“Nóng” margin

Dòng tiền cho vay ký quỹ (margin) luôn góp phần tạo ra sự sôi động cho thị trường (TT) thông qua việc gia tăng thanh khoản cũng như biến động của cổ phiếu (CP). Dù vậy, khi dòng tiền cho vay từ công ty chứng khoán (CTCK) tăng thì cũng tiềm ẩn một số rủi ro mà nhà đầu tư (NĐT) cần phải cân nhắc.

Khoảng ba tuần qua, giá trị giao dịch khớp lệnh tại riêng sàn HoSE thường rơi vào mốc 4.500 tỷ đồng/phiên, thậm chí có những phiên lên đến 5.000 - 6.000 tỷ đồng/phiên. Những con số này tương ứng với các giai đoạn sôi động của TT như: giai đoạn 2006 - 2007, năm 2009, hay giai đoạn 2017 - 2018…

Nếu hỏi rằng dòng tiền margin đã “nóng” hay chưa thì câu trả lời là đã bắt đầu nóng, ngoài yếu tố thanh khoản như vừa nêu thì việc một loạt CP đã phục hồi 100%, thậm chí còn tăng hơn cả trước khi có dịch Covid-19 nhiều khả năng cũng phải có vốn margin để tạo ra sức hút lớn như vậy. Và cũng phải thẳng thắn để chấp nhận rằng, đây là hiện tượng rất bình thường của TT chứng khoán (CK), phải có “nóng”, “lạnh” trong khuôn khổ phù hợp, vấn đề là NĐT cần phải đọc vị được diễn biến và có những công cụ bảo vệ cho dòng vốn của mình.

Cũng như giai đoạn 2017 - 2018, khi dòng vốn margin được sử dụng nhiều, đặc biệt trong giai đoạn này nhiều CTCK đã hạ lãi suất xuống dưới 10%/năm thì CTCK có khả năng… hết vốn cho vay, vì lượng tiền này cũng có giới hạn, mà khi hết thì không cho vay nữa hoặc sẽ siết lại. Nói đơn giản như một CTCK tốp đầu, vừa rồi đã siết lại tỷ lệ cho vay (dưới 50%) tại một CP đã tăng giá gấp đôi, vượt đỉnh lịch sử trong ngành lương thực, trong khi cách đó một tuần còn mở cho vay tối đa lên đến 50%.

Trong trường hợp này, tất nhiên CTCK bảo đảm hệ thống cũng như các chỉ số tài chính nhưng rủi ro có thể xuất hiện cho NĐT bởi lẽ CP nóng mà không có margin thì giống như xe không được đổ thêm xăng để chạy tiếp. Nguy cơ CP sẽ phải dừng tạm thời vì không có lực đẩy là hiển hiện và xuất hiện một số khả năng như sau: Nếu CP có thị giá vượt quá xa so định giá cơ bản thì khả năng điều chỉnh sẽ là tất yếu vì dòng tiền nóng rời bỏ, dòng tiền giá trị chần chừ chưa mua vào.

Trong trường hợp CP vẫn còn xem là hấp dẫn để mua thì NĐT lớn hay các dòng tiền dài hạn vẫn sẽ mua chậm rãi trong giai đoạn này và như vậy các ý định đầu cơ, lướt sóng cũng khó có khả năng sinh lãi.

Xét về TT chung, với thanh khoản tại sàn HoSE vào tầm 4.500 tỷ đồng/phiên thì mức độ nóng về margin là có, nhưng chưa phải đỉnh điểm vì con số này phải rơi vào tầm 6.000 - 8.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, margin có thể “nóng” cục bộ tại một số CTCK, nơi nào cho vay nhiều, khả năng sẽ hết “room” (hạn mức) cho vay theo các quy định về an toàn tài chính, điều này có thể gián tiếp tạo ra những ảnh hưởng cho một số CP tại những thời điểm khác nhau. Ảnh hưởng trên diện rộng dù khó khăn, nhưng các NĐT cá nhân cũng nên theo dõi room cho vay margin tại một số CP để có tính toán cho việc giao dịch của mình.

Room cho vay cũng có thể là cơ hội để các CTCK có lợi thế tranh thủ tìm kiếm những khách hàng mới cho mình vì có thể nơi này hết thì nơi kia lại rộng cửa đón chào các NĐT mới.