Margin cổ đông lớn

Không bán ra cổ phiếu (CP), cũng không đem thế chấp tại ngân hàng, nhưng cổ đông lớn (CĐL) vẫn có thể huy động được tiền trên khối lượng CP mà mình đang sở hữu. Giải pháp chính là margin tại công ty chứng khoán (CTCK).

Đã có từ lâu

Margin là dòng tiền dùng để giao dịch CP trên sàn, nhưng với cách làm của một CĐL, dòng tiền này có thể được dịch chuyển ra… ngoài sàn. Thí dụ, CĐL hiện đang sở hữu lượng CP A trị giá 100 tỷ đồng và đang có nhu cầu tài chính 50 tỷ đồng nhưng không thể bán ra CP vì phải giữ tỷ lệ sở hữu để biểu quyết. Giải pháp sẽ được thực hiện như sau: CĐL chia đôi tài khoản của mình thành hai tài khoản tạm gọi là I và II, mỗi bên sở hữu 50 tỷ đồng. Với tài khoản I, NĐT sẽ vay tiền từ CTCK với tỷ lệ 1:1 (có 1 đồng được vay 1 đồng) tức là vay thêm 50 tỷ đồng nữa để mua lại CP A nhằm đạt tổng giá trị sở hữu quay lại 100 tỷ đồng. Còn với tài khoản II, CĐL tất nhiên sẽ bán ra và thu về 50 tỷ đồng để sử dụng tùy theo mục đích của mình.

Thủ thuật này thực tế đã có hàng chục năm nay và không xa lạ với dân CK, tài chính kỳ cựu, tuy nhiên phạm vi và thời gian sử dụng lại bị đứt quãng. Chuyên gia kiểm toán Bùi Đăng Bảo nhớ lại, giai đoạn 2009 - 2011, một số CĐL từng dùng cách này để “bẫy” CTCK. Theo đó, CĐL tìm cách đẩy giá CP tăng cao, sau đó đem CP của mình làm tài sản bảo đảm tại CTCK để vay margin cũng với tỷ lệ cao để tiếp tục mua CP. Nhưng thực chất, tài khoản này đã mua lượng CP “xả hàng” từ tài khoản khác của CĐL, đến khi nhiệm vụ hoàn thành, CĐL tháo chạy và để mặc CTCK xử lý tài sản bảo đảm, nếu bán ra không kịp để thu hồi vốn thì tất nhiên sẽ bị thua lỗ.

Thị trường ngách & những rủi ro

Một điều chắc chắn là bây giờ CTCK không ngờ nghệch hoặc bất chấp để rơi vào những tình huống kể trên mà sẽ phải chọn lọc rất kỹ các CĐL, chưa kể luật định cũng rất chặt chẽ để phòng ngừa rủi ro. Với các CTCK có thị phần tốp đầu, cho khách hàng cá nhân vay lướt sóng “khỏe” hơn rất nhiều so việc cho CĐL vay để thực hiện các thủ thuật trên. Điều này cũng góp phần hạn chế hiện tượng CĐL vay tiền từ CTCK để thực hiện những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khách quan và vị thế của một số CTCK mà hiện tượng này vẫn âm ỉ chứ chưa dứt hẳn.

Một số CTCK khi chưa tiếp cận được với khách hàng cá nhân, với số đông thị trường trong khi sở hữu một lượng tiền lớn và cần phải có nguồn thu. Trong ngắn hạn, những CTCK có thị phần nhỏ cho khách hàng cá nhân vay vài trăm tỷ đồng margin là không đơn giản vì phải tốn nguồn lực chiêu mộ môi giới, mời khách hàng đến giao dịch. Trong khi đó, chỉ cần cho vài khách VIP vay thì lượng vốn vài trăm tỷ đồng có thể tiêu thụ được dễ dàng. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có thể tạo ra những rủi ro hiện hữu, đặc biệt là khi giá CP giảm bất thường. Lúc này, hoạt động giải chấp, bán tháo CP từ CTCK sẽ được thực hiện, góp phần khiến giá CP biến động khó lường hơn. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của CĐL cũng sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn và ảnh hưởng đến cấu trúc sở hữu chung tại DN.