Thái quá là...không tốt!

Việc doanh nghiệp (DN) niêm yết đầu tư cho hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) nhìn chung khá tích cực, nhưng nếu bị đẩy lên một cách thái quá lại có những hiệu ứng phụ ít ai ngờ.  

Sức ép “câu chuyện hay”

Mới đây, một số chuyên gia phân tích đã bị một phen chưng hửng khi một DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu công bố thông tin (CBTT) về hoạt động kinh doanh không được như kỳ vọng. Nguyên nhân dẫn đến kỳ vọng cao là vì các chuyên gia này thường xuyên trao đổi với bộ phận IR và được “bắn tiếng” về những kết quả kinh doanh tích cực của quý III - 2020. 

Lý giải về vấn đề này, một chuyên gia kỳ cựu cho biết, dường như bộ phận IR đã không thu thập thông tin đầy đủ từ ban lãnh đạo DN nên đã trao đổi thiếu sót với các công ty chứng khoán (CTCK), quỹ đầu tư… khiến nhiều người có cảm giác bị “thuốc” hoặc bị “hứa hão”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chính các chuyên gia này vì quá “hay hỏi” nên cũng gián tiếp “ép” phía IR nói riêng hay DN nói chung phải tìm những cách nói sao cho tích cực hoặc có chuyện để làm hài lòng đối tác. 

Sức ép cụ thể dành cho DN là phải luôn có “câu chuyện”, mà câu chuyện thì phải hay, nếu hết hay thì phải có chuyện mới. Nhưng cũng nên biết rằng, với các DN, đâu phải lúc nào muốn “có chuyện” cũng được, chẳng hạn: Nếu DN đầu tư cho một dự án (DA) mới, thì sẽ có nhiều chuyện để kể, như kỳ huy động vốn từ đâu, thời gian đầu tư bao lâu, kinh phí thế nào, rồi khi DA đi vào hoạt động sẽ đem lại nguồn thu bao nhiêu… Nhưng nếu trong bối cảnh một DN hoạt động bình thường, chỉ có sản xuất, tiêu thụ, quản trị… thì có khi hiệu quả rất cao nhưng “lòng tham” về một câu chuyện hay hơn lại “ép” DN phải tìm cho được những yếu tố này nhằm “kể” cho thật hay. 

Thế nào là đủ?

Thành thật mà nói, các DN làm IR tốt thường rơi vào trạng thái quá tải khi số khách phải tiếp là không xuể, từ CTCK, quỹ đầu tư, lớn nhỏ đều phải tiếp thì số lượng có thể tính bằng hàng trăm lượt mỗi tháng mà nếu không có giải pháp phù hợp thì DN sẽ bị quá tải, trong khi nhu cầu về thông tin của các đơn vị đến gặp cũng không được đáp ứng một cách thỏa đáng. Có một thực tế là nếu ai đã từng đi dự các buổi gặp gỡ chuyên gia đầu tư sẽ thấy không phải tổ chức đầu tư nào cũng chuyên nghiệp trong việc thu thập thông tin hay có nền tảng kiến thức vững chắc. 

Đơn cử như việc một chuyên gia phân tích trong chuyến đi thực tế trang trại của DN có cho biết mình “yêu thích ngành cao-su” nhưng đến khi đứng bên cạnh cây cao-su lại hỏi đồng nghiệp đây là cây gì. Hay chuyện một quỹ đã từng hỏi một DN bán lẻ đã đánh bại rất nhiều đối thủ nước ngoài rằng có e ngại mình bị “nước ngoài đầu tư và cạnh tranh không?”.

Thực tế này chỉ ra rằng, các DN cần phải chủ động, có những giải pháp phù hợp, mà ở đây cần có những thông tin “khung” dạng cứng như trường hợp của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) thường chuẩn bị sẵn một hệ sinh thái thông tin trong báo cáo thường niên và các bản thông báo định kỳ. Hoặc như trường hợp Thế giới di động (MWG) ấn định thời gian tổ chức gặp gỡ chuyên gia phân tích để giải đáp các vấn đề liên quan. Điều này tránh cho DN quá tải trong việc phải “chạy theo nhu cầu thông tin” hay xây dựng những “câu chuyện” đôi khi mang tính gượng ép.