Khi lãi suất margin giảm mạnh

Diễn biến thị trường (TT) trong hơn một tháng qua là sự phục hồi sau khi giảm mạnh, nhưng thanh khoản trên TT lại có chiều hướng giống như giai đoạn tăng trưởng, tức là bùng nổ, thay vì dè dặt. Việc lãi suất margin (cho vay ký quỹ) giảm từ 13 - 14%/năm trước đây xuống dưới 10%/năm như hiện nay được xem là nguyên nhân quan trọng để tạo nên sự khác biệt.

TT đã trải qua đến sáu phiên giao dịch liên tiếp có giá trị giao dịch tại sàn HoSE đạt từ 4.500 tỷ đồng trở lên, trong khi mới hơn hai tháng trước con số hằng ngày chỉ bằng phân nửa. Thậm chí, như phiên ngày 8-5, riêng thanh khoản khớp lệnh tại HoSE đã lên đến gần 6.300 tỷ đồng. Những con số như vậy đã nói lên quá rõ tác dụng của việc giảm lãi margin mà các công ty chứng khoán (CTCK) đã thực hiện từ sau Tết Nguyên đán đến nay.

Thoạt nhìn, nếu nhà đầu tư (NĐT) cá nhân chỉ “đánh ngắn” thì việc lãi vay để mua chứng khoán giảm khoảng một phần ba nếu tính theo ngày thì cũng không có gì đáng kể, nhưng nếu phân tích những tác dụng liên quan sẽ lại thấy có nhiều điểm thú vị.

Có thể nói, lãi margin giảm như hiện nay thì những ai sử dụng margin để giữ cổ phiếu (CP) trong trung và dài hạn (long term - điều đã phổ biến và đã được báo Thời Nay đề cập nhiều lần) sẽ có lợi trước tiên. Lãi margin giảm sẽ giúp cho nhóm này, thường cũng là nhóm NĐT lớn giảm đi chi phí lãi vay, đồng thời giảm luôn cả áp lực bán ra để trang trải, cân đối nguồn vốn. Mặt khác, lãi margin giảm cũng có thể kéo thêm nhiều NĐT lớn, NĐT VIP sử dụng margin để mua và giữ CP, giảm luôn áp lực đánh ngắn hạn. Hệ quả là rất rõ ràng, thanh khoản của TT nhờ vậy vừa tăng lên, vừa ổn định hơn và sẽ lại thu hút được nhiều nhóm NĐT khác như NĐT nước ngoài, NĐT cá nhân.

Với NĐT cá nhân, lãi suất margin giảm xuống, cũng đồng nghĩa chi phí vốn giảm, suất sinh lời kỳ vọng cũng có thể giảm tương ứng, rủi ro cũng giảm theo; lợi thế chính là có thể gia tăng thời gian nắm giữ lâu hơn với chi phí thấp hơn trước rất nhiều. Điều này cũng tạo ra sự an tâm cho NĐT về mặt dài hạn, còn ngắn hạn thì tâm lý mua với chi phí rẻ hơn có thể tạo ra cảm giác an tâm. Nếu thống kê trong vòng một năm, chưa chắc số tiền lãi margin mà NĐT cá nhân trả cho CTCK đã giảm, nghĩa là CTCK vẫn có thể thu đủ dù giảm lãi, bởi lẽ tâm lý hào hứng do chi phí vốn giá rẻ lại khuyến khích NĐT giao dịch nhiều hơn, như vậy lãi giảm, nhưng quy mô vay tăng thì số tiền lãi thực trả vẫn giữ nguyên.

Hào hứng là vậy, nhưng với riêng các NĐT cũng cần cân nhắc những rủi ro có thể gặp phải để phòng tránh. Biến động của CP, nhất là những CP “nóng” trên sàn, sẽ phụ thuộc nhiều vào dòng vốn margin, khi dòng vốn này thay đổi, mà cụ thể ở đây là lãi suất thay đổi thì biến động giá cũng có thể như vậy.

Như đã phân tích ở trên, với chi phí thấp hơn, NĐT chỉ cần suất sinh lời thấp hơn tương ứng, như vậy mức độ chốt lãi hoặc xoay vòng vốn sẽ nhanh hơn. Nếu NĐT không nhìn nhận ra điều này để “đọc” biến động của CP một cách chính xác thì dù CP có tăng, hoặc đi ngang, vẫn có thể thua lỗ.