Mập mờ hợp tác đầu tư

Gần đây, việc một số công ty chứng khoán (CTCK) sử dụng hình thức hợp tác đầu tư (HTĐT) với khách hàng nhằm huy động vốn và đã bị cơ quan quản lý “tuýt còi”. Điều cần nhấn mạnh ở đây là hình thức HTĐT vốn đã từng xuất hiện chừng chục năm trước tại một số CTCK, nhưng lần này đã từng bị cơ quan quản lý bắt giải trình. 

Không có gì chắc chắn

Lướt qua biểu lãi suất mà một số CTCK công bố với khách hàng thông qua HTĐT sẽ thấy vào tầm gần 8%/năm, nghĩa là có một tỷ đồng tham gia hình thức này thì nhà đầu tư (NĐT) có thể có gần 800 triệu đồng. 

Thoạt nghe nhiều NĐT, nhất là dân CK kỳ cựu, có thể cảm thấy không mấy hấp dẫn vì vài phiên cổ phiếu (CP) tăng giá, thậm chí là một phiên ngay trên sàn UPCoM, cũng có thể đem lại lợi nhuận hơn 8%. 

Thực tế thì nhiều người chỉ mong có lãi hơn gửi ngân hàng và… an toàn!

Nhưng nói đến đây ngay lập tức sẽ lộ ra các vấn đề cần đặc biệt thận trọng. Thứ nhất, như các thông tin đã được đăng tải rộng rãi thì hình thức HTĐT mà một số CTCK đang thực hiện là chưa được phép và đặt giả thiết có đơn vị nào đó đã thực hiện và trả lãi thì nó cũng không bảo đảm một sự an toàn tương tự như gửi ngân hàng hay mua trái phiếu. Dù rằng, tính đến thời điểm này chưa có tranh chấp nào xảy ra từ hình thức HTĐT nhưng không đồng nghĩa với những rủi ro có thể xuất hiện về sau. Thứ hai, CTCK “lách luật” huy động và cam kết trả lãi, nhưng thử đặt giả thiết nếu CTCK không thể trả lãi thì như thế nào?

Nói đến đây cũng cần nhìn lại một số trường hợp khi doanh nghiệp (DN) phát hành CP cho đối tác thì cũng “thòng” thêm một số thỏa thuận kiểu như nếu không đạt được kết quả kinh doanh thì lãnh đạo DN sẽ mua lại CP. Nhưng những người có thâm niên làm việc trong ngành CK lại xua tay cho rằng, thỏa thuận này không mấy chắc chắn vì lỡ đâu tới khi buộc phải mua lại thì lãnh đạo DN lại nói mình… không có tiền mua thì sao?

Ngăn chặn và cảnh báo

Cần nhớ lại gần chục năm trước khi hình thức HTĐT manh nha xuất hiện thì báo Thời Nay cùng một số đơn vị báo chí khác cũng đã có những bài viết phản ánh về rủi ro của hình thức này và cảnh báo của NĐT. 

Và trong lần này tiếng nói của truyền thông cũng như phản ánh của các NĐT cũng đã được cơ quan quản lý ghi nhận. Đã có nhiều NĐT mới xuất hiện trên thị trường và dù được trang bị kiến thức ngày một nhiều hơn, nhưng kinh nghiệm là thứ không dễ dàng có được trong một sớm một chiều. 

Mặt khác, động thái từ Bộ Tài chính trong việc tuýt còi các CTCK cho thấy sự nhanh nhạy, sâu sát trong việc bảo đảm kỷ cương, kỷ luật cho thị trường nói chung và quyền lợi cho NĐT nói riêng. 

Theo một NĐT kỳ cựu, để tránh sa đà vào những sản phẩm hay dịch vụ vẫn ẩn chứa những rủi ro, NĐT mới cần tìm hiểu thật kỹ các loại hình, nghiệp vụ của các CTCK và theo chiều ngược lại, chính các CTCK cũng cần minh bạch các hoạt động của mình. NĐT này nêu ý kiến rằng, các cơ quan quản lý có thể yêu cầu CTCK “niêm yết” toàn bộ các hoạt động và dịch vụ của mình trên website, ứng dụng (app) hay trên bản cáo bạch và NĐT chỉ sử dụng những dịch vụ này. 

Thiết nghĩ, làm được như vậy sẽ khiến không chỉ NĐT cẩn trọng để được bảo vệ mà chính CTCK cũng phải nhất quán chiến lược và hoạt động của mình.