Ru ngủ “giữ dài”

Thời điểm VN Index có thể vượt qua những ngưỡng tâm lý như 1.000 điểm luôn thúc đẩy các nhà đầu tư (NĐT) gia tăng giao dịch. Tuy nhiên, đó cũng thường là lúc thị trường chứng khoán (TTCK) rung lắc rất mạnh khiến NĐT có thể thua lỗ trong ngắn hạn nếu không có chiến lược giao dịch đúng đắn.

Sau khi có bốn phiên liên tiếp tăng mạnh để vượt 1.000 điểm và tăng lên đến gần 1.030 điểm vào ngày 6-11, VN Index đã có liền ba phiên điều chỉnh, khiến một số NĐT mua giá cao (tạm) thua lỗ.

Điều này là rất bình thường vì TTCK vốn luôn có kẻ thắng người thua và việc mua giá cao luôn ẩn chứa những rủi ro. Nhưng quan trọng hơn cả là thái độ cũng như các chiến thuật mà NĐT sử dụng để ứng phó. Một trong những liệu pháp tâm lý được NĐT sử dụng khi mua vào không có lãi trong giai đoạn này là suy nghĩ “giữ dài”. Gần một tháng trước, Pyn Elite Fund, một trong những quỹ nước ngoài hoạt động khá tích cực trên TTCK Việt Nam đã đưa ra dự báo VN Index đạt 1.800 điểm trong vòng ba năm tới.

Kiểu dự báo này cũng được khá nhiều NĐT “giữ dài” áp dụng, bởi khi VN Index vượt 1.000 điểm thường đi kèm những dự báo về khả năng chỉ số này tiếp tục tăng lên 1.020 điểm rồi 1.050 điểm… Thường là những dự báo kiểu này rất thiếu cơ sở, chẳng hạn “nó” lên rồi thì có thể lên tiếp, hoặc đơn giản hơn vì NĐT mua vào nên nghĩ rằng TT sẽ tăng.

Điều này dẫn đến một loại phản xạ rất nguy hiểm là cứ khi TT rung lắc tạm thời hoặc điều chỉnh thật, nhiều người lại có cùng suy nghĩ “giữ dài”. Trong trường hợp nếu TTCK điều chỉnh tạm thời thì những người giữ dài tất nhiên có lãi vì giá CP sẽ còn đi lên, nhưng nếu xuất hiện điều chỉnh thì giữ càng dài đồng nghĩa càng thua lỗ. Nhưng điều khá hài hước ở đây là tiêu chí “dài” của các NĐT có khi chỉ là vài ngày, vài tuần, chẳng hạn đầu tuần NĐT vẫn quyết tâm giữ dài nhưng đến cuối tuần đã tiến hành chốt lãi vì “đủ rồi”. Hoặc cũng có khi định giữ vài tháng nhưng chỉ cần thấy tài khoản giảm hơn 10% trong vài phiên là lập tức cắt lỗ. Điểm cốt lõi khiến cho NĐT bối rối trong nhận định chính là sự phân hóa của cổ phiếu (CP) tại những vùng giá cao là vô cùng khó lường và gần như các công ty chứng khoán (CTCK) cũng không thể dự báo. Hơn nữa, rất hiếm CTCK nói chung hay nhân viên môi giới nói riêng dám khuyên NĐT đứng ngoài tại những thời điểm hưng phấn, và thường là “mua đi” và có chuyện gì thì “giữ dài”. Suy nghĩ của NĐT cộng với sự “đẩy đưa” từ phía người tư vấn tất nhiên sẽ khiến NĐT hành động quyết liệt hơn.

Một giải pháp tưởng chừng như an toàn cho chiến thuật giữ dài là mua những CP chưa tăng giá khi VN Index vượt ngưỡng 1.000 điểm, kèm theo đó những điều kiện như CP đầu ngành, giá trị vốn hóa lớn… nhưng thực tế cũng chưa chắc. Không hiếm thời điểm TT xuất hiện những nghịch lý như khi VN Index tăng thì một số CP, dù là CP tốt không tăng, nhưng đến khi chỉ số điều chỉnh thì nhóm này cũng… giảm theo. Chính các CTCK hay nhân viên môi giới trong những thời điểm này cũng tư vấn theo nhiều hướng khác nhau.

Một việc rất quan trọng là dự báo dòng tiền sẽ luân chuyển như thế nào, nhóm CP nào điều chỉnh thật sự, nhóm nào tạm điều chỉnh và còn khả năng tăng tiếp thì gần như không có. Trong điều kiện có vẻ “khách quan” như vậy thì NĐT chỉ biết tự an ủi hay ru ngủ mình bằng cách “giữ dài”.