Thu lãi trên lưng cổ đông?

Mới đây, Chủ tịch HĐQT của Thế giới Di động (MWG) Nguyễn Đức Tài đã có phát biểu đáng chú ý, đại ý rằng: “ông chủ kinh doanh cổ phiếu (CP) của mình thì có vẻ… không đạo đức!”. Phát biểu này lý giải cho việc ông Tài chỉ mua 200.000 CP mã MWG trên tổng số 500.000 CP đã đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 27-3 đến ngày 25-4.

Điều đáng chú ý là trong khoảng thời gian mà người sáng lập MWG đăng ký mua thì CP này đã tăng giá từ dưới 60.000 đồng/CP lên hơn 80.000 đồng/CP. Giả định nếu mua 500.000 CP từ giá đáy và giữ đến nay thì mức lãi (tạm tính) đã hơn 10 tỷ đồng, còn nếu chỉ mua 200.000 CP thì lãi chỉ gần 5 tỷ đồng.

Nếu nhìn ở góc độ này thì ông Tài mua ít đồng nghĩa với việc giảm lãi. Một người đã làm trong ngành quản lý quỹ 15 năm nhận định, ông Tài thường có những phát biểu làm “nức lòng” cổ đông (CĐ). Trong tình huống này, việc giá CP hồi phục mạnh cộng với một tuyên bố của Chủ tịch MWG đã khiến những ai quan tâm đến MWG cảm thấy như niềm tin mình được gửi gắm một cách đúng đắn.

Nhưng thực chất, suy nghĩ và phát biểu của ông Tài không hề mới vì cố Chủ tịch HĐQT Đầu tư Thương mại SMC Nguyễn Ngọc Anh đã từng nói vào năm 2011 rằng “mua CP quỹ lúc này là thu lãi trên lưng CĐ”.

Ông Nguyễn Ngọc Anh đã từng lý giải rằng, vào năm 2010, SMC phát hành CP để CĐ mua vào với giá 23.000 đồng/CP rồi đến năm 2011 lại đi mua vào theo thị giá sau đó chỉ khoảng 9.000 - 10.000 đồng/CP thì khác nào bán giá cao rồi lại gom vào giá thấp, đây là điều không nên làm. Dù vậy, phát biểu của ông Nguyễn Ngọc Anh lúc đó lại gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau, ngoài việc nhận được sự ủng hộ của các CĐ, cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là cách “chống chế” của người đứng đầu SMC. Quan điểm của một số người vào thời điểm đó là cần phải có biện pháp “cứu” giá CP ngay trong ngắn hạn của những người đứng đầu doanh nghiệp (DN) mới là “tốt”.

Nhưng đến thời điểm này, có thể nói rằng, phát biểu của hai người đứng đầu DN, vốn được đánh giá rất cao về khả năng quan hệ CĐ (IR), lại tương đồng với nhau thì cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn. Việc DN mua CP quỹ, hay chính lãnh đạo DN đứng ra gom mua CP không nên chỉ nhìn ở góc độ ngắn hạn, mà phải tính đến dài hạn. Bởi lẽ CĐ có khi chỉ thấy lãi ngắn hạn mà quên mất những thiệt hại về mặt dài hạn. DN phát hành cho CĐ giá cao, sau lại đi gom mua giá thấp hơn, thì sau này liệu có thể phát hành giá cao nữa hay không?

Và nếu không thể phát hành được CP với giá kỳ vọng, DN sẽ không huy động được vốn đồng nghĩa với khả năng tăng trưởng, mở rộng sản xuất, kinh doanh sẽ bị gián đoạn. Trong khi lãnh đạo DN cũng đi bắt đáy cùng lúc với CĐ nhỏ lẻ thì xem như đây là một cuộc chơi không công bằng vì đương nhiên người trong nội bộ DN sẽ có nhiều lợi thế thông tin hơn.

Ở đây cũng nên nhìn nhận việc một số lãnh đạo DN thường có thói quen “lướt sóng” CP với CĐ khi đăng ký mua bán liên tục hàng chục triệu CP thì kết cục sau một khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm thường không tích cực cho lắm.

Bởi nói như một người đã từng ngồi ghế Tổng giám đốc một DN lớn trên sàn thì lãnh đạo chỉ chăm chăm đến giá CP thì còn thời gian đâu mà làm những việc khác?