Robot “đánh” chứng khoán phái sinh

Robot “đánh” chứng khoán không phải là điều gì xa lạ trên thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, do chứng khoán phái sinh (CKPS) là một sản phẩm “hot”, hứa hẹn sinh lời hấp dẫn nên robot giao dịch phái sinh có thể khiến nhà đầu tư (NĐT) tò mò.

Nguồn gốc

Robot “đánh” CK nói chung hay CKPS nói riêng thực chất là phần mềm giao dịch có độ tinh vi khá cao dùng để giao dịch (trade) chứ không phải hình hài một con robot nào đó giống phim ảnh. NĐT có thể sở hữu robot nếu bỏ ra số tiền lớn nhưng cũng có thể thuê với đủ mọi loại giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng và theo lời quảng cáo thì “tiền nào của đó”.

Robot CK được nhắc đến cũng gần một thập kỷ nay nhưng vẫn chỉ trong phạm vi khá hẹp, và thực tế cho thấy người sử dụng thì ít, chỉ bàn tán thì nhiều. Xuất xứ của robot cũng có khá nhiều nguồn, nhưng để cho “oách” thì các bên cung cấp dịch vụ đều dán mác ngoại, nhưng cũng có khi được “độ” từ một số phần mềm hỗ trợ giao dịch vàng, ngoại tệ chuyển sang.

Mấu chốt của robot CK nằm ở chỗ các giao dịch sẽ căn cứ trên diễn biến của TT và thuần chất “định lượng” thông qua các thuật toán, dữ liệu cung cấp, khác hẳn với việc NĐT giao dịch ngoài định lượng còn có định tính, bị chi phối bởi cảm xúc.

Chuyên gia CK Hoàng Thạch Lân phân tích, gần đây có nhiều quảng cáo về robot “đánh” CKPS, chào mời các NĐT sử dụng hệ thống giao dịch tự động. CKPS cần nhanh tay, lẹ mắt và quyết đoán, khi cần chốt lãi hay cắt lỗ là phải thực hiện ngay mà không lăn tăn, robot không cảm xúc tất nhiên hành động nhanh.

Hiệu quả

Tính đến thời điểm này, chưa có một trường hợp “bóc phốt” về chất lượng của robot “đánh” CK nói chung tức là sử dụng robot giao dịch mà bị thua lỗ, nhưng hiệu quả đến đâu thì vẫn còn khá mịt mù.

Ông Kiệt Nguyễn là một nhà môi giới CK với hàng chục năm kinh nghiệm và cũng là người thiết lập được một hệ thống giao dịch CKPS cho riêng mình nhưng khiêm nhường chưa dám gọi là robot cho biết, “để một hệ thống vận hành tự động và hiệu quả thì người lập trình phải cập nhật, kiểm thử thường xuyên, nếu có vấn đề là lập tức sửa sai cũng như cập nhật những cái mới”.

Robot “đánh CKPS trong một số thời điểm có thể phát huy hiệu quả rất cao, nhưng về dài hạn thì chưa chắc. Đơn cử, một chuyên gia CK chỉ ra rằng, thời gian gần đây các chỉ số CKPS thường “đi trước” TT, tức là thường ở trạng thái mua (long) và sau đó TT cũng tăng thật. Mặt khác, biến động của TTCK nói chung và phái sinh nói riêng từ đầu tháng 9-2018 đến nay diễn ra trong phạm vi hẹp, nên nếu có robot trợ giúp thì các giao dịch sẽ hiệu quả theo kiểu mua - bán lãi ngắn, nhưng nhiều lần thì tích tiểu thành đại. Tuy nhiên, biến số của TT luôn thay đổi và nếu sử dụng một công cụ cứng nhắc sẽ khó có thể phát huy hiệu quả dài lâu.

Các NĐT có thể thuê robot phái sinh để giao dịch và đạt được khoản lãi tương đối khá, nhưng nếu trừ đi lại chi phí thuê robot thì có khi lãi ròng chẳng bao nhiêu. Hoặc cũng có những trường hợp sau khi sử dụng robot có lãi, NĐT chuyển sang… tự giao dịch và lại thua lỗ, tổng hợp kết quả lại thì hoặc không có lãi hoặc thua lỗ. Và cuối cùng cũng phải bàn đến vấn đề mang tính tiếp thị, dường như việc đưa ra robot gắn với sản phẩm thời thượng là cách để một số môi giới CK, hoặc các đội nhóm ủy thác đầu tư thu hút khách về phía mình.