Khẩu vị rủi ro

Có nhiều yếu tố tác động đến giá cổ phiếu (CP) trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (DN). 

Cơ bản, về mặt lý thuyết là vậy, tuy nhiên TTCK là một kênh đầu tư khó đoán định, bởi nguyên tắc cung - cầu, thuận mua vừa bán. Thực tế, TTCK vừa có những diễn biến tích cực nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư (NĐT) với mức tăng ở vị trị “quán quân” thế giới của VN Index. Trong bối cảnh TTCK vẫn còn phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu, đà tăng lan tỏa tại hầu hết các nhóm CP ở VN Index được cho là đột biến. Có tới 25% mã CP trên cả hai sàn niêm yết mang lại mức lợi nhuận hơn 20%. 

Vậy, điều gì đã làm nên kỳ tích này?

Thực tế, đối với nhóm blue chip, những thông tin vĩ mô và kết quả kinh doanh quý II đã không còn tác động nhiều đến giá CP trên TTCK, thậm chí vẫn còn nhiều quan ngại liên quan đến lợi nhuận của nhóm CP ngân hàng do chưa phải trích lập dự phòng đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối với nhóm CP thực phẩm, bán lẻ là câu chuyện hưởng lợi từ dịch bệnh đã trở nên bão hòa, trong khi nhóm được kỳ vọng “ăn theo” đầu tư công chỉ là một vài DN chứ chưa có sự lan tỏa… Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật, phần lớn các mã blue chip đều có sự phục hồi từ vùng giá thấp hồi cuối tháng 7 - thời điểm phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ngoài cộng đồng tại Đà Nẵng đã đẩy TTCK xuống mức thấp nhất trong hai tháng. Mức giá hấp dẫn cộng với diễn biến khả quan của TTCK thế giới được coi là động lực tăng giá CP trong thời gian qua. 

Dưới con mắt của NĐT, những kỳ vọng về sự tăng trưởng, tiềm lực của DN luôn là yếu tố quan trọng nhất tác động đến mức tăng của giá CP. Một DN kinh doanh có hiệu quả, nền tảng cơ bản tốt luôn ẩn chứa tiềm năng “bay xa” của CP.

Nhiệm vụ của những NĐT là phải đánh giá và định lượng tốt các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của DN trong tương lai, như việc xây nhà máy mới, tung ra sản phẩm mới, mở rộng TT mới… để có thể đón đầu cơ hội mua vào sớm những CP này và chờ đợi khoản lợi nhuận khi giá CP bật tăng.

Nhìn vào đây có thể thấy, lựa chọn một CP của DN với những chỉ số tài chính an toàn, DN đầu ngành được xem như một “kim bài miễn tử” trên TTCK.

Nhưng thực tế có như vậy?

Mỗi NĐT khi tham gia TTCK đều mong muốn hưởng lợi từ sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán hơn là mua CP để kỳ vọng nhận cổ tức. Không chỉ NĐT, bản thân DN cũng có mối quan tâm nhất định đến giá CP của mình. Bởi lẽ, việc giá CP biến động tích cực song hành cùng kết quả kinh doanh khả quan sẽ khiến DN nhận được sự ưu ái hơn từ các tổ chức tín dụng, giới truyền thông, các nhà phân tích... từ đó tạo niềm tin với đối tác.

Tuy nhiên, giá CP có cao được hay không lại do nhu cầu mua bán của các NĐT trên TTCK. Hiện nay, có hàng nghìn CP đang được niêm yết, đăng ký giao dịch, nhưng chỉ có vài phần trăm là thu hút được dòng tiền. Không hấp dẫn được dòng tiền đồng nghĩa với việc thanh khoản thấp sẽ khiến giá của nhiều CP không phản ánh đúng giá trị DN. Trong khi đó, không ít trường hợp CP tăng giá “ầm ầm” nhưng thực chất DN lại không có gì.

Từ những thực tế này có thể thấy, bên cạnh những yếu tố nội tại DN, giá CP trên TTCK còn được quyết định tùy theo nguyên tắc cung - cầu, thuận mua vừa bán dựa trên “khẩu vị rủi ro” của các NĐT.