng đồng đều sẽ là phân hóa, đó là điều không thể tránh khỏi. Sự phân hóa cũng đã bắt đầu được nhìn thấy ngay trong đợt phục hồi vừa rồi của CPHK khi mà tỷ suất phục hồi của HVN cao hơn VJC. Có nhiều lý do ở đây, nhưng thử liệt kê một lý do mang tính “thị trường”, đó chính là thị giá của HVN hiện chỉ ở mức tính bằng chục nghìn đồng, xem như “rẻ” hơn thị giá của VJC tính bằng hàng trăm nghìn đồng.

Có hai vấn đề cần làm rõ ở đây: Thứ nhất, câu chuyện vượt khó của các hãng HK phải khả thi, nghĩa là phải cho NĐT thấy được tương lai cả gần và xa. Chẳng hạn, không chỉ phục hồi ở thị trường trong nước, mà cần có những giải pháp cho thị trường quốc tế khi có thể. Thậm chí, trong trường hợp vẫn chỉ hoạt động chủ lực ở trong nước thì kế hoạch vận hành sẽ khác trước thế nào, đặc biệt là việc bảo đảm an toàn liên quan vấn đề sức khỏe. Thứ hai, là cách thức kể chuyện, tương tác với NĐT. Ngành HK vốn là ngành nhận được sự quan tâm rất lớn từ công chúng nên nếu làm truyền thông tốt, có thể gia tăng thương hiệu rất mạnh, tuy nhiên những câu chuyện tiêu cực sẽ khiến doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép, vừa mất khách, vừa ảnh hưởng trong mắt NĐT.

Xét về yếu tố này, chuyện đâu còn có đó, không phải đơn vị nào trong ngành HK cũng làm truyền thông tốt nên thời gian sắp tới cũng sẽ có nhiều thách thức cho công tác này để giữ chân NĐT, khách hàng và cả hình ảnh của mình, qua đó tác động quan trọng đến giá CP ở hiện tại và tương lai.