Quá tay thành... trò lố!

Việc công ty chứng khoán FPT (FPTS) công bố hủy các khuyến nghị của mình tại các báo cáo được phát hành từ ngày 20-4 đến 27-7-2020 với lý do dịch bệnh bất ngờ bùng phát trở lại, khác với những giả định dịch bệnh được kiểm soát đã khiến nhiều người không khỏi… phì cười.

Có thể nói, hành động vô thưởng vô phạt này sẽ là tình huống hài hước bậc nhất của thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2020, thậm chí trong nhiều năm nữa. Rất nhiều công ty chứng khoán (CTCK) khi phát hành báo cáo đã tuyên bố miễn trừ trách nhiệm kèm theo, nghĩa là báo cáo chỉ để tham khảo thông tin, nhận định, còn việc ra quyết định thuộc về nhà đầu tư (NĐT) và chính NĐT phải chịu trách nhiệm với túi tiền của mình. 

Và thực tế thì không cần CTCK miễn trừ trách nhiệm, cũng chẳng NĐT nào dồn hết niềm tin vào báo cáo của một CTCK nào đó. Và cũng nên biết rằng, báo cáo của FPTS vốn cũng không thể có ảnh hưởng giống như báo cáo của những CTCK tốp đầu như HSC, hay SSI để có gây ra ảnh hưởng gì đó do dự báo sai. Có thể suy luận rằng, FPTS muốn “nhanh” trong việc cảnh báo NĐT rằng, sẽ có những rủi ro khó lường liên quan TTCK nói chung, nhưng đây lại là một cách làm rất phản khoa học, thậm chí sai về mặt nghiệp vụ.  

Báo cáo phân tích, những khuyến nghị từ phía CTCK có thể xem như một dịch vụ mà CTCK dành cho khách hàng, mà đã là dịch vụ thì phải có quyền lợi, trách nhiệm, ràng buộc đi kèm. Trong trường hợp đã cung cấp dịch vụ rồi bây giờ lại hủy dịch vụ, thì liệu FPTS sẽ tính đến chuyện bù đắp cho khách hàng như thế nào? Nghĩa là với động thái này, tự FPTS lại nhận mình gây ra ảnh hưởng cho khách hàng, nhưng liệu CTCK này có đủ sức để bù đắp hay không?

Không phải vô cớ mà các CTCK thường có kết cấu về quản trị rất chặt chẽ của đội ngũ phân tích, thường xếp đội ngũ phân tích cho khách hàng cá nhân chung với bộ phận môi giới, vì cả hai đều cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nhưng với cách làm của FPTS, dường như CTCK này đã quá vội vã trong việc định vị loại hình dịch vụ của mình kèm theo những yếu tố có liên quan. Một sản phẩm, dịch vụ khi đã được đưa ra TT cần có tính liên tục, nhất quán, nếu có lỗi, cần có phương án khắc phục thay vì muốn hủy là hủy ngay. 

Điều kế tiếp cũng phải thấy là các mô hình dự báo thường được dựa trên những giả định, biến số và cũng không ai có thể tạo ra được sự chính xác tuyệt đối, chỉ hơn nhau ở xác suất, tỷ lệ chính xác mà thôi. Vậy trong trường hợp của FPTS, giả như các giả định mà CTCK này đặt ra sai, mà thực tế cũng chưa chắc sai, thì sẽ là hợp lý hơn và chuyên nghiệp hơn nếu công ty chủ động làm lại mô hình khác, công bố lại những cập nhật. 

Bản thân các chuyên gia phân tích dày dạn kinh nghiệm cũng cho biết, việc phải thay đổi biến số liên tục, nếu kết quả khác trước thì công bố để NĐT tham khảo là bình thường. 

Nói đến đây có lẽ cũng cần đặt câu hỏi rằng, phải chăng FPTS không đủ năng lực để chạy lại mô hình hay sao mà phải lập tức hủy bỏ khuyến nghị? 

Có lẽ, với bề dày hoạt động của mình, cộng với năng lực cũng được thể hiện trên một số báo cáo khá ấn tượng, CTCK này đủ sức lập mô hình mới. Tuy nhiên, một phút căng thẳng, thậm chí bồng bột mà đã tạo ra một hành động chưa có tiền lệ và theo nhiều người đánh giá là “làm quá không đáng có”.