Nặng gánh thị phần

Nhiều người không làm trong ngành chứng khoán (CK) sẽ có suy nghĩ rằng, với việc nhiều phiên giao dịch có thanh khoản hơn 10.000 tỷ đồng, thậm chí lên đến 15.000 tỷ đồng, nhà đầu tư CK sẽ “trúng đậm”, nhất là đội ngũ môi giới vì thanh khoản cao đương nhiên phí giao dịch sẽ nhiều.  

Áp lực đuổi kịp thị trường

Thực tế, câu chuyện không đơn giản như vậy, nguyên nhân nằm ở cách thức phân bổ chỉ tiêu kinh doanh từ các công ty chứng khoán (CTCK) dành cho các phòng, ban môi giới. Thí dụ, chi nhánh của một CTCK nào đó vào giai đoạn thị trường (TT) có thanh khoản 5.000 tỷ đồng/phiên thì trung bình giao dịch mỗi ngày được 50 tỷ đồng, tức là thị phần vào khoảng 1%. Trong trường hợp thanh khoản tăng lên 10.000 tỷ đồng/phiên, để giữ “phong độ” và cũng là bảo đảm chỉ tiêu thì chi nhánh này phải có giao dịch 100 tỷ đồng/phiên và đây sẽ là thách thức.

Đành rằng thanh khoản TT tăng thì mỗi sàn giao dịch cũng sẽ tăng doanh số, nhưng tốc độ tăng chưa chắc đã theo kịp đà chung của TT. Như trường hợp của chi nhánh nêu trên, nếu trong những phiên thanh khoản đạt hơn 10.000 tỷ đồng mà giao dịch chỉ tầm 75 - 80 tỷ đồng/ngày đồng nghĩa thị phần “chỉ” còn 0,75 - 0,8%, nghĩa là về số tương đối sẽ giảm so lúc bình thường và những giám đốc chi nhánh hay trưởng phòng môi giới sẽ phải chịu áp lực.

Điều này tất nhiên cũng sẽ ảnh hưởng đến những khoản thưởng doanh số, thị phần hay các khoản thưởng chỉ tiêu…

Nguyên nhân từ đâu?

Những tưởng thí dụ nêu trên chỉ xuất hiện tại những CTCK tầm trung hoặc nhỏ, vốn không có nhiều lợi thế cạnh tranh và bị các CTCK lớn hút khách, nhưng một quản lý môi giới với kinh nghiệm 15 năm cho biết, thậm chí có khi diễn biến theo chiều ngược lại. Nghĩa là có khi tốc độ tăng thị phần của một vài đơn vị lớn vẫn có thể thấp hơn tốc độ tăng của thị phần chung, bởi hai nguyên nhân chính: 

Thứ nhất, quy mô thị phần nhỏ có thể dễ dàng gia tăng với tốc độ tính bằng “lần” (tức từ 100% trở lên) nhưng với những phòng, chi nhánh giao dịch có thị phần lớn sẵn thì việc tăng trưởng không dễ dàng nữa, đây cũng là quy luật cận biên phổ biến trong kinh doanh.

Thứ hai, một số CTCK tạm gọi là “tân binh” trong những năm gần đây được bơm vốn rất mạnh đã tăng cường hoạt động cho vay ký quỹ (margin) với lãi suất thấp bằng phân nửa trước đây. Nếu cách đây khoảng ba năm lãi suất margin thường được các CTCK lớn “neo” ở mức 13 - 14%/năm thì hiện nay không thiếu CTCK sẵn sàng chào lãi suất bằng phân nửa, tức chỉ khoảng 7 - 8%/năm cho các khách hàng VIP để mở rộng thị phần và các CTCK lớn, kỳ cựu sẽ phải chịu áp lực giữ khách, hoặc bị mất khách. 

Ngoài ra, một nguyên nhân dù không quá quan trọng nhưng cũng phải bàn đến là những giao dịch thỏa thuận tăng mạnh cũng góp phần làm thanh khoản tăng, nhưng thường giao dịch thỏa thuận không mang tính phổ quát về thị phần.