Tầm cao mới

10 năm trước tại đại hội nhà đầu tư (NĐT) của một số quỹ “đóng”, không ít người đã chất vấn gay gắt về hiệu quả hoạt động cũng như năng lực của người điều hành. Đó cũng là thời điểm bắt đầu cho một cuộc tái cấu trúc diễn ra âm thầm nhưng rất mạnh mẽ, triệt để. 

Tuần rồi có hai trong số những thông tin của ngành quỹ đáng chú ý, đầu tiên là việc Quỹ “mở” đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF) ghi dấu 5 năm hoạt động với tỷ lệ tăng trưởng lên đến 60%, kế tiếp là việc Dragon Capital Vietfund Management (VFM) công bố lập quỹ hưu trí tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Khi quỹ đóng bộc lộ những điểm yếu chí tử trong hoạt động như tính minh bạch, khả năng thu hồi vốn hay hiệu quả hoạt động, lập tức mô hình quỹ “mở” được thay thế với tính linh hoạt được tối ưu cho NĐT có thể góp vốn/rút vốn rất nhanh chóng. Và khi quỹ “mở” thể hiện được tác dụng của mình thì lập tức những mô hình hoạt động mới như quỹ hưu trí cũng xuất hiện để đa dạng hóa sự lựa chọn cho các NĐT.

Chuyện quỹ lãi lớn những năm qua là bình thường, nhất là khi thị trường (TT) chứng khoán diễn biến thuận lợi và tỷ lệ sinh lãi 60% trong 5 năm của BVBF cũng không phải là cao nhất nhưng lại minh chứng cho nỗ lực vượt qua những điều tưởng chừng bất khả kháng của ban lãnh đạo BVBF nói riêng và cả ngành quản lý quỹ nói chung. 

Dù được khai sinh bởi Baoviet Fund, với đội ngũ lãnh đạo có nghề trong hoạt động đầu tư trái phiếu, nhưng khi đó BVBF vẫn chịu những sự ngờ vực chung dành cho một loạt các quỹ “mở” cũng ra đời cùng thời điểm đó là ai sẽ bỏ tiền vào quỹ khi đã quá thất vọng với mô hình quỹ đóng trước đây, rồi trái phiếu là kênh đầu tư an toàn nhưng cũng vì an toàn mà suất sinh lời sẽ gặp rất nhiều thách thức. Nhưng tỷ lệ sinh lãi 60% trong 5 năm, tức là ước trung bình lãi 12%/năm là con số “khủng”, bởi lẽ đã vượt xa lãi suất gửi tiết kiệm, hay suất sinh lãi kỳ vọng của nhiều người. 

Dù là một quỹ trái phiếu, nhưng suất sinh lãi của BVBF cũng ấn tượng không kém các quỹ cổ phiếu. Và thực tế cho thấy, suất sinh lãi, hiệu quả hoạt động và uy tín của những nhà quản lý quỹ đã hút được đông đảo các NĐT, khi từ khoảng 50 tỷ đồng ban đầu, BVBF đã liên tục hút vốn và tăng lên đến 272 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tính bằng “lần”. Đến thời điểm này, có thể chắc chắn rằng, bây giờ quỹ đầu tư trong nước không còn lo việc “thiếu tiền”, giải quyết khâu khó nhất khi lập quỹ là huy động vốn giờ đã trở nên đơn giản hơn nhiều. 

Sắp tới đây, con đường của các quỹ trong nước sẽ còn thuận lợi hơn nữa nhờ vào sự phân hóa. Cần nhắc lại rằng, vào thời điểm xuất hiện các quỹ “mở”, trên TT có không ít các “tay chơi” chứ không riêng gì Baoviet Fund hay VFM, nhưng tính đến thời điểm này đã có những đơn vị thất thế, chẳng hạn như VinaWealth, vận hành kém hiệu quả, minh bạch sau đó đã phải đổi tên. TT cũng đã sàng lọc ra những cái tên hiệu quả nhất để tiếp tục tạo ra giá trị hiệu quả và tập trung.

Như vậy, các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) trong nước sẽ không phải lo cạnh tranh về mặt “lượng” nữa, mà hiện nay sẽ chỉ “đấu” với nhau, hay nói đúng hơn là vượt lên chính bản thân mình về mặt hiệu quả. Số lượng các quỹ đầu tư chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới, nhưng cũng sẽ bắt nguồn từ những CTQLQ hiện hành chứ không còn trăm hoa đua nở như thời kỳ trước.