Không dễ thành công!

Mô hình quỹ đầu tư vốn tư nhân (private equity-PE) đã và đang được nhiều công ty quản lý quỹ (CTQLQ) hướng đến nhưng khả năng thành công vẫn hạn chế.

Sự phát triển mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp (DN) tư nhân hay các dự án (DA) khởi nghiệp (startup) là tiền đề cho sự phát triển các quỹ PE và tất nhiên các CTQLQ không muốn bị lỡ mất cơ hội. Nhưng thách thức quá lớn từ đặc thù hoạt động của quỹ PE khiến cho sự háo hức nhanh chóng bị thay thế bởi những góc nhìn tiêu cực. Đơn cử, về mặt lý thuyết, các quỹ thường đưa ra trong 10 thương vụ đầu tư, chỉ cần vài ba thương vụ có lãi gấp ba đến năm lần là vừa có lãi, vừa tạo được tiếng vang. Thống kê này cũng có cơ sở kiểm chứng từ thực tế, nhưng làm thì không phải CTQLQ nào cũng dám làm, ngay cả đó là đơn vị có thâm niên trên thị trường (TT).

Ngăn trở đầu tiên là khả năng thoái vốn (exit) tức thời, nếu đầu tư trên TT niêm yết (listed), dù lỗ hay lời thì khi cần bán rút tiền về cũng chỉ mất vài giây đặt lệnh. Nhưng đầu tư PE đòi hỏi thời gian nắm giữ, trung và dài hạn, thường ít nhất cũng phải ba năm trở lên. Đó là lý do nhiều quỹ quen đầu tư listed rất rụt rè với PE, cần nhấn mạnh là tình trạng này phổ biến trên thế giới chứ không riêng tại Việt Nam.

Điểm khó nhất khi đầu tư PE chính là việc phải đồng hành thật sự cùng DN theo hướng đúng đắn nhất. Phần lớn các thương vụ đầu tư PE bị đổ bể bởi hai lý do: Thứ nhất, quỹ đầu tư không thể nắm được hoạt động của DN do thiếu chuyên môn về quản trị, từ đó dẫn đến những cách nhìn khác nhau. Quỹ chỉ quan tâm việc tối đa hóa lợi nhuận, trong khi những người làm DN còn hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau như: phúc lợi, thị phần, thương hiệu… Thứ hai, các quỹ không có “gan” chịu lỗ trong ngắn hạn, bởi vòng đời phát triển của những DA startup hay DN quy mô nhỏ không thể bằng phẳng như các DN lớn. Dù nói rằng có tầm nhìn dài hạn, nhưng nếu nhìn báo cáo tài chính lỗ vài ba quý, mà có thể chỉ là lỗ kỹ thuật do đầu tư vào DA, thì các quỹ đầu tư sẽ lập tức “nóng mặt” và dễ dẫn đến xung đột với ban lãnh đạo DN. Cho nên việc xây dựng được cơ chế làm việc, kiểm soát nhưng cũng phải rất thân thiện, hợp tác với các nhà sáng lập (founder) và lãnh đạo DN là thách thức rất lớn.

Riêng tại TT Việt Nam, một số CTQLQ listed thành công mấy năm nay đã có tham vọng lấn sân sang mảng PE, nhưng đến giờ mới chỉ có Mekong Capital là thật sự nổi bật. Còn dấu ấn mà VinaCapital (VNC) hay Dragon Capital (DC) trong mảng PE là tương đối mờ nhạt. Về khách quan, có thể các khoản đầu tư của VNC hay DC vẫn chưa tới ngày hái quả. Nhưng cũng không loại trừ việc các đơn vị này vẫn chưa thể thích nghi với mảng PE. Cần nhắc lại thương vụ của VNC rót vốn vào Sữa Quốc tế (IDP) gần nửa thập kỷ trước, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy VNC công bố hiệu quả của thương vụ này tới đâu, đặc biệt là có lãi và lãi lớn như kỳ vọng từ các thương vụ PE hay không?

Thực tế, thách thức khi đầu tư PE là điều hiển nhiên, nhưng vấn đề là liệu nhà đầu tư có đủ “gan” để chấp nhận hay không mà thôi!