Khi khối nước ngoài bán ròng

Sự kiện Dragon Capital thoái toàn bộ vốn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sau gần 25 năm nắm giữ khiến các nhà đầu tư (NĐT) có một trải nghiệm đáng chú ý.

Trong phiên giao dịch ngày 10-3, hơn 100 triệu cổ phiếu (CP) ACB được giao dịch thỏa thuận ở mức giá 32.000 đồng/CP. Giá trị giao dịch tương đương gần 3.202 tỷ đồng. Trước đó, hai tổ chức có liên quan Dragon Capital là First Burns Investments Limited và Asia Reach Investments Limited đăng bán ký ra gần 108 triệu CP ACB. 

Động thái của Dragon Capital được chú ý bởi đây là khoản đầu tư mà quỹ này nắm giữ gần 25 năm qua, tức là gần bằng quãng thời gian hoạt động của quỹ tại Việt Nam. Cũng đáng chú ý là bên mua trong giao dịch thỏa thuận trên là các NĐT trong  nước, tương tự như nhiều thương vụ thoái vốn của Dragon Capital trong một số doanh nghiệp gần đây, chẳng hạn tại DIC Corp.

Nhìn rộng hơn trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng vốn nước ngoài chủ động vẫn tiếp tục bị rút ròng như số liệu đã thống kê. Việc khối nước ngoài bán ròng không phải là ngoại lệ. Có thể thấy, diễn biến tích cực của dòng vốn vào CP các TTCK phát triển và mới nổi lớn lại tạo thành sức ép với các TTCK mới nổi nhỏ và cận biên. Dòng vốn tháng 2 cũng rút mạnh khỏi các TTCK khác như: Trung Quốc, Malaysia, Philippines…

Hiện tại, xu hướng vốn dịch chuyển về các TTCK phát triển đang khá mạnh trước sức hút từ câu chuyện phục hồi kinh tế của Mỹ, nên có thể làm giảm sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư toàn cầu. NĐT bán ròng nhưng vẫn chờ đợi cơ hội cho một nhịp mới, khi giá nhiều CP đã đạt đỉnh trong 5 năm gần đây. 

Về tổng thể, cán cân thanh toán của Việt Nam trong nhiều năm gần đây liên tục dương (+), bởi thế tỷ giá sẽ không có biến động lớn, VND vẫn ổn định. Quan ngại về vốn nước ngoài rút ròng ảnh hưởng đến TT tiền tệ là không có.

Còn về mặt tâm lý, xu hướng này đã diễn ra từ rất lâu nên không tác động quá lớn đến NĐT. Thực tế cho thấy, các quỹ cũng không hẳn chiến thắng TT. Đơn cử, Dragon Capital thoái toàn bộ vốn tại DIC Corp với giá 23.000 đồng/CP, sau đó DIG đã “chạy” tới vùng giá 36.000 đồng/CP và hiện duy trì ở mức hơn 30.000 đồng/CP. Ở nhiều mã CP khác cũng ghi nhận sự bứt phá tương tự sau khi quỹ hoặc NĐT nước ngoài thoái bớt vốn. 

Theo giới phân tích, sự phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 là động lực chính hấp dẫn dòng vốn vào TTCK. Dù vậy, hiện ba rủi ro chính có thể tác động mạnh đến TT là: tiến trình tiêm chủng vaccine Covid-19; diễn biến TT trái phiếu và xu hướng của lạm phát. Đây có thể là chìa khóa cho diễn biến TT trong thời gian tới và có tác động đáng kể tới hành động của các NĐT tổ chức, trong đó có khối nước ngoài. Bởi thế, thời điểm này, NĐT cá nhân đóng vai trò quan trọng.

Theo giới phân tích, NĐT nước ngoài bán ròng ở các TTCK mới nổi và cận biên đã diễn ra một thời gian. Khi TTCK các quốc gia phát triển đang có hiệu quả tốt hơn thì việc rút ròng từ các TT khác về TT phát triển là điều bình thường. Tất nhiên, từ góc độ NĐT các nước TT cận biên như Việt Nam sẽ không tốt lắm và sẽ cần theo dõi tiếp để xem diễn biến tiếp theo như thế nào. 

Vấn đề đặt ra bây giờ là khi NĐT tổ chức và dòng vốn nước ngoài giảm nhiệt, liệu các NĐT cá nhân có giúp TTCK thiết lập kỷ lục mới?