Mệt hơn cả thua lỗ

Khi thị trường (TT) điều chỉnh chung, thua lỗ là điều khó tránh khỏi, nhưng áp lực mà nhiều quỹ đầu tư đang phải gồng gánh không chỉ có vậy.

Đầu năm 2020, một người đã có hơn 10 năm làm việc trong ngành quỹ cho biết, đang xúc tiến những bước cuối cùng để đưa một quỹ có vốn từ châu Á vào hoạt động tại TT Việt Nam, dự kiến vào đầu quý II - 2020. Nhưng biến cố do dịch Covid-19 đã khiến nguồn tiền đầu tiên (seed money) của quỹ bị gián đoạn và tác động đến những dòng tiền khác khiến cho người này đến giờ buộc phải khởi động lại quá trình huy động vốn.

Điều bất hợp lý nhưng lại... thường xảy ra là tại những thời điểm giá thấp như tháng 3 và đầu tháng 4, chính là cơ hội mua vào, lý ra nhà đầu tư (NĐT) phải chủ động góp vốn với quỹ thì nhiều người lại… ngại và cuối cùng lỡ cơ hội. Điều này khiến các nhà quản lý quỹ thật sự đau đầu. Trong khi điều phi lý lại hay xảy ra là tiền sẽ đổ vào nhiều khi giá chứng khoán ở đoạn tăng mạnh và gần đến vùng đỉnh, lúc đó người quản lý quỹ lại được giao phải “lãi lớn” trước muôn vàn rủi ro.

Cách đây ba tháng, tỷ trọng tiền mặt của quỹ VEIL do Dragon Capital (DC) quản lý chỉ ở mức dưới 1% giá trị tài sản, nhưng đến gần cuối tháng 4, tỷ lệ này đã lên đến gần 4,7% trên tổng tài sản (1,16 tỷ USD). Tính ra quỹ VEIL đang giữ khoảng 54 triệu USD tiền mặt, xấp xỉ 1.300 tỷ đồng, tức là bằng phân nửa thanh khoản một phiên giao dịch tại sàn HoSE. Người ta có thể đưa ra nhiều giả thiết để lý giải cho động thái gia tăng tiền mặt của DC như cắt lỗ, đảo hàng, hay chuẩn bị tiền cho những chiến lược sắp tới… Nhưng có một điều chắc chắn, cầm tiền mặt càng lâu, áp lực dành cho quỹ càng lớn dù rằng, đang cầm tiền, chưa mua bán gì thì không thua lỗ, nhưng áp lực còn… hơn cả thua lỗ.

Trước tiên, việc bán ra thu tiền về vào giai đoạn TT biến động rất dễ dẫn đến việc thua lỗ, mà đã lỗ thì lập tức những NĐT bỏ tiền vào quỹ sẽ chất vấn, thậm chí gây áp lực với ban lãnh đạo quỹ. Đây được xem là giai đoạn tồi tệ nhất của bất kỳ ai bước chân vào ngành quản lý quỹ, thậm chí có thể hủy hoại sự nghiệp của nhiều người đã từng có những thành tích rực rỡ trước đó.

Và đến khi cầm được tiền mặt trong tay, nắm thế chủ động trong giao dịch, có thể canh để mua với giá tốt nhất, người quản lý quỹ vẫn bị chất vấn, có thể là hằng tuần, thậm chí hằng ngày là sao vẫn chưa mua bán gì. Thậm chí nếu mua tất tay một lần thì được cho là rủi ro, mua từng phần thì lại lo ngại lỡ mất cơ hội. Đôi khi, quỹ vạch ra kế hoạch chờ đợi một tháng, hoặc canh mua tại những điểm rơi nhất định của cổ phiếu, nhưng có thể những áp lực từ NĐT sẽ khiến họ bị chệch hướng. Lúc bình thường, các NĐT đều chung một “bài” là bỏ tiền vào quỹ, đặt niềm tin trung, dài hạn từ vài năm trở lên, nhưng trong những giai đoạn biến động này, tầm nhìn “dài” nghĩa là… vài tuần.

Chỉ cần quỹ cầm tiền mặt, mua vào, nhưng bắt sai đáy là một rừng chỉ trích ập xuống. Đó cũng là lý do, đôi khi có những khoản đầu tư đã giảm đến 20 - 30%, nhưng quỹ không dám cắt lỗ, không phải vì sợ lỗ mà vì sợ bán đúng đáy và bị chỉ trích.