Margin tích tụ ở đâu?

Nếu như những công ty chứng khoán (CTCK) dẫn đầu thị phần môi giới như: SSI, HSC, VNDS… có dư nợ cho vay ký quỹ (margin) lớn là điều có thể hiểu được thì việc những CTCK mới nổi như: Yuanta, KB, Mirae Asset… cũng có mặt trong nhóm margin cao lại là điều đáng ngạc nhiên.

Cụ thể, tính đến đầu tháng 7-2019, dư nợ margin của Mirae Asset lên đến 5.000 tỷ đồng, Yuanta và KB ở mức 2.000 tỷ đồng, trong ba cái tên này chỉ mới có Mirae Asset có mặt trong top 10 thị phần quý II-2019 tại HoSE. Và thực tế thì Mirae Asset cũng chỉ mới là “tân binh” trong bảng xếp hạng thị phần chứ chưa quen mặt với các nhà đầu tư (NĐT).

Vậy vốn margin từ các CTCK chảy đi đâu và như thế nào?

Cần biết rằng, dòng vốn margin góp phần quan trọng để tạo ra thanh khoản cũng như thị phần cho CTCK nhưng vấn đề xoay vòng vốn còn quan trọng hơn. Chẳng hạn, nếu một CTCK có lượng vốn margin 500 tỷ đồng thì phải xoay vòng đến sáu lần mới tương đương một CTCK có vốn margin 3.000 tỷ đồng xoay vòng một lần. Tuy nhiên, nếu cả hai CTCK đều có vốn margin 3.000 tỷ thì công ty xoay vòng bốn - năm lần sẽ tạo ra thanh khoản cao hơn công ty chỉ xoay vòng một - hai lần, đó là điều chắc chắn. Vấn đề của các CTCK mới được bơm vốn ngoại nằm ở đây khi mà lượng NĐT cá nhân thường xuyên giao dịch hoặc lướt sóng chưa quy tụ về đây nhiều, mà thường là các NĐT nước ngoài. NĐT nước ngoài, kể cả cá nhân có lướt sóng cũng khó có thể có tần suất dày như NĐT cá nhân trong nước. Nhiều khả năng, nhóm khách hàng chủ chốt của các CTCK nước ngoài sẽ có xu hướng nắm giữ trung hạn. Điều này đã được minh chứng rất rõ trong khoảng ba tháng gần nhất, khối nước ngoài đẩy mạnh mua ròng trở lại.

Tuy nhiên, dòng vốn margin, dù không lướt T+3 thì cũng khó lòng nắm giữ thời hạn tính bằng năm, đó là điều chắc chắn, khoảng thời gian dài nhất có thể chỉ tính bằng quý hoặc sẽ do suất sinh lời quyết định.

Phiên ngày 30-7, sau khi tiệm cận mốc 1.000 điểm vào buổi sáng, VN Index đã điều chỉnh mạnh vào buổi chiều khi giảm gần 12 điểm, xuống 986 điểm. Cũng trong phiên này, khối nước ngoài đã bán ròng 185 tỷ đồng và điều này cũng không bất ngờ. Từ đầu năm đến nay, VN Index liên tục dao động quanh ngưỡng 950 - 1.000 điểm và tạo ra chiến thuật giao dịch mua tại cận dưới và chốt lãi cận trên. Với vốn tương đối lớn, cộng với lượng margin dồi dào từ các CTCK, nên NĐT nước ngoài hoàn toàn có thể sử dụng margin để mua mạnh với giá thấp và chỉ cần lãi hơn 10% là chốt lãi.

Một điều nữa cũng nên bàn đến là dòng tiền margin tăng lên tiềm ẩn lực bán ra trong một số khoảnh khắc sẽ gia tăng và chứa đựng nhiều sự bất ngờ. Sử dụng margin, giao dịch ngắn hạn đồng nghĩa với việc phải chấp nhận nhiều rủi ro, một trong số đó chính là những biến động ngắn hạn. Nếu diễn biến của cổ phiếu nói riêng hay thị trường nói chung không như kỳ vọng của các NĐT cá nhân nước ngoài sẽ dẫn đến việc xuất hiện lực bán mạnh (force sell) để thu hồi vốn margin, ảnh hưởng đến cung - cầu trong ngắn hạn. Hoặc đơn cử như việc chốt lãi của khối này tại một số CP lớn, cũng có thể tác động đến diễn biến của chỉ số CK và tâm lý NĐT.