Sẽ có nhiều chuyển biến mới

Sau hơn ba năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng do còn hạn chế về sản phẩm nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư (NĐT). Song, theo đại diện HNX, TT hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển biến trong thời gian tới. 

Số liệu công bố của HNX cho thấy, trong năm 2020, TTCK phái sinh ghi nhận một số kỷ lục khi khối lượng giao dịch đạt mức 356.033 hợp đồng vào ngày 29-7-2020 và khối lượng hợp đồng mở (OI) lên tới 52.767 hợp đồng vào ngày 10-11-2020.

Hợp đồng tương lai VN30 có khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 163.000 hợp đồng/phiên, tăng 84,27% so bình quân năm 2019. Khối lượng OI của toàn TT tại thời điểm ngày 15-11 đạt 49.440 hợp đồng, gấp ba lần so thời điểm cuối năm 2019. Mặc dù khối lượng tài khoản và giao dịch liên tục tăng trưởng trên TTCK phái sinh nhưng đây vẫn là những con số nhỏ nhoi trên TTCK nói chung, với hơn 2,7 triệu tài khoản và hàng chục triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên.

Việc cho ra mắt sản phẩm mới được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều NĐT quan tâm đến TTCK phái sinh. Tính đến thời điểm hiện tại, TTCK phái sinh Việt Nam mới có hai sản phẩm được đưa vào giao dịch, xây dựng dựa trên các tài sản cơ sở gồm: hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm. Trong đó, hợp đồng tương lai TPCP dành riêng cho các NĐT tổ chức nhưng thanh khoản ở mức thấp.

Theo một NĐT “bám sàn” phái sinh, từ những ngày đầu, TT cần đa dạng các sản phẩm thay vì chỉ có hai sản phẩm như hiện nay thì mới có thể thu hút được nhiều NĐT, tăng thanh khoản.

Đáp ứng mong mỏi của các NĐT, mới đây, Ủy ban CK Nhà nước đã chấp thuận mẫu hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm cho TTCK phái sinh và sẽ được chính thức đưa vào giao dịch trong quý I - 2021. Cũng theo HNX, tính đến ngày 15-11, quy mô niêm yết của TT TPCP đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 13% so cuối năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân đạt 9.780 tỷ đồng/phiên, tăng 8,3% so năm 2019, trong đó giao dịch repos (thỏa thuận mua lại) chiếm 35,4% tổng giá trị giao dịch toàn TT. Việc tiếp tục triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm, sau hơn hai năm ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm, được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phòng vệ rủi ro của NĐT cũng như sự phát triển TT TPCP.

Tuy nhiên, để tăng tỷ trọng NĐT tổ chức, TTCK cần cải thiện cơ chế vận hành nhằm có những điểm tương đồng với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho các NĐT nước ngoài khi tiếp cận và giao dịch. Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định về CK phái sinh và TTCK phái sinh, bổ sung thêm nhiều quy định mới tạo điều kiện hoàn thiện khung pháp lý và tăng tính thanh khoản cho TT phái sinh. 

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban CK Nhà nước cho biết, Ủy ban đã có kế hoạch và tập trung vào hai điểm: thứ nhất là sẽ đưa thêm một hoặc một số chỉ số nữa vào giao dịch trên hợp đồng phái sinh, đây là mục tiêu ưu tiên vì giao dịch sẽ cân bằng hơn; thứ hai, xem xét lại tất cả quy tắc về giao dịch, tính chỉ số và quy tắc tính toán tại ngày đáo hạn để xem xét chỉnh sửa phù hợp tình hình mới.