Lạm dụng thủ thuật

Mặc dù không trải qua kiểm toán như báo cáo tài chính (BCTC) năm hay bán niên (quý II) nhưng BCTC quý I lại có vai trò rất đặc biệt để định hình góc nhìn của nhà đầu tư (NĐT), cổ đông (CĐ) về hoạt động của doanh nghiệp (DN).

Những năm trước đây, BCTC quý I sẽ xuất hiện vào cao điểm của mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) và thường là tích cực (chẳng hạn, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận thường tương ứng từ 20 - 30% kế hoạch năm của DN). Sở dĩ hay có con số này vì NĐT thường ước tính mỗi quý làm được chừng 20 - 30% kế hoạch thì khả năng hoàn thành khi kết thúc năm là khá cao. Vả lại, trong dịp CĐ gặp gỡ DN thì những con số tích cực sẽ tạo ra được niềm tin và sự gắn kết dài lâu hơn.

Một trong những nguyên nhân quan trọng để có thể xuất hiện những con số đẹp như vậy chính là bởi BCTC quý I không phải “qua tay” kiểm toán viên nên DN có quyền “co giãn” trong phạm vi cho phép. Nhưng cũng chính điều này đã tạo ra những rủi ro tiềm ẩn thông qua việc phân bổ số liệu nhằm có lợi nhất cho DN nhưng chưa chắc đã có lợi cho số đông NĐT hay CĐ.

Trong dịch Covid-19, nền kinh tế đã phải đối mặt một giai đoạn giãn cách xã hội (GCXH) để chống dịch thì việc “đọc vị” hoạt động kinh doanh của DN ắt hẳn sẽ gặp nhiều thách thức. Cần rạch ròi một điều ở đây là nếu kết quả hoạt động của DN không thật sự thuận lợi sẽ không có chuyện NĐT bi quan hay sốc, bởi điều này đã được nhìn rõ. Điều quan trọng là DN, hay cụ thể hơn là lãnh đạo DN sẽ chọn lựa giải pháp nào để đối mặt thách thức, đặc biệt trong việc công bố, chuyển tải thông tin để CĐ có được cái nhìn thấu đáo, nhưng cũng cảm thông và chia sẻ.

Cách đây chưa lâu, trên trang cá nhân của mình, hai chuyên gia tài chính có tiếng trên thị trường chứng khoán đã nhận định về khả năng “xào nấu” của một DN bán lẻ, rằng: Nếu có đóng hết cửa hàng thì DN này vẫn… tăng trưởng tốt. Nguyên nhân nằm ở chỗ DN được nhắc đến ở trên đã công bố những con số rất choáng về doanh số bán lẻ sản phẩm điện tử trong mùa dịch, dù có một số cơ sở, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy khó tin vì quy mô quá lớn.

Xét về thời gian, tháng 4 là giai đoạn cao điểm của các giải pháp GCXH được áp dụng trên toàn quốc. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề tác động của dịch bệnh đã đến từ sau Tết Nguyên đán. Vì vậy về lý, không loại trừ DN sẽ chọn phương án công bố kết quả của ba tháng đầu năm (quý I) với những con số tích cực, sau đó dồn những yếu tố không thuận lợi vào quý II. Điều này về mặt ngắn hạn có thể trấn an được CĐ rằng DN ổn, chưa kể vẫn còn thêm lý do để giải thích là quý I có thêm “tháng Tết” nên kinh doanh có thể tốt. Tuy nhiên, cách làm này lại tiềm ẩn những rủi ro sẽ nằm ở BCTC quý II và bán niên (có kiểm toán soát xét), nghĩa là những con số không thuận lợi thực tế nằm ở quý I nhưng sẽ lại dồn hết vào quý II.

Theo cách này, dường như DN đang muốn “đánh cược” trong việc phục hồi sau đợt GCXH, tức tháng 5 và tháng 6 có thể bù đắp trở lại cho giai đoạn không thuận lợi trước đó. Nhưng cũng nên nhớ rằng, lạm dụng thủ thuật có thể tạo ra những góc nhìn không đúng, không chỉ ở phạm vi DN mà còn là cả một ngành nghề và nhiều yếu tố khác có liên quan, trong đó có cả quyền lợi của CĐ hiện hữu.