Thua lỗ là... chi phí

Một thống kê gần đây đã chỉ ra rằng, đã có vài quỹ đến từ Thái-lan như: Principal Vietnam Equity Fund (PVEF), Asset Plus Vietnam Growth Fund (APVGF) thua lỗ khi tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vào giai đoạn đỉnh điểm.

Mua là bắt buộc

Theo số liệu được công bố hơn một tháng trước, giá trị tài sản ròng (NAV) của PVEF giảm 5,52% so cuối năm 2018, còn nếu so thời điểm thành lập vào giữa tháng 10-2017 thì NAV của quỹ này giảm đến 9,7%. Trong khi đó, NAV của APVGF tính đến giữa năm 2019 đã giảm khoảng 16,5% so thời điểm thành lập đầu năm 2018. Thua lỗ thường được nhìn nhận theo những khía cạnh tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng về tổng thể dài hạn thì chưa hẳn, nhất là với đặc tính giải ngân của các quỹ mới vào TTCK nói chung.

Trước tiên cần phải khẳng định, TTCK Việt Nam giai đoạn nửa cuối năm 2017 và quý I-2018 đã thu hút dòng tiền của rất nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới đổ về chứ không riêng gì Thái-lan. Các hội thảo quốc tế về TTCK Việt Nam dành cho nhà đầu tư (NĐT) tổ chức nước ngoài luôn ở trạng thái quá tải khách tham dự. Và nguyên tắc đầu tư của quỹ là TTCK nào tăng mạnh thì dù muốn hay không vẫn phải giải ngân mà cũng nên biết rằng năm 2017, điểm số của VN Index tăng hơn 50%. Các NĐT cá nhân tại Việt Nam cũng không lạ lùng gì chuyện cứ có cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn nào đó tăng giá một đoạn 10 - 15% thì sau đó lại có thêm các quỹ nước ngoài nhảy vào mua. Việc này rất dễ dẫn đến khả năng mua phải giá đỉnh. Nhưng các quỹ bắt buộc phải vậy vì khi CP vốn hóa lớn tăng giá sẽ có tính dẫn dắt TT, tác động đến diễn biến của chỉ số CK, nên họ phải “thủ sẵn” trong tay.

Chỉ mới bắt đầu

Tỷ lệ tăng trưởng âm (-) của các quỹ Thái-lan nếu so các quỹ cùng tham gia TTCK Việt Nam hiện tại hay trong lịch sử không có gì là “thảm họa”. Cần biết rằng giai đoạn 2008, rồi 2010 - 2012 cũng có nhiều quỹ nước ngoài thua lỗ khiến NĐT bức xúc, hay năm rồi cũng có một quỹ sau thời gian thắng lớn cũng lỗ đến vài chục %. Về lý thuyết mà nói, chỉ cần các quỹ này “nhịn” đến giữa năm 2018 hay đầu 2019 tham gia thì rất tốt, nhưng thực tế là không thể. Bởi lẽ khi TT giảm mạnh, chỉ những quỹ đã hiện diện sẵn, cực kỳ am hiểu TT mới đủ mạnh dạn bắt đáy.

Lịch sử ngành quản lý quỹ cũng hiếm có trường hợp nào quỹ thành lập để bắt đáy TT, mà phần lớn là ở giai đoạn TT thuận lợi hoặc gần đỉnh. Nên thẳng thắn mà nói, nếu các quỹ Thái-lan, hay quỹ của một quốc gia nào khác đã “mua đỉnh” của TTCK Việt Nam thì đây cũng có thể xem là chi phí, thậm chí là “học phí” để lấy kinh nghiệm, tích lũy sự am hiểu cho cơ hội của những lần tiếp theo. Một chi tiết nữa cũng cần lưu ý là nhìn vào NAV của PVEF khoảng 74 triệu USD hay APVGF khoảng 85 triệu USD cũng sẽ thấy quy mô “chục triệu USD” là rất lý tưởng và linh hoạt. Với quy mô này, các quỹ Thái-lan có thể linh hoạt chuyển đổi danh mục, nhưng cũng đủ lớn để tạo ra những khoản lãi khả quan khi có cơ hội. Vì vậy, việc có thể “san hòa” các khoản lỗ trong một vài năm tới, và tạo ra thêm lợi nhuận của các quỹ Thái-lan cũng rất khả quan.

Chẳng phải cách đây bảy - tám năm, một số quỹ nước ngoài với quy mô vốn chỉ trên dưới chục triệu USD vào Việt Nam cũng đã gặp khó khăn ban đầu, nhưng sau đó lãi rất lớn hay sao?