Sống được nhờ... “có nghề”!

Năm 2020 với những diễn biến tiêu cực, khó lường của dịch Covid-19 có thể gây ra những biến động lớn, thậm chí có thể làm đảo lộn nền kinh tế nói chung hay thị trường (TT) tài chính, chứng khoán (CK) nói riêng. Song các giá trị nền tảng, cốt lõi vẫn luôn có tính bất biến tại thời điểm này. 

Không “có nghề” là hụt hơi

Gần đây, trên một tờ tạp chí kinh tế thiên về học thuật đã đặt lại câu hỏi về phương pháp đầu tư giá trị liệu có còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay với lập luận rằng, nếu thiên về những doanh nghiệp (DN) đầu ngành, hoạt động ổn định thì đồng thời đã bỏ lỡ những DN tăng trưởng mạnh trong các lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử (TMĐT) hay gần đây là các DN dược phẩm. Thực tế cho thấy, chưa có một phương pháp nào có độ hợp lý tuyệt đối bởi lẽ việc đầu tư vào công nghệ cũng tiềm ẩn những rủi ro mà “bong bóng dotcom” diễn ra cách đây đúng 20 năm là một minh chứng điển hình. 

Chính vì vậy, người chịu trách nhiệm đầu tư tại một quỹ đầu tư nước ngoài có tên tuổi cho rằng, vấn đề quan trọng để trụ được, sống sót được trong bối cảnh hiện nay là phải “có nghề”. 

Một thống kê mới đây chỉ ra rằng, dù ngành TMĐT đang phát triển mạnh, nhưng không phải tất cả DN trong ngành đều thuận lợi, chẳng hạn như Sendo, vốn được hậu thuẫn bởi một tập đoàn công nghệ mạnh là FPT, đã có dấu hiệu hụt hơi trong cuộc đua với các đối thủ khác như: Shopee, Tiki… 

Và một trường hợp khác là Thế giới di động, được xem là nhà bán lẻ hàng đầu, đã từng mở ra sàn Vuivui.com nhưng cũng không thể cạnh tranh lại với các đối thủ khác và phải đóng cửa. Có nhiều lý do để lý giải cho các trường hợp trên nhưng chung quy lại cũng chỉ là thất bại do không “có nghề”. 

Phân hóa đến khắc nghiệt

Một thập kỷ trước, bất động sản (BĐS) là một nhóm cổ phiếu (CP) đông đảo, mạnh mẽ trên sàn, có thể “đối trọng” phần nào với các nhóm khác như ngân hàng, CK… Nhưng theo thời gian, yếu tố “nhóm” của CP BĐS biến mất dần và giờ nói tới nhóm CP trên sàn có lẽ chỉ còn nhóm ngân hàng, hoặc lâu lâu là CK, dù xét về số lượng thì CP BĐS vào loại đông đảo bậc nhất trên sàn hiện nay. Nguyên nhân cũng rất đơn giản, thời mà “nhà nhà” làm BĐS đã qua từ rất lâu, mà chỉ có những tên tuổi lớn thật sự trong ngành mới phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhà đầu tư, khách hàng. 

Nhóm CP CK giờ cũng chỉ xoay quanh những cái tên như: SSI, HCM, VND... là có thanh khoản nổi trội và điều này hoàn toàn tương ứng vị thế và thị phần nổi bật của nhóm này trong ngành CK. Chính trong lĩnh vực quản lý quỹ, mà cụ thể là quản lý quỹ nội địa hiện nay, số lượng công ty quản lý quỹ vẫn gia tăng theo thời gian, nhưng những cái tên như: Baoviet Fund, VFM, Eastspring, VinaCapital… vẫn cho thấy hiệu quả đầu tư bền bỉ của mình chứ không chỉ trong ngắn hạn. Minh chứng là một thống kê về các quỹ nội được công bố gần đây cho thấy các quỹ thuộc nhóm này hoạt động rất khả quan. 

Và nói đến đây cũng cần đi đến yếu tố cốt lõi của đầu tư, đó chính là lợi nhuận và cách thức để bảo vệ lợi nhuận, hay chính là việc cân đối lợi nhuận và rủi ro. Đơn vị nào làm việc này tốt nhất cũng chính là “có nghề” nhất.