Khổ như PM

Người giữ vị trí quản lý danh mục (portfolio manager - PM) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của quỹ đầu tư nhưng theo một số người có thâm niên thì nghề này hiếm có giây phút nào thảnh thơi vì nỗi lo luôn thường trực, dù cho có đang lãi lớn. 

Khi nói đến một khoản đầu tư vào một ngành “hot” với giá mua vào chỉ hơn 10.000 đồng/cổ phiếu (CP) vài năm trước và bán ra gần 40.000 đồng/CP (tức gấp bốn lần giá vốn) hồi đầu năm 2021, PM của một quỹ “có số má” cũng chỉ rất thản nhiên chỉ ra điểm mấu chốt: Mua vào từ khi rất rẻ nhưng chờ đợi cũng rất lâu. Nhưng một khoản lãi dù có tính bằng “lần” thì không đồng nghĩa danh mục của quỹ cũng lãi bằng “lần”, vì lý do cơ bản là tiền vốn phải phân bổ cho nhiều khoản khác nhau theo nguyên tắc không bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Từng khoản có thể lãi rất lớn, nhưng tính trên tổng danh mục thì sẽ bị “loãng”. 

Áp lực của những PM nằm ở khoảng thời gian chờ đợi và danh mục tăng trưởng đôi khi không thể như kỳ vọng tại một thời điểm nhất định và tất nhiên, sức ép từ nhà đầu tư (NĐT) - những người bỏ tiền vào quỹ, những lúc như thế này cực lớn. Thí dụ: Trong khoảng hai năm, chỉ số chứng khoán tăng trưởng 20%, còn danh mục của quỹ tăng trưởng tận 40%, thì xem như quỹ đã ở trạng thái vượt trội, nhưng vẫn có những trường hợp PM bị NĐT “hành” cho tơi tả dù có thắng lợi vẻ vang. Nguyên nhân nằm ở chỗ mức tăng trưởng của danh mục không thể tịnh tiến theo kiểu hai năm tăng 40% thì cứ nửa năm tăng 10%. Trong thực tế, một loạt khả năng có thể xảy ra như danh mục không tăng trong năm đầu nhưng nhảy vọt ở năm thứ hai, hoặc danh mục có thể tăng 30% trong chín tháng đầu năm, nhưng ba tháng cuối năm lại giảm 10% rồi lại tăng tiếp…

Đẳng cấp của PM và cũng là cái khổ của những người này đó là có thể xử lý những tình huống trong ngắn hạn, để bảo đảm được lợi nhuận kỳ vọng trong dài hạn mà ở đây cụ thể là sự kiên định, sẵn sàng chịu áp lực với investor. Đó cũng là lý do mà những PM “có nghề” thường tính cách rất thâm trầm, nếu có cơ may nói chuyện với những người này để nghe phân tích về thị trường chung và từng CP rồi đối chiếu lại sau một thời gian dài, sẽ thấy phần lớn là chuẩn xác, sự khác biệt chỉ là khoảng thời gian để đạt được. 

Thay cho việc phân bổ danh mục, cũng xuất hiện những quỹ chọn chiến lược bỏ tất cả trứng vào một giỏ bằng cách chỉ chọn một hay một vài CP vào danh mục. Thực tế cho thấy đã có quỹ, thậm chí là quỹ trong nước, từng lãi lớn với cách này, nhưng PM của mô hình này cũng phải chịu áp lực rất lớn. Cách đây vài năm, một quỹ trong nước nhờ “tất tay” vào một CP của ngành bán lẻ mà danh mục đã lãi bằng “lần” nhưng cũng với cách thức này, ngay sau năm thắng lớn đó là một năm thua lỗ nặng. 

Về lý mà nói, đã thắng được thì cũng thua được và PM phải chuẩn bị những tình huống xấu nhất để chấp nhận. Dù vậy, theo giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài, dù cho tỷ lệ lãi lỗ là tương đương, hoặc khi lỗ ít hơn lãi thì PM rất dễ bị “đánh gục”. Sức ép mà NĐT dành cho PM khi thua lỗ lớn gấp nhiều lần so khi thắng lớn và ảnh hưởng trực tiếp tâm lý, khả năng phán đoán sau đó, nên không loại trừ sau thua lỗ lại… sai lầm. 

Đó cũng là lý do, có những quỹ nhiều năm thắng lớn, nhưng chỉ một lần gặp phải rủi ro (vốn là điều không tránh khỏi) thì danh tiếng cũng như hiệu quả sau đó không còn được như trước.